Nước không còn là của trời

Phóng sự của: ALĂNG NGƯỚC 30/03/2019 01:22

Ngó là thấy sông cạn. Nước tự chảy cũng không thể vô tư chảy nữa, người vùng cao phải chắt chiu từng giọt để dùng. Khi nước sinh hoạt buộc phải mua bằng tiền mặt, sự “hào phóng” theo cách nghĩ như lâu nay không thể duy trì. Vì nước bây giờ, với họ, không còn là chuyện của trời…

Nước sông, suối ở vùng cao đang dần cạn kiệt. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nước sông, suối ở vùng cao đang dần cạn kiệt. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

1. Nước đã được đưa về, từ dự án của xã, cách đây vài năm trước, sau lần đăng ký của người dân địa phương. Là phải trả tiền. Ông Alăng Ranh (ở thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) nói vậy nên nhắc con cháu phải hết sức tiết kiệm. Bởi, mỗi giọt nước chảy ra, đồng nghĩa với việc bóp lại những khoản chi tiêu khác của gia đình. Người vợ bệnh tật, con cái nheo nhóc, nhiều năm nay, gia đình ông Ranh thuộc hộ nghèo “bền vững” ở địa phương. Vì thế, cuộc sống gia đình, với ông, đã là một gánh nặng, huống chi là có thêm chi phí cho nước sinh hoạt.

Ông Ranh kể, lúc đầu khi nước sinh hoạt được đưa về, vì thói quen từ trước khiến nhiều trẻ em trong làng hồn nhiên xả nước một cách phung phí. Mà đâu phải lúc nào người lớn cũng có mặt ở nhà để xử lý. Câu chuyện cuộc sống buộc họ phải vào rừng, vào rẫy. Chỉ con trẻ ở nhà, nên tha hồ vui chơi, tha hồ xả nước, nhất là những ngày hè nắng cháy. Tháng đó, có lúc ông phải trả tiền nhiều hơn mức bình thường, thấy xót ruột vô cùng. Không thể để tình trạng kéo dài, ông Ranh sáng kiến mua loại lưới B40 về rào quanh khu vực có hệ thống nước sinh hoạt. Ông cẩn thận mua thêm ổ khóa để ngăn sự tinh nghịch của con trẻ. Hiệu quả phát một, nên ông duy trì cho đến bây giờ.

Tôi ghé nhà ông trong dịp nghỉ cuối tuần trước. Thấy ông lụi hụi sửa lại rào sắt nơi “máng nước” sinh hoạt của gia đình. Ông nói, mấy ngày trước, đàn bò hàng xóm do khát nước đã lao đến vòi nước sinh hoạt làm hư hại rào lưới. Trở về sau nhiều ngày vào rừng theo đoàn tuần tra, ông tranh thủ sửa lại, ngăn con nít và súc vật phá hoại, giúp nước sinh hoạt không bị thất thoát một cách vô tội vạ, như thời cách đây hàng chục năm về trước. Ông Ranh nói, ở thời buổi cái gì cũng phải bỏ tiền ra mua, kể cả nước sinh hoạt, chuyện hoang phí đã dần biến mất, nhường chỗ cho một thói quen mới là tiết kiệm. Mà cũng nhờ tiết kiệm, người vùng cao bây giờ mới giữ được nguồn nước cho mình. Bởi nhiều năm nay, từng ngày họ luôn phải đối mặt với hạn hán, với tình trạng nước sinh hoạt thiếu hụt kéo dài. “Bây giờ nước thiếu trầm trọng, nhiều nhà đã tự biết cách để dự trữ bằng việc xây bể, mua bình chứa để dùng trong sinh hoạt. Nhiều khi nắng nóng kéo dài, nước chảy nhỏ giọt, không đủ dùng, khổ lắm” - ông Ranh lắc đầu, kể về cuộc sống thực tại với người làng, trong câu chuyện nước sinh hoạt đang ngày cạn dần.

Một “bến nước” tự dẫn bằng ống su nhựa phục vụ cuộc sống sinh hoạt.
Một “bến nước” tự dẫn bằng ống su nhựa phục vụ cuộc sống sinh hoạt.

Lớp người như ông Ranh, từng sống một thời nước nhiều không kể hết. Người trong làng, nếu không dùng nước suối, nước sông, cũng có đủ nước giếng, nước máng được kéo về tận ngõ. “Vì nước là của trời, sẽ không biết hết”, như cách nghĩ của họ, nên chẳng ai quan tâm đến chuyện tiết kiệm. Mà hồi đó, nước còn nhiều, nên thiệt tình người ta cũng chẳng nghĩ đến chuyện một ngày nào đó nước rồi sẽ cạn kiệt, như bây giờ. Chính ông Ranh cũng từng nghĩ thế, nên việc quan tâm đến việc sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm cũng chỉ chừng vài năm trở lại đây, khi phải mua bằng tiền, bằng mô hôi, công sức. “Nước không còn là của trời”, ông Ranh nói, bây giờ đã tận mắt nhìn thấy, tận mắt trải nghiệm.

2. Già Liệu ngồi rầu rĩ, nhìn về dòng sông Ring trước mặt mà chẳng buồn nói câu nào. Liếc mắt, là thấy sông đã cạn, lộ rõ từng chỏm đá lô nhô. Nguyên nhân, trong lòng già Liệu đã quá rõ mười mươi. Nạn khai thác vàng đầu nguồn, kèm với thời tiết nắng nóng kéo dài đã biến sông Ring trở thành “dòng sông chết” từ nhiều năm qua. Họa lớn mồn một, để có nước sinh hoạt, những cư dân của làng - nơi già Liệu gắn cả cuộc đời mình - phải lội trèo khắp ngọn núi để tìm mạch nước từ thác cao, khe đá để kéo về. Chẳng ai muốn làm chuyện đó, như lời già Liệu, nhưng dù muốn dù không thì vẫn phải làm, vì nước sinh hoạt bây giờ, với họ không còn là chuyện của trời như nhiều năm về trước.

Không còn cách nào khác, để tiết kiệm nước, nhiều gia đình ở vùng cao đành làm hệ thống rào quanh khu vực vòi nước sạch để trẻ khỏi xả nước phung phí. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Không còn cách nào khác, để tiết kiệm nước, nhiều gia đình ở vùng cao đành làm hệ thống rào quanh khu vực vòi nước sạch để trẻ khỏi xả nước phung phí. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Sông Ring đã ô nhiễm. Cá tôm không còn nhiều như xưa. Chừng chục năm trước, tôi từng đến nơi này. Chính xác là xã Đắc Pre (huyện Nam Giang). Khi ấy, nước trong veo dưới ánh nắng mặt trời. Dưới bến sông nơi cách chân cầu treo chừng vài trăm mét, dòng người đông vui, cùng nhau tắm giặt, cọ rửa xoong nồi, thậm chí mang nước về nhà. Chiều đến, cũng ở khúc sông này, đám thanh niên hì hục kiểm tra hệ thống máy tua-bin, rồi lặn sông bắt cá. Cuộc sống đó, bây giờ tôi không còn nhìn thấy nữa, khi lại đến nơi này. Hiện hữu trước mặt, là nước sông đã đục ngầu, trơ đáy, cùng tiếng thở dài của người làng vùng cao. Xót xa nhìn về dòng sông, già Liệu buồn bã trở về nhà. Căn nhà tôn, ngày hè nóng hầm hập như lò rèn khiến già Liệu phải tìm đến gốc cây trước ngõ. Hiện về trong ký ức của già Liệu là những tháng ngày được cùng con cháu, dân làng tắm mát nơi khúc sông trước nhà. Hồi đó, nước sông Ring còn sạch, sau công việc gia đình, ngày nào già cũng đều đến bến sông để tắm giặt, để vui đùa cùng con cháu. Vậy mà, bây giờ, những việc làm tưởng chừng đơn giản ấy, lại trở nên quá xa vời. Già Liệu ngồi buồn, nghe rõ từng tiếng thở dài lạc lõng. Rồi lại vào nhà. Đứng trầm ngâm nhìn khu bể nước của gia đình đã cạn, phủ đầy xác lá sau thời gian không sử dụng, do nước đã bị tắc. Già Liệu đành dùng những chiếc can nhựa để đựng nước, dự trữ cho những ngày trở trời. Vài tháng trước, người hàng xóm thông báo dùng ống su kéo nước về từ phía nguồn. Già Liệu góp tiền mua ống, rồi cùng nhau lặn lội ngược núi tìm mạch nước, đưa về. Nước chảy yếu, mà công suất phục vụ cho cả 5 nhà sử dụng nên càng yếu. Già Liệu nói, đã hết cách thực sự, khi nguồn nước đang dần cạn kiệt. Nhiều năm nay, gia đình già phải hứng từng giọt nước để dùng, nên mọi sinh hoạt đều được tiết kiệm tối đa đến mức có thể. “Thiếu nước mà thấy khổ hơn thiếu ăn. Chừng chục năm trước, đâu như bây giờ. Hè là nước cạn, là ô nhiễm” - già Liệu ngậm ngùi.

*
*                    *

Một ngày tháng 3. Loanh quanh khắp bản làng vùng cao. Nơi đâu, cũng thấy thiếu nước. Dù Nhà nước đã đầu tư hệ thống nước tự chảy, về tận nhà dân. Nhưng chỉ vài năm, có nơi do ý thức bảo quản của người dân chưa tốt, có nơi do công trình không đảm bảo chất lượng, nên lại hư, lại thiếu nước. Người dân than vãn, chính quyền bất lực. Cái khó đã thấy rõ trước mặt. Người vùng cao, có người thầm trách trời, trách cả thủy điện. Bởi, chính thủy điện đã “giành” đi nguồn nước sinh hoạt của họ, vốn dĩ như “của để dành”. Như ở làng của ông Ranh, dòng sông R’lang trước đây quanh năm trong vắt. Mùa nắng, khi dòng suối khô cạn, nước tự chảy không đủ phục vụ cho hàng chục hộ dân, chính dòng R’lang đã “cứu cánh” để họ yên tâm với cuộc sống. Nhưng giờ thì đã hoàn toàn khác lạ. Bến sông xưa chỉ còn lại trong ký ức của nhiều người ở làng. Vì nước R’lang cạn và ô nhiễm, bến sông ấy, bây giờ cũng không ai tìm đến.

Phóng sự của: ALĂNG NGƯỚC

Phóng sự của: ALĂNG NGƯỚC