Phương tiện tu tập
Nhiều lần tham dự lễ cầu an hay cầu siêu tại gia, tôi lại cảm giác tiêng tiếc vì chiếc micro đã làm chát chúa âm thanh tụng kinh gõ mõ của các tăng ni. Ký ức ngày thơ trẻ của tôi là những lần theo anh chị đi chùa làng, tiếng kinh vọng ra dưới mái ngói rêu phong linh thiêng mà gần gũi, thân thuộc. Không là Phật tử nhưng tôi cũng thuộc vài đoạn kinh từ bi, sám hối hay bát nhã ba la mật đa tâm kinh do được nghe nhiều lần. Thời ấy sân chùa trở thành sân làng của bọn trẻ chúng tôi. Có lẽ do ký ức ấy in đậm trong tâm trí nên mỗi lần nghe tiếng tụng kinh vọng qua thiết bị khuếch đại âm thanh, tôi lại có cảm giác lạc lõng, như có một điều gì đó thiếu đi sự đồng điệu của đại chúng. Và những bài kinh Phật, khi đọc qua thiết bị âm thanh thường không hài hòa với tiếng gõ mõ đều đặn, tiếng chuông ngân dài nên đôi khi chỉ là những đoạn to rõ, đứt quãng của người chủ micro... Nhưng đó cũng chỉ là cảm giác của riêng tôi, còn các sư, tăng ni thì có lý do để sử dụng phương tiện phục vụ tốt nhất cho những lần tụng kinh niệm Phật.
Mấy ngày qua theo dõi thông tin về chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, tôi cũng ấn tượng với các phương tiện mà nhà chùa sử dụng để tu tập và hành trì. Phải nói là chùa Ba Vàng quá hoành tráng, lộng lẫy, lại ở địa thế quá lý tưởng. Nhà chùa còn có trang web riêng, số tài khoản công khai, đăng tải nhiều hình ảnh ấn tượng, nên có thể nhận định, phương tiện (về vật chất) của Ba Vàng là quá tốt. Và sau khi dư luận bức xúc vì hoạt động liên quan đến tâm linh được cho là có thu tiền của chùa Ba Vàng, tôi theo dõi buổi thuyết giảng, giải thích một số vấn đề báo chí đăng tải của sư trụ trì cũng nhận thấy cách tổ chức sự kiện truyền thông của nhà chùa là quá chuyên nghiệp. Tôi không có ý “ganh ghét” gì việc này, có điều, nhìn cơ ngơi của Ba Vàng, cũng giống như những lần nghe tiếng kinh kệ qua thiết bị khuếch đại âm thanh, tôi lại có cảm giác xa lạ, lạc lõng!
Tu tập đạo pháp cần phương tiện. Xã hội, và nhất là Phật tử đang huy động một nguồn lực rất lớn cho những cơ sở Phật giáo với mục đích chủ yếu cũng là tạo ra những phương tiện vật chất để tu tập, là nơi người dân có điều kiện tốt nhất để thể hiện niềm tin, văn hóa tâm linh của mình. Báo Tuổi Trẻ trong một bài viết đăng gần đây đã trích lời người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ: “Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Còn linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”. Nhưng thật đáng tiếc, nhiều người không xem đó là phương tiện để tu tập nữa. Hiện tượng xây chùa to, đúc tượng lớn đã bắt nguồn cho những ưu phiền, lộn xộn hơn là điều kiện để con người tìm thấy sự hoan hỉ, thanh tịnh.
C.B.L