Nhìn từ cơ sở
Trong những năm gần đây, hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội… đang có nhiều đổi mới cả về tổ chức bộ máy, phương thức, hình thức hoạt động; song vẫn còn nhiều khâu, nhiều thực thể tổ chức, phương thức hoạt động còn rườm rà, thậm chí không cần thiết, lãng phí công sức và tiền của mà vẫn tồn tại.
Ví dụ ở thành phố nọ được đô thị hóa từ một vùng có cơ cấu kinh tế nông nghiệp với tốc độ đô thị hóa khá nhanh, sau 15 - 20 năm từ một vùng có cơ cấu kinh tế có thể gọi là thuần nông đã trở thành thành phố. Theo đó, nhiều phường nội thị, trước đây là địa bàn nông nghiệp, nay các cánh đồng, vườn thổ đã biến thành khu dân cư, cơ quan, nhà máy, phân xưởng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; nông dân đã chuyển đổi sang ngành nghề khác; ruộng đất, trâu bò, nông cụ… cũng không còn. Hầu hết họ đã trở thành thị dân. Ấy thế nhưng trong nhiều khối phố Chi hội nông dân vẫn còn tồn tại. Vì phường, thành phố vẫn còn tổ chức nông dân nên phải có ngành dọc từ trên xuống tận cơ sở. Có tổ chức thì đương nhiên phải có hoạt động như hội họp, báo cáo, các phong trào thi đua, tham gia các cuộc thi được tổ chức rất hình thức, không thực tế. Thật hài hước khi có những cuộc thi do Hội nông dân huyện, thành phố tổ chức mà người đoạt giải sản xuất giỏi lại là người không dính dáng chi đến sản xuất nông nghiệp.
Để đáp ứng những tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu có nơi đã có đình làng là địa điểm rất tốt cho sinh hoạt văn hóa truyền thống và hiện đại, là điểm tập trung vừa rất thiêng vừa rất gần gũi với dân. Nhưng chiếu theo tiêu chí nông thôn mới thì phải có nhà văn hóa, vì vậy vẫn cứ phải làm Đề án xây dựng nhà văn hóa. Rồi cũng vẫn phải có bưu điện xã, phường, chợ... bất chấp điều kiện cụ thể, nhu cầu cần hay không của nhân dân trên địa bàn. Rồi do tiêu chí xét khối phố, thôn, xã phường văn hóa nên nhiều nơi vì danh hiệu đó đã giấu tội phạm, không báo cáo trung thực tình hình an ninh trật tự và các tệ nạn xã hội tại địa phương mình.
Đây chỉ là những ví dụ tại nhiều địa phương cơ sở để thấy rằng trên cả nước không mặt này thì mặt khác đang tồn tại những sai trái theo kiểu rập khuôn, giáo điều; điều hành mang tính áp đặt, cộng với cơ chế xin cho được ngụy biện dưới những hình thức và cái tên của những phong trào mới…
Thiết nghĩ, công cuộc chỉnh đốn Đảng, tinh gọn bộ máy hiện nay, vấn đề cấp bách không chỉ để làm trong sạch và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đảng viên mà phải song hành với cấp bách là đổi mới tư duy trên tinh thần hết sức cầu thị; phải đánh giá tình hình phát triển đất nước một cách khách quan, đúng thực tế; khắc phục bệnh hình thức và ảo tưởng; cải tổ, hình thành cơ chế, chính sách, bộ máy điều hành phát triển xã hội xuất phát từ quan điểm khách quan khoa học phù hợp với yêu cầu của cuộc sống; phải thật sự phát huy dân chủ rộng rãi và tham khảo ý kiến của những nhân sĩ, trí thức tâm huyết trong việc đề ra các chủ trương chính sách lớn để tuyệt đối tránh cho được những sai lầm mang tính quốc sách mà không quy được trách nhiệm thuộc về ai cả.