Chuyện xưa ở hòn Lao
Những dấu tích sót lại của văn hóa Sa Huỳnh đã chứng tỏ con người đặt chân đến hòn đảo Cù Lao Chàm tự rất lâu rồi. Trong chiều dài lịch sử ấy, có một mốc thời gian đáng nhớ đã làm đổi thay hòn Lao mà chúng tôi nghe được qua những mẩu chuyện của người dân xứ đảo...
Con dốc trong tuyến đường Quyết Thắng ở Cù Lao Chàm. Ảnh: X.THỌ |
Cuộc di dân lịch sử
Tại quãng dốc dẫn vào thôn Cấm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An), một nhóm bô lão đang say sưa hỏi đáp về thời điểm những ngày đầu di dân ra đảo. Liền sau đó là vô số mẩu chuyện nhỏ xoay quanh cột mốc thời gian Mậu Thân (1968). Tuổi năm nay đã vượt ngưỡng bát thập cổ lai hy, phải chống cây gậy lom khom dò dẫm từng bước, thế nhưng cụ Huỳnh Thêm (thôn Bãi Làng, Tân Hiệp) vẫn kể vanh vách bằng giọng điệu sang sảng khi nhắc lại cuộc di dân giữa thời máu lửa bom đạn. “Khi đó khoảng 3g sáng ngày 12.9.1968, địch mở cuộc càn quét vào căn cứ cách mạng rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh. Lúc ấy, tôi đang tham gia hoạt động du kích địa phương nhưng vì lấn cấn vợ và ba đứa con nhỏ nên phải dắt díu nhau rời làng tìm nơi ẩn náu. Nghe bà con ngư dân trong đất liền hồi đó truyền tai nhau ở Cù Lao Chàm không có chiến tranh, tôi đã tìm cách bắt thuyền đưa bốn mẹ con ra đây lánh nạn, sau đó tôi quay trở lại tiếp tục cầm súng chiến đấu. Cho tới ngày đất nước thống nhất, tôi mới ra đảo đoàn tụ với gia đình và cư ngụ cho tới ngày hôm nay” - ông Thêm kể. Cũng trong đêm mưa gió bập bùng giăng phủ kín trời vì biển động ấy, hơn 100 gia đình phần đông là người già và con trẻ ở các địa phương Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An, Điện Bàn… đã cùng nhau lênh đênh giữa trùng khơi. Để rồi sau 3 giờ đồng hồ nhấp nhô mặt nước, khi bình mình vừa ló dạng, những chiếc ghe bàu đã đưa họ đến Cù Lao Chàm. Từ đây, họ bắt đầu một cuộc sống mới, chấm dứt cái cảnh thấp thỏm âu lo vì tiếng bom mìn giày xéo bên tai.
Khi ông Thêm vừa dứt lời, ngồi bên cạnh, một vị cao niên khác được xem là người bản địa ở đảo Cù Lao Chàm đánh tiếng tiếp quản câu chuyện. Ông là Nguyễn Từ (thôn Cấm) - người có ông bà tổ tiên chôn nhau cắt rốn ở đảo Cù Lao Chàm bao đời qua. Trong ký ức nhập nhòe bụi thời gian, cụ Từ thuật rằng thời điểm trước năm 1968, hòn đảo cũng tiếp nhận một số người di cư bất đắc dĩ đến kiếm kế sinh nhai. Số này chủ yếu là các ngư dân phương xa vì sa cơ lỡ vận, chẳng may gặp nạn khi biển dậy sóng to, thuyền cá bị đánh tan tác. Thế nhưng, họ chỉ trụ lại đôi ba tháng, nhiều lắm một năm thì về lại đất liền. “Mãi tới khi hàng trăm cụ già, trẻ con lũ lượt kéo ra đây vào năm Mậu Thân thì đảo mới bắt đầu đông đúc. Chứ trước đó, cả đảo có đúng 30 nóc nhà phân bố rải rác tựa lưng vào vách núi, trải dài theo triền con sóng. Phải thừa nhận, chính cuộc di dân lịch sử này đã hình thành nên cộng đồng cư dân trên đảo Cù Lao Chàm như ngày hôm nay” - ông Từ bộc bạch.
Phá đá mở đường
Sau giải phóng, tưởng sẽ về lại đất liền, nhưng họ vẫn ở lại, gắn bó với đảo. “Tôm cá trù phú trên đảo đã nuôi chúng tôi suốt những năm tháng khó khăn nhất và biển cả, núi rừng đã tạo cho chúng tôi nghề đánh bắt kiếm kế sinh nhai. Vậy nên chẳng ai còn muốn quay về đất liền nữa. Ba mẹ đưa hết thảy 4 anh em ra đây lánh nạn khi anh trai lớn vừa lên 10, còn đứa nhỏ nhất như tôi mới tròn 2 tháng tuổi. Tất cả đều cưới vợ, lấy chồng ở Cù Lao Chàm và xem hòn đảo này là quê hương của mình. Sống ở đây, thác xuống cũng làm ma ở xứ đảo này” - ông Huỳnh Tấn Lộc (51 tuổi, thôn Bãi Ông) cho hay.
Nhắc đến câu chuyện khai hoang, mở cõi hòn Lao, tất nhiên không thể quên những ngày gian khổ. Những khối núi đá to tướng ngự trị hòn Lao thời bấy giờ như vật cản hữu hình nằm án ngữ khắp bề mặt đất. Cây cỏ dại mọc chi chít khiến không gian trên đảo bị bao phủ bởi một màu xanh của núi rừng. Năm 1980, trên chuyến tàu vận chuyển hành khách từ đất liền ra đảo, không ít đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn đi tiên phong mở đường giúp dân ngoài đảo. Từ đó, núi cứng bỗng hóa mềm, cây dại chẳng mấy chốc được phát quang. Bà con Cù Lao Chàm hân hoan vì con đường lịch sử mang tên Quyết Thắng nối liền 4 thôn: Cấm, Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Hương đã kết nối, giúp họ đi lại với nhau một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Văn An - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp cho biết bản đồ phương Tây thường ghi Cù Lao Chàm với tên Champello. Ngoài hòn Lao, quần đảo Cù Lao Chàm còn 7 hòn đảo nhỏ khác gồm: hòn Dài, hòn Mồ, hòn Khô Mẹ, hòn Khô Con, hòn Lá, hòn Tai và hòn Ông. Từ ngày mở đường, người dân sinh sống ở Hòn Lao bắt đầu mua vật liệu từ đất liền ra đảo để dựng xây nhà gạch kiên cố, tháo dỡ dần các gian nhà bằng mây tre lợp lá. Ngày 28.7.1978, thôn Tân Hiệp chính thức được tách ra từ phường Cẩm An và trở thành xã đảo Tân Hiệp trực thuộc TP.Hội An. Hiện toàn xã đảo có gần 600 hộ dân với tổng cộng 3 nghìn nhân khẩu. Sinh sống chủ yếu dựa vào nghề biển kết hợp làm du lịch.
XUÂN THỌ