Đục nước béo cò
Cơn sốt đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam được nhận định nguyên nhân chủ yếu là do... “cò”. Thật ra nếu thị trường lành mạnh, đất đai được quản lý chặt thì “cò đất” - khâu trung gian môi giới, tiêu thụ bất động sản trở nên cần thiết, còn không thì ngược lại.
Tôi có một nhóm bạn lâu nay vẫn ăn nên làm ra bằng cách mua đi bán lại nhiều khu đất ở địa bàn Tam Kỳ. Chuyện là lúc đầu một người trong số họ tích lũy được khoản tiền, nên mua miếng đất để “dưỡng già” nhưng sau đó thấy giá lên cao, bán đi mua lại miếng khác. Lần hồi thấy cách này có thu nhập khá, nên rủ thêm nhiều người chung vốn vào để đầu tư đất đai. Việc buôn bán sau đó diễn ra suôn sẻ khiến cho quy mô hoạt động của nhóm lớn hơn, chuyên nghiệp hơn. Nhiều khu đất chỉ cần sang tay (mới đặt cọc, chưa chuyển tên đổi chủ), nếu thấy có lãi là bán. Và để mua được những miếng đất có khả năng sinh lãi cao, nhóm luôn tìm hiểu thông tin, thậm chí là “mua tin” từ cơ quan chức năng để đi trước, đón đầu...
Việc mua đi bán lại bất động sản như thế lâu nay được xem là bình thường, là cuộc chơi chịu sự điều tiết của thị trường. Nhưng tình trạng “cò” hoạt động đến mức náo loạn như báo chí phản ánh gần đây tại nhiều khu vực ở Quảng Nam, Đà Nẵng là điều đáng lo. Dễ nhận thấy là từ những chiêu trò của “cò đất” như tung tin thất thiệt, đẩy giá đất lên cao, chuyển từ người này sang người khác như giao dịch thật nhưng thực chất chỉ là chuyển nhượng sang tay và nhận tiền đặt cọc... đã khiến nhiều người dính bẫy. Thậm chí “cò” còn tung ra những chiêu có dấu hiệu vi phạm pháp luật như phối hợp giăng bẫy chủ đất để ăn chênh lệch tiền đặt cọc, làm giả văn bản của Nhà nước... Lọt vào tâm điểm của cơn sốt đất là thương vụ giữa hai công ty Bách Đạt An, Hoàng Nhất Nam với hàng nghìn khách hàng. Thương vụ này dù ban đầu có giấy trắng mực đen nhưng vẫn lình xình bởi nguyên nhân chủ yếu là dự án bất động sản chưa đảm bảo quy định pháp luật và sự thay đổi chóng mặt của giá đất.
Câu hỏi đặt ra là môi trường nào khiến “cò” có thể sinh sôi nẩy nở? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải nhận diện những điều bất cập trong thực tế quản lý đất đai hiện nay. Đó là tình trạng bưng bít thông tin về dự án, về quy hoạch; sự buông lỏng quản lý của địa phương, ngành chức năng, nhất là quản lý hiện trạng, trật tự xây dựng, thủ tục đăng ký sử dụng đất đai; đó còn là sự biến động ảo của thị trường do những người ham lợi trước mắt tạo ra trong sự mù mờ về thông tin... Người ta đã nhận thấy “vai trò” của “cò” qua nhiều thửa đất sau bao lần thổi giá vẫn nằm im lìm chờ đợi một cơn sốt khác; hay nhận thấy có thể kiếm chác được một chút từ kẽ hở của pháp luật và từ sự quản lý thiếu chặt chẽ của ngành chức năng, địa phương về đất đai. Đó thật sự là môi trường tốt để “cò” sinh sôi, trong khi các biện pháp được gọi là chấn chỉnh chỉ mới tập trung ở phần ngọn.
N.T.M