Tìm đầu ra cho... rác

KHÁNH LINH 04/04/2019 14:23

“Biến rác thải từ áp lực xã hội trở thành cơ hội cho sự ra đời của những sản phẩm hàng hóa có giá trị…” đang là mục tiêu hướng đến của nhiều nhóm, tổ chức, cá nhân tâm huyết với sự an toàn của môi trường ở TP.Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung.  

Ngày càng xuất hiện nhiều cách nhìn nhận tích cực về môi trường. Ảnh: K.LINH
Ngày càng xuất hiện nhiều cách nhìn nhận tích cực về môi trường. Ảnh: K.LINH

Cách nhìn mới

Thống kê cho thấy, bình quân mỗi ngày Hội An phát sinh ra môi trường khoảng 100 tấn rác thải, chủ yếu từ các hoạt động phát triển du lịch, trong đó một lượng lớn rác thải không được xử lý kịp thời dẫn đến quá tải, gây ô nhiễm. Áp lực xử lý rác thải luôn trở nên cấp thiết, đặc biệt khi các nhà máy xử lý rác thải tại chỗ không thể đáp ứng yêu cầu như hiện nay. Không chỉ Hội An, hầu như tất cả thành phố du lịch ở Việt Nam đều đang chịu áp lực rác thải ngày càng lớn nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Theo bà Nguyễn Thu Trang - Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (Greenhub), với 30 triệu tấn rác thải được tạo ra hàng năm, Việt Nam là một trong 5 nước xả rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Tuy vậy, cũng chỉ có khoảng 10% rác thải được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng, bao gồm các mặt hàng như giấy, kim loại, thủy tinh, cao su và một số chất dẻo. “Những nỗ lực quản lý rác thải của Greenhub tập trung vào việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tác động gây thay đổi hành vi của họ, thúc đẩy cho việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải, giám sát rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa” - bà Trang cho biết.

Trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều nhóm, tổ chức và cá nhân đang thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử tích cực hơn với rác thải. Những mô hình vườn sinh thái hữu cơ, hoạt động thay đổi nhận thức cộng đồng về môi trường bền vững ngày càng xuất hiện, qua đó giúp lan tỏa thông điệp tích cực về bảo vệ môi trường, đặc biệt rác thải đã được biến trở thành những sản phẩm hàng hóa giá trị như xà phòng sinh thái, ông hút sinh thái, giấy nhựa thân thiện môi trường… giúp mang đến cơ hội mới cho một bộ phận cộng đồng. Ông Lương Văn Giang - Quản lý vùng miền Trung Việt Nam, Công ty Hóa chất vệ sinh tẩy rửa giặt là Diversey cho biết, hiện nay quan niệm về rác thải đã thay đổi, đó không chỉ thể hiện ở việc giám sát rác thải mà còn biến rác thải trở thành hàng hóa. Tại một số nước Bắc Âu như Hà Lan thậm chí đã nhập rác thải về tái chế sử dụng. “Mỗi ngày chúng ta bỏ rác thải vào thùng và khi xe rác tới chuyển đi xem như xong mà không quan tâm đến vòng đời của rác sẽ đi đâu. Do đó, vấn đề chính hiện nay là thay đổi nhận thức về vòng đời của rác, đặc biệt phải có công nghệ xử lý hiệu quả” - ông Giang nói.

Quản trị rác thải

Trong buổi thảo luận về cách ứng xử với rác thải vừa diễn ra cuối tuần qua tại Hội An, bà Vũ Mỹ Hạnh, Trang trại An Nhiên (xã Điện Phương, Điện Bàn) cho rằng, đã đến lúc rác thải phải được nhìn nhận ở góc độ cao hơn, là quản trị rác thải. Trong đó, bao hàm nhiều vấn đề liên quan đến ý thức, nhận thức và ứng xử với rác thải, đặc biệt các chương trình về truyền thông, giáo dục… Bà Hạnh phân tích: “Trước đây, mọi người có thói quen chỉ dọn rác ra khỏi nhà mình cho sạch, rất ít khi đặt câu hỏi rác bỏ ra ngoài sẽ đi đâu, diễn biến tiếp theo như thế nào? Nhưng bây giờ bản thân rác có thể được nhìn nhận như một nguồn lực, một cơ hội thay vì là một vấn đề, bởi khi mình nói quản lý nó không nhất thiết là yếu tố tiêu cực mà có thể đem tới nhiều ý tưởng mới”.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, du lịch phát triển đã làm phát sinh nhiều vấn đề về rác. Do đó, hiệp hội đang suy nghĩ nhằm có hành động, thông điệp rõ ràng về môi trường. Cụ thể, các doanh nghiệp thành viên phải cam kết giảm thiểu lượng rác thải và thay thế bằng những vật liệu thân thiện môi trường trong các hệ thống khách sạn nhà hàng của mình. Hiện nay, ngành dịch vụ du lịch chưa có đào tạo về bảo vệ môi trường cũng như quản lý rác thải. Vì vậy doanh nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, kể cả đào tạo nhân viên chuyên môn về lĩnh vực này, hướng đến cải thiện và nâng cao nhận thức về quản lý rác thải. Đặc biệt nên mã hóa việc xử lý rác thải bằng quy trình giống như quy trình phục vụ. Sau khi thu gom, phân loại rác, phải đong đếm rác để biết số lượng bao nhiêu nhằm tiết giảm hoặc tái chế rác để sử dụng trở lại trong hệ thống nhà hàng khách sạn.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH