Nhiều công ty Nhật rời Trung Quốc
(QNO) - Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc đang tìm nơi “trú ẩn an toàn”.
Vì cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng, từ tháng 7 năm ngoái đến nay, Mỹ áp thuế tổng cộng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD áp thuế hàng Mỹ sang Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới càng nóng lên khi Mỹ mới đây đưa Huawei vào danh sách “đen”, cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ. Huawei là tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông, có trụ sở chính tại Trung Quốc.
Do vậy, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang các nước khác như khu vực Đông Nam Á vì lo ngại khả năng cạnh tranh có thể giảm do thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.
Bởi, Đông Nam Á đang được nhiều nhà đầu tư và chuyên gia đánh giá là nơi trú ẩn lý tưởng cho các doanh nghiệp. Nhân cơ hội này, chính phủ nhiều quốc gia trong khu vực đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Như công ty máy tính Casio bắt đầu thực hiện kế hoạch chuyển giao sản xuất đồng hồ bao gồm đồng hồ đeo tay đình đám G-Shock và nhạc cụ từ Trung Quốc sang Thái Lan và quay về Nhật Bản. Casio ước tính rằng việc kinh doanh đồng hồ đeo tay có thể thiệt hại 700 triệu yên Nhật do thuế quan Mỹ và hy vọng sẽ giảm một nửa thiệt hại đó bằng cách dịch chuyển cơ sở sản xuất.
Về phần mình, Ricoh - công ty máy in đa chức năng với khả năng sao chép máy, máy quét và fax tại Mỹ quyết định chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Thái Lan vào đầu mùa hè này.
Fast Retailing - nhà điều hành chuỗi bán lẻ quần áo Uniqlo đã thảo luận về việc tăng cường sản xuất tại các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á như Bangladesh và Việt Nam. Fast Retailing hiện có khoảng 50 cửa hàng tại Mỹ với các sản phẩm được sản xuất từ Trung Quốc.
Panasonic đã chuyển một phần sản xuất dàn âm thanh xe hơi và các thiết bị ô tô khác từ Trung Quốc sang các nhà máy ở Thái Lan và Malaysia.
Tuy nhiên, một số công ty Nhật Bản khác tại Trung Quốc vẫn còn ngần ngại từ bỏ các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc do lo lắng về chi phí chuyển đổi cơ sở và xây dựng lại mạng lưới cung ứng của họ. Như Kyocera cũng đang nghiên cứu khả năng chuyển một phần sản lượng máy in đa chức năng từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng chỉ một số lượng hạn chế có thể được sản xuất tại Việt Nam.
Theo ước tính của nhà kinh tế học thuộc Học viện Daiwa (Nhật Bản) - ông Shunsuke Kobayashi, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm 1,3 nghìn tỷ yên Nhật nếu vòng thuế quan mới nhất của Mỹ áp cho Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Theo trang tin The Asean Post, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể mang lại những tín hiệu tích cực cho ngành sản xuất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và quỹ đất khu vực vẫn còn hạn chế và khả năng đáp ứng ngay lập tức toàn bộ công suất dịch chuyển từ Trung Quốc. Đây là những thách thức mà khu vực cần giải quyết để đón cơ hội khi muốn trở một trong những trung tâm sản xuất của châu Á.