Kinh tế châu Á chững lại năm 2019

QUỐC HƯNG 05/04/2019 08:29

(QNO) - Không chỉ có thể bị chững lại, nền kinh tế châu Á sẽ mất đi sức bật vào năm 2020. Tuy vậy, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2 năm tới 6,7 - 6,8%, thuộc mức cao nhất khu vực.

Trong một nhà máy sản xuất tại Nhật Bản. Ảnh: asia.nikkei
Một nhà máy sản xuất tại Nhật Bản. Ảnh: asia.nikkei

Ngày 3.4, báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng trong khu vực sẽ giảm xuống 5,7% vào năm 2019 và 5,6% vào năm 2020, so với mức trưởng 5,9% của năm ngoái.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 6,3% (2019) và 6,1% (2020) so với 6,6% của  năm 2018. Còn nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu - Nhật Bản sẽ chứng kiến tăng trưởng kinh tế 1,9% trong năm nay và 1,6% vào năm 2020 trong điều kiện tài chính và tiền tệ thắt chặt hơn.

ADB lý giải nguyên nhân hạ dự báo kinh tế châu Á là do các yếu tố như nhiều nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu đang tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng lan rộng, bất ổn lan rộng từ quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và chính sách tài chính của Mỹ.

Xét theo khu vực, ADB cho biết Nam Á hiện vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong châu Á - Thái Bình Dương với mức tăng trưởng được dự báo là 6,8% trong năm nay và 6,9% trong năm 2020. ADB ước tính xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm, tuy nhiên kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng nhanh nhờ thu nhập tăng giúp thúc đẩy tiêu dùng.

Đặc biệt, ADB cho biết tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2 năm tới vẫn ở mức cao trong khu vực, nhờ vào tiêu dùng cá nhân mạnh, sự mở rộng của các ngành công nghiêp chế biến, chế tạo, dịch vụ và nông nghiệp. Bên cạnh đó là khả năng tiếp cận thị trường rộng hơn qua các hiệp định thương mại tự do và luồng vốn FDI.

Tuy nhiên, ADB cho rằng những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khi tiến độ của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm chễ. Kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.

Cũng đầu tuần này, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Christine Lagarde cho biết: "Kinh tế toàn cầu đang trong thời khắc mong manh". Những rủi ro suy giảm tăng trưởng rõ rệt mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, bao gồm Brexit và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, 2 vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế thế giới đang dần mất đà. Khoảng 70% nền kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Tuy nhiên, người đứng đầu IMF khẳng định: "Nhưng rõ ràng, chúng ta không thấy suy thoái trong thời gian tới. Trên thực tế, chúng ta hy vọng về bánh xe tăng trưởng trong nửa cuối năm 2019 và đến năm 2020".

Tương tự, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng thương mại trong năm nay xuống hơn một điểm phần trăm, xuống còn 2,6% do kinh tế thế giới chững lại, và khi Mỹ và Trung Quốc đang chật vật tìm cách đạt đồng thuận về một phương thức nhằm dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa của nhau trị giá hàng trăm tỷ đô la Mỹ.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG