Thân phận và nỗi sợ hãi
Chuyện cô bé lớp 9 bị bạn cùng lớp hành hạ tại lớp học mà không có sự can thiệp nào, bạn có khiếp không? Có dám xem lại tường tận clip được tung lên youtube? Sẽ có hàng trăm hàng nghìn trạng thái bày tỏ với sự việc đau lòng này. Và cũng đã có rất nhiều cách xử lý được đưa ra, với những người trong cuộc và với chính đứa trẻ tội nghiệp đó. Có ai hoảng sợ mà tự hỏi, bao giờ tới lượt con mình? Bao giờ đứa trẻ bị bạo hành kia chính là con mình? Có bao nhiêu phụ huynh đủ tự tin khi chắc mẩm rằng, môi trường hằng ngày con mình đang học hành, vui chơi sẽ không có nguy cơ xảy ra bạo lực trong trường học?
Nếu cô bé đó không phải con một người cha tâm thần và một người mẹ suốt ngày vật lộn với áo cơm, liệu sự việc có nguy cơ bị bưng bít ngay từ đầu? Thân phận con người, những người yếu thế chung quanh ta, hình như cũng đang rơi vào quỹ đạo đó. Cho dăm bảy đồng dễ khiến thanh thản và hết trách nhiệm hơn là đấu tranh cho một nền tảng an sinh xã hội, bắt đầu từ điều rất nhỏ (như bó vỉa lề đường, lối đi cho người khuyết tật tại các khu vực/công trình công cộng chẳng hạn).
Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình, là một quãng đường dài từ khi trẻ bắt đầu nhận biết xung quanh. Nhưng dạy đánh trả lại hay bỏ chạy khi bị bạn đánh đập? Trẻ ở trường được dạy không được phép đánh trả, mà báo sự việc với giáo viên; nếu đánh nhau trẻ sẽ bị phạt. Đó hoàn toàn không phải là kỹ năng tự vệ, bởi nếu đứa trẻ quá nhút nhát, nó sẽ suốt ngày bị bạn bắt nạt. Nhưng nếu dạy trẻ đánh trả, thì liệu có đang cổ súy cho bạo lực học đường. Những đứa trẻ sẽ phải tự giải quyết chuyện của chúng. Và bi kịch của cô bé lớp 9 kia, rồi mai mốt sẽ tái diễn đâu đó, nếu người lớn không cùng tỏ thái độ tuyên chiến với những cái xấu đang xảy ra trong môi trường giáo dục.
Nỗi sợ hãi của chúng ta, hình như bắt đầu từ thơ bé. Càng trưởng thành, nỗi sợ hãi càng nhiều, khác nhau chăng là ứng xử để tự bảo vệ. “Đó là việc của người khác. Đừng dài tay”. Nếu ai cũng cứ nghĩ vậy, rồi sẽ tới lượt chính con bạn. Hạt mầm bảo vệ lương thiện, bảo vệ người yếu thế sẽ không được gieo trong địa hạt giáo dục, bằng sự thờ ơ và nỗi sợ hãi trước cường quyền ở mọi cấp độ.
Dư luận đang bàn nhiều về thể chế, về nền giáo dục, về khủng hoảng xã hội bởi những mầm tội ác được gieo từ trong nhà trường. Có người đưa ra hàng loạt kiến nghị thay đổi từ triết lý đến cách thức giáo dục. Có người la ó đòi bộ trưởng đương nhiệm từ chức sau sự vụ cụ thể, như lâu nay vẫn thế, không giải quyết căn cơ vấn đề. Có người rồi cứ im lặng, ra sức vắt kiệt mình, kiếm tiền cho con đi xuất ngoại, mơ ước và tìm kiếm môi trường tốt hơn theo chủ kiến. Nỗi sợ hãi đã bào mòn sinh lực triệt tiêu cái xấu, vì chính mảnh đất nơi con mình sinh ra để nó phải được sống ở đó, chứ không phải thiên đường xa xôi nào. Phải chăng, cảm biến xã hội đang phản chiếu đáng buồn theo kiểu tủi thân “phận mỏng cánh chuồn”?
H.N.D