Tổng điều tra dân số và nhà ở: Tây Giang linh hoạt vượt khó
Cùng với các địa phương trong tỉnh, từ ngày 1.4 huyện Tây Giang ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Huyện đã huy động 40 điều tra viên (ĐTV) bám trụ từng thôn để thu thập điều tra. Mục tiêu đặt ra là sẽ hoàn thành điều tra muộn nhất vào ngày 20.4. Tuy nhiên, việc điều tra lần này vẫn còn lắm gian nan.
Tin liên quan
|
Điều tra viên Trần Thị Oanh thu thập thông tin tại thôn Nal, xã Lăng, gặp nhiều thuận lợi (ảnh nhỏ) nhờ Tây Giang thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Ảnh: ĐÌNH HIỆP |
Nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Sĩ - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện cho biết, việc triển khai tổng điều tra trên địa bàn Tây Giang gặp một số khó khăn nhất định như núi non hiểm trở, sông suối chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; dân cư phân bố rải rác trên địa bàn rộng. Trong khi đó nhiều thôn chưa có mạng di động phủ sóng, nên việc truyền tải rất khó thực hiện. Như thôn Aur (xã A Vương) nằm biệt lập giữa rừng sâu, ĐTV muốn đến đó phải lội bộ 6 tiếng đồng hồ, phải làm việc trong điều kiện không “điện quốc gia”, không sóng điện thoại, nên phải mất nhiều ngày mới hoàn thành công việc. Tại đây, các ĐTV sẽ phải làm 2 việc đó là phỏng vấn trực tiếp (ghi âm bằng điện thoại) và ghi trên phiếu giấy từ người cung cấp thông tin” - ông Sĩ chia sẻ.
Thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, huyện Tây Giang huy động 40 ĐTV và Tổ trưởng để thu thập 71 địa bàn điều tra, quy mô dân số hơn 4.900 hộ, hơn 19.000 nhân khẩu, không bao gồm những người đang làm việc trong ngành công an, quân đội, biên phòng. |
Ông Sĩ cho biết thêm, điểm mới trong tổng điều tra lần này là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả công đoạn. ĐTV phải sử dụng thiết bị điện tử di động (CAPI) trong thu thập thông tin và sử dụng phiếu trực tuyến để các hộ dân cư tự cung cấp thông tin qua internet (Webform). Hiện nay, tại một số thôn không có sóng điện thoại, ĐTV chỉ có thể triển khai công đoạn thu thập thông tin, sau đó về Chi cục Thống kê huyện mới nhập và truyền tải được.
Được phân công giám sát điều tra tại 6 xã vùng thấp, ông Lý Ngọc Tín - Chi cục phó Chi cục Thống kê huyện cho biết, sau một ngày triển khai, các ĐTV đã dần quen với công việc và có kinh nghiệm điều tra, thu thập dữ liệu. Khi đi điều tra họ chuẩn bị kỹ mọi thứ, kể cả pin dự phòng cho điện thoại, cho máy tính bảng. Thành viên tổ điều tra được phân công phần việc cụ thể. Tuy nhiên còn một khó khăn thuộc về “thiên thời”, thời tiết Tây Giang những ngày qua không thuận lợi, thường xuyên có mưa dông, nhiều thôn còn đường đất lầy lội nên đi lại khó khăn. Thêm điều nữa, trời hay mưa dông nên thường xuyên xảy ra cúp điện, mạng di động bị ngắt, dẫn đến việc truyền thông tin bị gián đoạn.
Cố gắng hoàn thành kế hoạch
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ĐTV của Tây Giang vẫn cố gắng sớm hoàn thành công việc của mình, với phân công mỗi người đảm nhiệm điều tra 1 - 2 thôn. Chị Trần Thị Oanh - ĐTV ở xã Lăng chia sẻ, khi được chọn làm ĐTV, chị và những người khác tham gia tập huấn nhiều lần, được hỗ trợ phần mềm, hướng dẫn cụ thể từng thao tác. Nội dung chính của việc điều tra tập trung vào việc thu thập thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động, việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư. Với nhiều nội dung như thế, thường điều tra một hộ mất khoảng 20 - 30 phút để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh (phiếu điện tử). Do địa bàn xã Lăng thuận lợi nên việc điều tra nhanh. Có những hộ đi làm rẫy không có ở nhà thì ĐTV làm việc vào ban đêm. “Làm tới đâu chúng tôi gửi kết quả về cho Chi cục Thống kê huyện và thông tin được kiểm tra và truyền tải về Trung ương luôn. Anh chị em ĐTV còn trẻ, quen dùng điện thoại thông minh nên xử lý nhanh và chính xác” - chị Oanh chia sẻ.
Ở các xã vùng cao, thầy giáo Ríah Trung - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Ch’Ơm cho biết, việc điều tra gặp lắm gian nan. Được phân công làm ĐTV tại 2 thôn Atu 1 và Achoong của xã Ch’Ơm, là người địa phương nên thầy giáo Ríah Trung rất hiểu và nắm rõ từng hộ dân. “Điều tra tại Achoong thì dễ vì đường sá đi lại thuận tiện, có mạng di động nên làm việc thuận lợi. Còn đối với thôn Atu 1 vất vả hơn nhiều, nhất là việc đi lại. Mấy ngày qua trời mưa nên đường trơn, xe máy có bọc xích mới đi được. Điện thì lúc có lúc không, mạng di động thì chập chờn. Chúng tôi phải nỗ lực làm việc, ở lại cùng ăn cùng ở với bà con, khi nào điều tra xong mới trở ra xã để nhập và truyền dữ liệu” - thầy giáo Ríah Trung chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở huyện Tây Giang cho biết: “Việc thu thập thông tin từ cơ sở là cực kỳ quan trọng. Việc điều tra phải phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở hiện nay trên địa bàn huyện để Đảng, Nhà nước xây dựng kế hoạch, chiến lược đúng đắn. Chúng tôi luôn bám sát chỉ đạo, động viên ĐTV cố gắng làm và làm hết trách nhiệm của mình để đợt tổng điều tra diễn ra thành công”.
ĐÌNH HIỆP