Chung tay hạn chế rác thải nhựa
Các trăn trở và giải pháp hành động để hạn chế thấp nhất rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm (Hội An) đã được đại biểu tham dự tọa đàm “Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa” diễn ra vào ngày 31.3, giúp những người quản lý và cộng đồng địa phương trên đảo có thêm các lối mở để xử lý vấn đề nhức nhối này.
Chung tay dọn dẹp rác thải tại Cù Lao Chàm trong chiến dịch “Giờ Trái đất 2019”. |
Thách thức
Với số lượng rác thải từ 3 đến 5 tấn/ngày cùng với lượng khách du lịch lên hơn 3.000 người/ngày, Cù Lao Chàm đang đối mặt với thách thức nặng nề trong việc xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa. Bà Trần Thị Kim Thùy - cán bộ môi trường của Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) thông tin: “Điều đáng lo ngại nằm ở việc rác thải vô cơ trên đảo chủ yếu là chai nhựa, hộp xốp, ly nhựa... là những vật dụng rất khó phân hủy nên làm môi trường trên đảo bị ảnh hưởng nặng nề”. Bà Bùi Thị Thu Hiền - Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết: “So với các nước phát triển chúng ta chưa sử dụng vật liệu nhựa nhiều bằng họ, tuy nhiên chúng ta lại phát thải lượng rác thải nhựa ra đại dương quá nhiều, đây chính là vấn đề cần suy ngẫm. Hệ thống thu gom còn nhiều bất cập là mấu chốt của việc xử lý rác thải nhựa chưa được bền vững ở nước ta”. Bên cạnh với chiến dịch “Nói không với túi ny lon”, một tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây khi một số homestay, đơn vị trên đảo đã thay thế ống hút nhựa bằng ống hút thân thiện để góp phần bảo vệ môi trường.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao túi sinh thái cho người dân trên đảo dọn dẹp rác. Ảnh: T.H |
Tham gia chiến dịch “Giờ Trái đất” tại Cù Lao Chàm, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Tổ chức Greenhub bày tỏ: “Đây là hoạt động rất ý nghĩa để bảo vệ môi trường trên đảo, tuy nhiên chúng tôi lấy làm tiếc vì chưa chuẩn bị dụng cụ kiểm đếm rác tại chỗ. Chúng ta phải kiểm tra được loại rác nào chiếm đa số từ đó mới có căn cứ để đưa ra giải pháp xử lý hữu hiệu nhất thì câu chuyện xử lý mới có thể bền vững”.
Hành động ngay
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, với hòn đảo chỉ khoảng hơn 2.500 cư dân sinh sống, tin rằng chính quyền địa phương và cộng đồng có thể chung tay xây dựng mô hình không rác thải, chứ không cần đến quá nhiều công nghệ xử lý rác thải. Trong khi đó, ông Zellmann Jan Alexander - chuyên gia của Evergreen Lab (Công ty TNHH mãi mãi xanh, chuyên cung cấp giải pháp về môi trường bền vững) cho rằng: “Chúng ta cần chuyển đổi sang mô hình xử lý rác thải bền vững trong thời gian sớm nhất, bởi nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ rác thải tác động đến cộng đồng địa phương. Mô hình quản lý rác thải mới với 5 giai đoạn kết hợp với mô hình của Reform có thể là giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn đề nhức nhối này”. Mấu chốt của quy trình xử lý này, Reform cam kết mua lại các sản phẩm người dân tái chế được và từ đó sẽ giảm được đến 90% lượng rác có thể tái chế mà người dân đang lãng phí hiện nay.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: “Đề xuất của Evergreen Labs rất đáng cân nhắc nên thời gian tới chính quyền và người dân Cù Lao Chàm cần tính toán áp dụng thử nghiệm bước đầu tiên trong việc phân loại rác tại Eo Gió, sau đó nếu tiến triển tốt có thể đề xuất triển khai các bước tiếp theo như quy trình của Evergreen Labs”. Còn theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: “Việc nhận được sự tư vấn, hỗ trợ là điều đáng quý, tuy nhiên chính cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương phải chủ động để cứu mình trước vấn nạn rác thải. Chúng ta cần kiên quyết với rác thải đầu vào Cù Lao Chàm ngay từ bến Cửa Đại, sẽ giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa lên đảo”. Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: “Bên cạnh những nỗ lực xử lý rác thải, chúng tôi nhận thấy Cù Lao Chàm vẫn chưa bài bản trong việc giải quyết vấn đề này. Một điều đáng lo lắng là rác thải sẽ tác động tới chất lượng nước trên đảo nên thời gian tới chúng tôi sẽ kêu gọi các chuyên gia, nhà khoa học tới đây nghiên cứu nhằm ra tìm giải pháp giải quyết tốt nhất”.
QUỐC TUẤN - MINH HẢI