Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019: Quảng Nam đã sẵn sàng
Từ ngày 1.4 đến 25.4.2019, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐT) được thực hiện trên quy mô toàn quốc. Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo TĐT tỉnh đã có những chia sẻ về công tác chuẩn bị các điều kiện của Quảng Nam để cuộc TĐT trên địa bàn diễn ra thành công.
Các điều tra viên thực hiện điều tra tổng duyệt tại xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ). |
Theo ông Lê Quý Đạt, đây là cuộc TĐT đầu tiên Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hầu hết các công đoạn, từ công tác chuẩn bị cho đến khâu công bố kết quả. Trong đó, áp dụng hai hình thức thu thập thông tin mới gồm sử dụng thiết bị điện tử di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng) để điều tra ghi phiếu điện tử (hình thức CAPI) và hộ dân cư tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra (webform).
Bên cạnh đó việc giám sát TĐT cũng được ứng dụng CNTT; giám sát viên các cấp ngoài nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thực địa còn tiến hành kiểm tra dữ liệu thu thập được của điều tra viên qua website điều hành tác nghiệp.
Cuộc TĐT lần này đòi hỏi công tác tổ chức thực hiện từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc phải chặt chẽ, tập trung và đổi mới theo hướng ứng dụng mạnh mẽ CNTT ở tất cả công việc. Đặc biệt, đội ngũ điều tra viên được tuyển chọn phải sử dụng thành thạo thiết bị trong quá trình điều tra, có trình độ chuyên môn nhất định, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ thu thập thông tin tại địa bàn.
Đội ngũ chuyên môn cấp tỉnh phải chuyên nghiệp trong xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến CNTT, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh trong thực tế, đảm bảo thông suốt về tiếp nhận, truyền gửi và an toàn dữ liệu.
P.V: Vậy Quảng Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào nhằm đảm bảo cho cuộc TĐT trên địa bàn diễn ra thành công, thưa ông?
Ông Lê Quý Đạt: Thông tin thu thập của cuộc TĐT lần này rất quan trọng, phục vụ hoạch định chính sách phát triển đất nước và các địa phương giai đoạn mới. Vì vậy, công tác chuẩn bị được tổ chức với nhiều khâu công việc hết sức chi tiết và công phu.
Từ việc xây dựng văn bản pháp lý, phương án điều tra, thiết kế phiếu điều tra, thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) các cấp, chuẩn bị hạ tầng công nghệ, vẽ sơ đồ nền, lập bảng kê hộ, rà soát bảng kê hộ, tập huấn nghiệp vụ, điều tra tổng duyệt...
Công việc này đã được BCĐ Trung ương khởi động cách đây 2 năm và đối với tỉnh Quảng Nam bắt đầu từ tháng 4.2018. Có thể khẳng định, đến nay BCĐ các cấp từ tỉnh đến xã đã hoàn thành các bước chuẩn bị đúng tiến độ theo quy định và sẵn sàng phục vụ tốt việc tiến hành thu thập thông tin tại hộ từ ngày 1.4 tới.
Ở đây, có thể kể đến một số công việc chính mà chúng ta đã thực hiện xong như: công tác lập danh mục thôn/khối phố; thành lập 263 BCĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã với tổng số 1.800 thành viên. Rồi tổ chức điều tra tổng duyệt từ ngày 27.8 - 22.9.2018.
Đặc biệt, đến giữa tháng 10.2018, công tác vẽ sơ đồ nền và phân chia địa bàn điều tra, địa bàn nhân khẩu đặc thù đã hoàn thành. Kết quả, tất cả 244 xã, phường, thị trấn được vẽ sơ đồ nền; phân chia 3.049 địa bàn với bình quân 135 hộ/địa bàn và 366 địa bàn đặc thù.
P.V: Được biết, Quảng Nam là một trong 4 tỉnh được Ban Chỉ đạo Trung ương chọn thực hiện điều tra tổng duyệt trên cả nước. Ông có thể chia sẻ về những kinh nghiệm mà Quảng Nam đã rút ra qua thực tiễn điều tra tổng duyệt, từ đó tổ chức thực hiện tốt cuộc TĐT bắt đầu từ ngày 1.4?
Ông Lê Quý Đạt: Trước khi thực hiện chính thức các cuộc TĐT có quy mô lớn, BCĐ Trung ương đều tiến hành điều tra tổng duyệt để rút kinh nghiệm và hoàn thiện các bước quy trình. Quảng Nam là một trong những đơn vị được chọn tổng duyệt một phần do tính đại diện đảm bảo bao quát nhất đối với những đặc thù của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Bên cạnh đó phải nói rằng công tác tổ chức các cuộc TĐT trước đây và năng lực thực hiện của Quảng Nam hiện nay được BCĐ Trung ương tin cậy. Điều tra tổng duyệt vừa qua đã giúp Quảng Nam rút được kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức thực hiện. Và để cuộc TĐT diễn ra thành công cần có sự tập trung chỉ đạo thường xuyên của BCĐ các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ngành; trong đó, cơ quan thống kê phải đảm nhận vai trò chủ chốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, do khối lượng công việc TĐT rất lớn, phân chia nhiều giai đoạn nên cần phải thành lập các tổ công tác hoặc nhóm làm việc chuyên biệt giúp cho việc phân công, phân nhiệm rõ ràng, giảm khâu không cần thiết, trùng lắp.
Việc áp dụng phương pháp CAPI thay thế PAPI (phiếu giấy) cũng đã đặt ra yêu cầu phải sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh cầm tay; vậy nên cần chọn lực lượng trẻ, có năng lực. Phải huy động một lực lượng lớn tham gia TĐT, trong đó ưu tiên cán bộ xã, đoàn viên thanh niên, sinh viên ra trường chưa đi làm.
Đối với các huyện miền núi cao thì trưng dụng tối đa cán bộ xã của Đề án 500, lực lượng giáo viên, cán bộ y tế, bộ đội biên phòng. Việc giám sát tập trung trong 1 - 2 ngày đầu ra quân, tiến hành họp rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời những phát sinh lỗi, thiếu sót, không để tình trạng sai lỗi hệ thống trên diện rộng. Tổ chức giám sát thông qua mạng internet để đảm bảo nắm chắc quá trình điều tra viên đến hộ và thời lượng phỏng vấn khai thác thông tin tại hộ đúng quy trình.
P.V: Từ thực tế công tác chuẩn bị thời gian qua, ông có lưu ý gì trong quá trình triển khai thực hiện cuộc TĐT trên địa bàn?
Ông Lê Quý Đạt: Việc ứng dụng CNTT trong các khâu của TĐT có nhiều ưu điểm đối với việc thu thập thông tin, truyền gửi dữ liệu, giám sát kiểm tra, tổng hợp và xử lý dữ liệu. Trong đó, ứng dụng CAPI trong phỏng vấn hộ giúp cho điều tra viên tránh được những sai sót do phầm mềm tự động kiểm tra lỗi logic, dữ liệu được truyền gửi gần như ngay lập tức về máy chủ sau khi kết thúc phỏng vấn, qua đó rút ngắn được rất nhiều thời gian và nguồn lực so với trước đây.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào quá trình tác nghiệp cũng có tính hai mặt, nhất là đối với an toàn dữ liệu. Do đó khi thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn bằng hình thức CAPI, lực lượng tham gia TĐT, đặc biệt là điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên các cấp phải nắm vững nghiệp vụ điều tra, quy trình sử dụng CAPI; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định được hướng dẫn, không tự ý thay đổi và làm sai.
Thường xuyên cập nhật phần mềm CAPI và đồng bộ dữ liệu vào cuối mỗi ngày. Đảm bảo an toàn thiết bị và dữ liệu; không tự ý chia sẻ dữ liệu về nội dung các câu trả lời của hộ trong phiếu điều tra. Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập CAPI, điều tra viên cần phải thay đổi và ghi nhớ mật khẩu. Kiểm tra danh sách hộ của các địa bàn được phân công phụ trách, tránh điều tra trùng hoặc bỏ sót.
Trong suốt quá trình điều tra không được chia sẻ tên tài khoản và mật khẩu của mình cho bất cứ người khác sử dụng. Quá trình thực hiện nếu xảy ra các lỗi liên quan đến thiết bị và phần mềm nhanh chóng liên hệ BCĐ cấp trên thông qua tổ trưởng và giám sát viên các cấp để nhận được sự hỗ trợ nhằm bảo đảm an toàn dữ liệu.
P.V: Xin cảm ơn ông!
NGUYÊN ĐOAN