Những câu chuyện "Kết nối với trái đất"
Đêm thứ Bảy cuối tháng 3, cả thế giới hưởng ứng Giờ trái đất, năm nay tiếp tục chủ đề “Connect2Earth” (Kết nối với trái đất).
Hàng triệu người trên thế giới tham gia hưởng ứng Giờ trái đất diễn ra hàng năm. Ảnh: 2cents |
Tối 30.3.2019, hàng loạt công trình nổi tiếng khắp thế giới từ nhà hát Opera tại Sydney (Australia), những tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông (Trung Quốc), điện Kremlin (Nga), tháp Eiffel (Pháp), Pathenon (Hy Lạp), tháp đôi Petronas (Malaysia), tháp Tokyo (Nhật Bản), tòa nhà chọc trời Empire State Buding (Mỹ)… tắt tất cả đèn điện để hưởng ứng Giờ trái đất.
Giờ trái đất 2019 mang chủ đề “Connect2Earth” nhằm nâng cao nhận thức và động lực hành động để giảm thiệt hại của tự nhiên. Trong thông điệp gửi đi nhân sự kiện năm nay, Liên hiệp quốc cho biết biến đổi khí hậu nhanh hơn chúng ta tưởng. Các nguồn tài nguyên và thiên nhiên bị tấn công nghiêm trọng. Khi đa dạng sinh học toàn cầu suy giảm với tốc độ chưa từng thấy, cùng với thách thức chưa từng có của biến đổi khí hậu. Giờ trái đất 2019 truyền cảm hứng cho hành động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu. Ấn nút tắt đèn để tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại một hành tinh xanh, một trái đất hoàn toàn khỏe mạnh. Đây là môi trường sống mà chúng ta phải bảo vệ cho cuộc sống của chính mình và cho thế hệ con cháu sau này.
Hưởng ứng sự kiện Giờ trái đất năm nay, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) phối hợp với chính phủ Kenya thực hiện chiến dịch Keep Kenya Breathing, nhằm vận động người dân tại quốc gia châu Phi này trồng một tỷ cây xanh, trả lại 10% diện tích rừng trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Kenya. Bởi rừng mang lại đa dạng sinh học và là chìa khóa để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Còn tại Pháp, ở đây triển khai ứng dụng công nghệ WAG, một tầm cao mới với ứng dụng di động để nhắc nhở mọi người thay đổi lối sống của họ theo hướng bền vững hơn và sống xanh hơn.
Trong khi đó, ngoài tắt đèn hưởng ứng Connect2Earth, ba quốc gia châu Mỹ là Colombia, Peru và Mexico cùng nhau tham gia một chiến dịch chung bằng cách tạo ra một nền tảng kỹ thuật số cho phép mọi người tìm hiểu về các giá trị của thiên nhiên và cách kết nối với thiên nhiên. Qua đó, chiến dịch này kêu gọi mọi người chia sẻ hình ảnh về những trải nghiệm yêu thích tuyệt vời của họ trong tự nhiên trên nền tảng kỹ thuật số, khuyến khích bảo vệ thiên nhiên.
Phần Lan đã có những bước tiến lớn trong việc khuyến khích mọi người ăn xanh. Nhiều thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ có thể tác động đến môi trường, đa dạng sinh học và khí hậu. Năm ngoái, WWF - Phần Lan huy động 1,3 triệu người Phần Lan (khoảng một phần tư dân số của đất nước) để tham gia bữa tối chay dưới vô vàn ánh nến lung linh vào Giờ trái đất. Năm nay, WWF - Phần Lan khuyến khích mọi người giảm tiêu thụ thịt bằng cách chia sẻ công thức nấu ăn chay với các trường học, nhà hàng và công ty. Tương tự, Ecuador - một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất trên trái đất thúc đẩy một đạo luật sẽ cấm sử dụng túi nhựa, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần ở thủ đô Quito.
Roger Milla, một huyền thoại bóng đá thế giới (hai lần phá kỷ lục cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn tại vòng chung kết World Cup) chia sẻ: “Tôi đã đi khắp thế giới, khám phá những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Tôi quyết định tặng mẹ thiên nhiên mọi thứ đã ban tặng cho tôi thông qua quỹ do tôi sáng lập với các nỗ lực kêu gọi và hành động vì môi trường”.
Giờ trái đất, một phong trào môi trường quan trọng của WWF, khởi nguồn từ một sự kiện tắt đèn biểu trưng tại thành phố Sydney năm 2007. Sự kiện đến nay truyền cảm hứng tới hàng triệu người ủng hộ và được tổ chức tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
QUỐC HƯNG