Những "đóa hoa" rừng
(QNO) - Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào của hội tại địa phương, nhiều chị em phụ nữ ở huyện vùng cao Đông Giang còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, được ví như những "đóa hoa" núi rừng.
Những năm qua, trên địa bàn huyện Đông Giang luôn xuất hiện nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau trong cuộc sống. Ảnh: Đ.N |
"Hoa" đại ngàn
Trong số rất nhiều gương sáng về công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Đông Giang, phải kể đến tấm gương của chị Bh'ling Thị Cái (dân tộc Cơ Tu, thôn Abung, xã Arooih). Gần 8 năm gắn bó với công tác hội, chị Cái luôn phát huy vai trò người "quản công", tận tâm với các hoạt động của chị em phụ nữ và hết lòng hỗ trợ nhiều hoàn cảnh thoát đói nghèo.
Chị Cái tâm sự, ngày trước, hoàn cảnh của chị cũng gặp rất nhiều khó khăn, do chưa tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Những năm gần đây, từ các nguồn chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho vùng dân tộc miền núi, chị đã mạnh dạn đầu tư sinh kế, bắt đầu từ việc nuôi heo cỏ, trồng chuối, keo,… và bước đầu đem lại hiệu quả khả quan, chỉ sau vài năm chuyển đổi mô hình sản xuất mới. Nguồn thu nhập từ mô hình phát triển kinh tế này, chị tiếp tục quay vòng và hỗ trợ cho một vài hộ phụ nữ khác trong thôn cùng phát triển, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Abung, thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, chị Cái đã linh hoạt lồng ghép nhiều nội dung phong phú, quan trọng và vận động chị em nỗ lực đổi mới phương thức sản xuất trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, giúp nhiều chị em có thêm động lực phát triển, từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo cho phụ nữ tại địa phương. "Qua các năm, đã có nhiều chị em phụ nữ trong thôn đăng ký thoát nghèo và cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn hóa" - chị Cái cho biết thêm.
Từ việc thu mua và chế biến chè dây razéh mang lại cho gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (xã Tư) hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đ.N |
Cũng như Bh'ling Thị Cái, không cam chịu cảnh đói nghèo, chị Nguyễn Thị Oanh - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đha Nghi (xã Tư) cũng đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng chè dây razéh tại đất vườn. Đồng thời trồng kết hợp với cây cao su, keo lá tràm và chăn nuôi đàn bò, cùng mô hình rau sạch. Chỉ sau vài năm, chị Oanh đã thành công.
Đến nay, vợ chồng chị Oanh đã trồng được 3ha cây cao su, 8ha keo đang ở thời điểm khai thác, hơn 14.500 cây chè dây razéh cho hiệu quả kinh tế cao. Từ những nỗ lực hết mình để phát triển kinh tế gia đình, bình quân mỗi năm gia đình chị Oanh thu về hơn 100 triệu đồng, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Giúp nhau cùng tiến bộ
Chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, những năm qua, các hội phụ nữ ở huyện Đông Giang đã có nhiều hoạt động giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên mối tình đoàn kết bền chặt, tương thân tương ái. Tiêu biểu như: Chi hội phụ nữ thôn A Điêu (xã Arooih) tình nguyện giúp gia đình chị Arất Thị Đhông hàng chục gùi củi; hàng chục ngày công giúp vận chuyển vật liệu làm nhà cho chị Arất Thị Adút và hỗ trợ chăm sóc vườn hoa màu của chị Bh'nướch Thị Chao,… Ngoài ra, chị em cũng vận động nhau cố gắng đẩy lùi các phong tục tập quán còn lạc hậu để cuộc sống ngày càng tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Hay như Chi hội phụ nữ thôn C'loò (xã Sông Kôn), vận động giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ gặp khó khăn, ốm đau nặng. Theo đó, bên cạnh huy động tổ chức ngày công lao động để gây quỹ và hỗ trợ gạo ăn, củi cho các hộ gặp khó khăn trong thôn, chị em còn duy trì tốt mô hình quỹ tiết kiệm quay vòng không lãi với số tiền 3 triệu đồng, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Điển hình như hộ chị Zơrâm Thị Hằng, Alăng Thị Hoa, Alăng Thị Pứ, Bríu Thị Sâm,… thành công với các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Bà Pơloong Thị Những - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Giang cho hay, thông qua các đợt tập huấn về khoa học kỹ thuật, phối hợp đào tạo nghề, xây dựng các mô hình/câu lạc bộ phát triển kinh tế, tổ tiết kiệm, chăn nuôi trang trại và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội,… đến nay đã có 7.950 lượt phụ nữ được tập huấn, tuyên truyền về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đồng thời xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế như: trồng ớt Ariêu, trồng chuối mốc, cải tạo cây lòn bon, cải tạo khoanh nuôi trồng mới cây chè dây, mô hình nuôi heo gia công, nuôi nhím,... đem lại thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống. Nhờ vậy, nhiều chị em đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng nghị lực, sức lao động của bản thân và gia đình, tiêu biểu như: chị Đinh Thị Đấu (xã Jơ Ngây), Zơrâm Thị Reo (xã Ma Cooih), Nguyễn Thị Oanh (xã Tư)...
"Đến nay, toàn huyện có hơn 1.503 hộ nghèo được vay vốn, trong đó có 169 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn này, đã thành lập và duy trì 12 tổ phụ nữ góp vốn quay vòng, gồm 144 thành viên, với tổng số tiền hơn 740 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm chúng tôi cũng đã giới thiệu 382 lao động nữ đi học nghề, trong đó có 291 lao động nữ có việc làm sau đào tạo nghề và thành lập 22 câu lạc bộ sản xuất kinh doanh, cùng với nhiều mô hình phát triển kinh tế khác" - bà Những nói.
ĐĂNG NGUYÊN - MINH HOÀN