Truyền thông y tế ở Tam Lộc
Đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông giúp Trạm Y tế xã Tam Lộc (Phú Ninh) góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Trạm Y tế xã Tam Lộc triển khai chiến dịch tiêm sởi - rubela tháng 3.2019. Ảnh: B.A |
Mặc dù lịch trình hàng tháng đã được ấn định và phổ biến cụ thể đến từng hộ dân, nhưng lần nào cũng vậy, cứ 2 - 3 ngày trước hôm diễn ra chiến dịch uống vitamin A hay tiêm chủng mở rộng, Trạm Y tế xã Tam Lộc (Phú Ninh) lại tổ chức truyền thông. Để thông tin đến được với mọi người, các nhân viên của trạm phải dùng xe máy rảo đến từng xóm nhỏ và phát thông báo qua loa cầm tay. Đồng thời phối hợp với ban dân chính các thôn phát hành thông báo (bằng văn bản) đến từng gia đình... Cách làm này khá vất vả, bởi Tam Lộc là xã trung du nhiều đồi dốc, dân cư phân bố rải rác, trong khi toàn trạm y tế xã chỉ có 5 cán bộ; nhưng bù lại, tỷ lệ huy động các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng ở từng chiến dịch luôn đạt tỷ lệ cao. Bằng chứng là, trong suốt mấy năm qua, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ liều theo chương trình, tỷ lệ trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi đi uống vitamin A, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai đủ 3 lần trở lên và được tiêm chủng đầy đủ... luôn đạt 100%.
Một ca tư vấn chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã Tam Lộc. |
Theo bác sĩ Phan Đình Mỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, Trạm Y tế xã Tam Lộc là một trong những đơn vị thường xuyên đối mặt với những khó khăn mang tính đặc thù. Tuy nhiên, bằng tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, tập thể thầy thuốc ở đây đã hóa giải được những khó khăn hàng ngày. Bác sĩ Mỹ nhận định, cách làm của Trạm Y tế Tam Lộc đã chứng minh được rằng, hoạt động thông tin truyền thông không hề mang tính phong trào, hình thức mà thật sự là nền tảng để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. |
Theo y sĩ Nguyễn Thị Tâm Anh - Trưởng trạm Y tế xã Tam Lộc, ngoài các chiến dịch trọng điểm về chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, trong tất cả chương trình y tế khác tại Tam Lộc, hoạt động truyền thông cũng luôn được coi trọng. “Về cơ bản, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe nói chung đã được cải thiện rất đáng kể. Tuy nhiên, để hình thành thói quen, ý thức một cách bền vững, chúng tôi vẫn quyết định tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế” - y sĩ Tâm Anh nói. Trong thực tế, vẫn còn không ít người thờ ơ, chủ quan đối với một số căn bệnh ít nguy cấp, diễn biến chậm, như phong, lao hoặc tâm thần... Đáng chú ý, dù địa phương đã được công nhận hoàn thành loại trừ bệnh phong ra khỏi cộng đồng, song việc cung cấp thông tin về phòng chống căn bệnh này vẫn được trạm y tế xã duy trì. Còn với các loại dịch và bệnh truyền nhiễm phổ biến, việc truyền thông được thực hiện theo hướng khuyến cáo người dân loại bỏ thói quen giấu bệnh, tự điều trị, chăm sóc tại nhà. Đặc biệt việc cung cấp thông tin dịch bệnh và truyền thông nâng cao nhận thức được thực hiện thường xuyên chứ không đợi đến khi trên địa bàn xuất hiện bệnh, dịch mới ra quân ứng phó và tuyên truyền.
Ngoài các vấn đề sức khỏe mang tính “thời sự”, mấy năm gần đây Trạm Y tế xã Tam Lộc còn chủ động đẩy mạnh tuyên truyền vận động kết hợp với ứng dụng, thực hành đối với lĩnh vực y học cổ truyền. Theo y sĩ Tâm Anh, khi nhận thấy người dân ngày càng có xu hướng xa rời các phương thuốc dân gian, quay lưng với y học cổ truyền, trong khi nguồn dược liệu luôn sẵn có ở mỗi vườn nhà, trạm y tế xã đã liên tục tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động. Đồng thời xây dựng vườn thuốc mẫu và lập phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngay tại trạm - vừa tạo cơ sở ứng dụng, thực hành vừa làm công cụ truyền thông trực quan. Kết quả số người khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã tăng lên đáng kể và cao nhất là năm 2018, có tới 1.613 lượt người khám, chữa bệnh bằng đông y, chiếm 31% tổng số lượt khám, điều trị tại trạm. Giờ đây, Trạm y tế xã Tam Lộc đã trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành y tế Phú Ninh trong việc khôi phục hoạt động y học cổ truyền.
BẢO ANH