Phụ nữ chưa mạnh dạn khởi nghiệp
Phụ nữ (PN) chiếm khoảng 50% dân số nhưng theo thống kê hiện tỷ lệ nữ quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ khoảng 20%. Điều này do nhiều rào cản, trong đó nguyên nhân chính là PN chưa dám vượt qua khỏi định kiến an phận và vùng an toàn để dấn thân khởi nghiệp.
Rào cản vô hình
Đến từ huyện miền núi Nam Trà My, chị Hồ Thị Mười (SN 1983) là một trong số ít PN đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh mạnh dạn khởi nghiệp (KN). Bề ngoài trông nhỏ nhắn nhưng ý chí và nghị lực của người phụ nữ Ca Dong này làm nhiều người phải khâm phục. Không chỉ mạnh dạn trong kinh doanh các mặt hàng về dược liệu – sản phẩm thế mạnh của địa phương, chị Mười cũng không ngại bước ra những “sân chơi” lớn, sẵn sàng giao lưu, tìm kiếm các cơ hội giới thiệu, quảng bá và tiếp cận các kênh hỗ trợ kinh doanh.
Khi cuộc thi “Ý tưởng KN sáng tạo” do Hội LHPN tỉnh lần đầu tổ chức, chị đã tham gia và trình bày những ý tưởng táo bạo của bản thân. Vừa qua, tại hội thảo “Đầu tư KN sáng tạo miền Trung – Tây Nguyên” thuộc khuôn khổ Ngày hội PN KN khu vực miền Trung – Tây Nguyên do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, chị Mười là đại diện duy nhất của PN Quảng Nam phát biểu, mạnh dạn nói lên mong muốn của doanh nghiệp về vấn đề tiếp cận nguồn vốn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, những gương điển hình PN KN, nhất là PN vùng đồng bào thiểu số như chị Mười ở trong tỉnh lại không nhiều.
Đánh giá tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Vốn và vai trò của PN trong KN”, các ý kiến đều cho rằng, dư địa KN của Quảng Nam lớn nhưng các dự án KN nói chung, nhất là dự án KN của PN còn khiêm tốn. Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhìn nhận, từ phía những rào cản cơ bản khiến PN chưa dám mạnh dạn KN.
“PN thường suy nghĩ, hy sinh cho sự nghiệp thì ai là người đưa đón con, chăm sóc gia đình. Bên cạnh đó, PN thường nhút nhát, nhất là sợ vay, sợ nợ. Kỹ năng quản lý, sử dụng nguồn vốn, kết nối thị trường, sự chấp nhận rủi ro… ở PN cũng còn nhiều hạn chế” - bà Lộc nói.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân khiến tỷ lệ doanh nhân nữ thấp so với nam giới, bà Hồ Thị Quý - Trưởng ban Hỗ trợ PN phát triển kinh tế (Hội LHPN Việt Nam) cho rằng, vấn đề quan trọng là do PN chưa dám ước mơ, chưa mạnh mẽ vượt qua khỏi định kiến an phận để vượt qua vùng an toàn tìm kiếm con đường KN cho bản thân. Bên cạnh đó là vấn đề năng lực, sự ủng hộ từ gia đình, vấn đề tiếp cận vốn… Bà Quý cũng bày tỏ vui mừng khi tỷ lệ nữ KN ở Quảng Nam chiếm 30%, cao hơn bình quân chung cả nước 25%.
Cần nhiều “đòn bẩy”
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh tập trung triển khai các hoạt động thực hiện Đề án 939 về hỗ trợ PN KN giai đoạn 2017 - 2025, nhằm thay đổi nhận thức, khởi dậy tinh thần KN, khởi sự kinh doanh, tiềm năng và sức sáng tạo của PN. Theo đó, hội đã hỗ trợ PN hoàn thiện các ý tưởng đạt giải tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo KN” và kết nối thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp KN, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể của PN.
Theo bà Trương Thị Lộc, tinh thần KN ở giai đoạn hiện tại rất sôi động thể hiện tinh thần vào cuộc của mỗi cán bộ hội viên PN trên con đường hội nhập. Các hoạt động KN, khởi sự kinh doanh đã và đang trở thành phong trào trong các cấp hội PN trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để hội và các cấp, các ngành hỗ trợ PN không chỉ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định mà còn có thể phát triển kinh tế một cách bền vững, vươn lên làm giàu.
Hội LHPN tỉnh cho biết, 2 năm qua, trong toàn hội có gần 300 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể, thu hút hơn 10 nghìn chị em vừa quản lý, vừa lao động trực tiếp. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhằm tiếp lửa, chuẩn bị hành trang cho chị em trong KN; đồng thời kết nối hiện thực hóa các ý tưởng, dự án KN, thì Hội LHPN tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ chị em trong tiếp cận nguồn vốn từ các kênh khác nhau. Theo đó, hiện các cấp Hội LHPN trong tỉnh đang quản lý hơn 1.700 tỷ đồng từ kênh Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ PN phát triển kinh tế có hơn 10 tỷ đồng. Hàng năm, thông qua mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm học tập gương bác”, hội viên phụ nữ cũng huy động hơn 10 tỷ đồng giúp nhau làm ăn… Đó là chưa kể các nguồn vốn từ dự án phi chính phủ tài trợ riêng cho phụ nữ.
Với kinh nghiệm và các mối quan hệ trên thương trường, ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Tập đoàn VN Đà Thành cho rằng, nữ KN có những rào cản nhất định nhưng cũng có những thế mạnh vô hình mà đôi lúc nam giới không có. Đó là sự quyết liệt, dám đương đầu với thử thách mà một khi họ đã bước ra khỏi sự e dè, tự ti thì tỷ lệ thành công trong kinh doanh rất cao, khiến nam giới phải khâm phục.
Theo ông Bảo, để giúp PN vượt qua được sự e dè, mặc cảm thì gia đình chính là đòn bẩy quan trọng nhất. “Sự ủng hộ từ ông bà, bố mẹ, chồng con, thậm chí là cả bạn trai (nữ chưa lập gia đình) là nguồn cổ vũ quyết định 50% thành công cho phái nữ KN” – ông Bảo nói.
Là lực lượng quan trọng chiếm 50% lao động, nhiều ý kiến cho rằng, để PN đóng góp nhiều hơn cho xã hội, để tăng tỷ lệ doanh nhân nữ so với hiện nay thì đòi hỏi cần có nhiều giải pháp hỗ trợ chị em. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở bản thân người PN, đó là tinh thần dấn thân, dám nghĩ, dám làm trong KN, khởi sự kinh doanh.