Du lịch chưa thể thu hút khách Nhật

VĨNH LỘC 28/03/2019 06:54

Dù được xếp vào nhóm 10 thị trường khách quốc tế đến Quảng Nam nhiều nhất nhưng so với tiềm năng, lợi thế vốn có, con số khoảng 50 nghìn lượt khách Nhật Bản đến Quảng Nam năm 2018 vẫn được xem là khá ít ỏi.

Khó thu hút thị trường khách Nhật đến Quảng Nam do hạn chế đường bay. Ảnh: V.LỘC
Khó thu hút thị trường khách Nhật đến Quảng Nam do hạn chế đường bay. Ảnh: V.LỘC

Hạn chế đường bay

Theo ông Đoàn Hải Đăng - Giám đốc Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng, hiện tại chỉ mới có hai đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến Nhật Bản và ngược lại là Đà Nẵng - Narita (Tokyo) và Đà Nẵng - Osaka với tầng suất một tuần 7 chuyến, đây là nguyên nhân chính khiến lượng khách Nhật Bản đến Đà Nẵng, Quảng Nam hạn chế. “Vài năm gần đây khách Việt sang Nhật Bản, nhất là đến thành phố Osaka cực kỳ đông, lúc cao điểm một ngày có khoảng 500 người đăng ký đi Nhật và khứ hồi nên rất khó để người Nhật đặt vé vào Đà Nẵng được vì không còn chỗ. Trong khi tuyến Đà Nẵng - Osaka mỗi ngày chỉ một chuyến bay và khai thác máy bay nhỏ Airbus A321 (174 chỗ ngồi). Hy vọng thời gian tới tình hình này sẽ cải thiện nếu bên hàng không đổi tàu bay nâng công suất vận chuyển lên, nên nếu nhanh thì cũng phải 5 năm nữa khách Nhật sang Đà Nẵng mới thay đổi” - ông Đăng phân tích.

Nhật Bản được xem là thị trường khách cao cấp nhưng rất khó tính. Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho biết, dù xếp thứ ba trong 3 thị trường khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất (sau Hàn Quốc và Trung Quốc) nhưng tỷ lệ tăng trưởng khách Nhật tương đối thấp. Năm 2018 khoảng 800 nghìn lượt khách Nhật đến Việt Nam, chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Riêng TP.Đà Nẵng đón gần 145 nghìn lượt khách Nhật, với Quảng Nam thì con số này còn thấp hơn, chưa tới 50 nghìn, thậm chí 2 tháng đầu năm 2019 chỉ có hơn 8.200 lượt khách Nhật Bản đến Quảng Nam (tỷ lệ khoảng 3% tổng cơ cấu khách), dù Quảng Nam có những lợi thế nổi trội về di sản, ẩm thực và thiên nhiên phù hợp với thị hiếu du lịch  khách Nhật. Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng khẳng định, thị trường khách Nhật Bản tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng. “Hạn chế đường bay chỉ một phần, nguyên nhân chính là công tác quảng bá chưa hiệu quả. Chúng ta nói rằng tần suất bay tăng thì khách Nhật sẽ tăng, nhưng muốn tăng chuyến bay thì phải có khách, nên vòng quay này cứ lẩn quẩn khó có thể một sớm một chiều giải quyết được” - ông Bình nói.

Thị trường bền vững

Trong chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam, Nhật Bản được xác định là thị trường ưu tiên bên cạnh các thị trường khách truyền thống khác là Tây Âu, Úc và Bắc Mỹ. Theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, vài năm gần đây, thị trường Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản luôn được trung tâm ưu tiên quảng bá, cụ thể là tham dự hội chợ du lịch quốc tế tại Nhật Bản hàng năm (hội chợ JATA). Dù vậy, nếu so với các thị trường truyền thống khác thì khách Nhật Bản đến Quảng Nam vẫn còn chậm. “Khách Nhật Bản chủ yếu là những người lớn tuổi, hưu trí đi du lịch theo nhóm nhỏ. Tâm lý thích khám phá văn hóa, thiên nhiên nên cần sự yên tĩnh, nhẹ nhàng… Do đó Hội An, Mỹ Sơn luôn được đánh giá cao và ưu tiên trong chương trình nghỉ dưỡng của họ khi đến miền Trung. Tuy nhiên, người Nhật lại chuẩn bị cho một chuyến đi rất lâu ngày và cẩn thận, bù lại khi đã chọn điểm đến thì rất chắc chắn, bền vững” - ông Tú nhìn nhận.

Không phủ nhận, thời gian qua công tác quảng bá đến thị trường Nhật Bản dù được quan tâm nhưng vẫn chưa tương xứng do những hạn chế về kinh phí xúc tiến. Chưa kể, còn phụ thuộc vào mục tiêu thị trường khách của 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế trong kế hoạch quảng bá chung hàng năm. Ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, để thúc đẩy thị trường khách Nhật vấn đề mấu chốt vẫn là quảng bá, đặc biệt dựa trên những sản phẩm lợi thế của từng địa phương mà người Nhật quan tâm nhưng khỗng dẫm chân nhau. Cụ thể, nếu Đà Nẵng quảng bá du lịch nghỉ dưỡng và sự kiện thì Quảng Nam nên hướng vào sản phẩm di sản văn hóa thế giới...

Theo ông Takahashi Ayumi - Trưởng Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO), nếu so với tổng số 15 triệu người Nhật đi du lịch nước ngoài mỗi năm thì con số khoảng 800 nghìn lượt đến Việt Nam và 50 nghìn khách Nhật đến Quảng Nam là không nhiều, mặc dù Quảng Nam có lợi thế 2 di sản văn hóa thế giới. “Người Nhật quan tâm nhất là vấn đề an ninh an toàn của điểm đến, tiếp theo là cảnh đẹp, văn hóa, nghỉ ngơi, ẩm thực… Các bạn hội đủ hai yếu tố kia, nhưng hạn chế của các bạn là ngôn ngữ tiếng Nhật. Hầu như rất ít nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm ở Việt Nam có thông tin bằng tiếng Nhật. Khi các bạn đảm bảo được những yêu cầu trên thì người Nhật sẽ an tâm đến du lịch và trở lại nhiều lần” - ông Takahashi Ayumi chia sẻ.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC