Tôn trọng dân

P.T.H 04/04/2019 10:40

Sự bất nhất trong các văn bản của Bộ Nội vụ đang khiến nhiều cán bộ công chức ở 3 huyện miền núi của Quảng Nam “ăn không ngon ngủ không yên”. Hay như Thông tư 21/2018 ngày 15.11.2018 của Bộ NN&PTNN khiến 5.400 tấn cá không xuất khẩu được, gây thiệt hại cho doanh nghiệp được truyền thông đưa tin hôm 1.4. Đó chỉ là vài ví dụ mới nhất về “lỗi” văn bản quy phạm pháp luật.

Thử áp vào việc học tập chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” xem, liệu khi ra các văn bản này, những người cầm cân nảy mực ở cấp bộ đã thực sự đứng trên tư duy của hệ quy chiếu “tôn trọng Nhân dân” chưa? Đây không phải là kiểu “chụp mũ”, bởi nếu lục lại những quy định từ các văn bản quy phạm pháp luật khiến dân “cười ra nước mắt” mà thống kê sẽ rõ.

Theo một số liệu cũ: năm 2017, Bộ Tư pháp phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật (trong đó có 1.236 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày; còn lại 574 văn bản không phải là quy phạm pháp luật nhưng lại chứa quy phạm pháp luật). Mỗi năm có tới hàng nghìn văn bản trái luật như vậy, từ sai thẩm quyền ban hành đến nội dung, thậm chí có văn bản bị thu hồi ngay khi vừa mới ban hành. Tuy nhiên, việc xử lý cá nhân, tập thể liên quan đến nay vẫn gần như bỏ ngỏ.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có nhưng chưa có nội dung về chế tài xử lý người ra văn bản sai. Mà với cơ chế, quy trình hiện nay (khi ban hành văn bản) thì càng rất khó để người đứng đầu bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm khi văn bản trái luật. Khi chính sách nêu trong văn bản xa rời thực tế, gây phản ứng trong người dân, văn bản được thu hồi và... huề cả làng. Trong khi chờ các cơ quan liên quan trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để khắc chế những lỗ hổng hiện nay (như cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật, cơ chế về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước do việc ban hành văn bản trái luật gây ra, cơ chế xử lý người ký để văn bản có hiệu lực…) thì hàng ngày, người dân vẫn đối diện nhiều khó khăn, vướng mắc.

Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước trong xã hội pháp quyền mà cứ xảy ra chuyện xin lỗi rồi xin rút lại văn bản vì “sai sót trong quá trình soạn thảo; do người đánh máy” thì chuyện người dân nghi ngờ là không tránh khỏi. Dẫu sao, vẫn còn may là được phát hiện kịp thời và thu hồi. Bởi hiện còn rất nhiều văn bản pháp luật khiếm khuyết (chữ dùng của Bộ Tư pháp) vẫn đang lưu hành, thì việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội sẽ đi đến đâu?

Tư duy trên hệ quy chiếu tôn trọng Nhân dân, nếu việc đúng phải làm thì dù vì một người dân thôi cũng làm, xin đừng có kiểu tư duy đó chỉ là số ít, là những sự vụ lẻ tẻ mà bỏ qua.

P.T.H

P.T.H