Cần phân loại di tích để có hướng bảo tồn, phục dựng
Chiều 26.3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam (1930 - 1975)”. Tham dự hội thảo có các nhân chứng từng sống và chiến đấu tại khu vực căn cứ Tỉnh ủy, các nhà nghiên cứu, đại diện cơ quan chuyên môn, lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NG.ĐOAN |
Phát biểu tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Tuyết - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu của đề tài: “Căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam (1930 - 1975)”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Chủ nhiệm đề tài đã xác định được khoảng 50 địa điểm được Tỉnh ủy Quảng Nam (gồm Tỉnh ủy Quảng Nam, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Đà, Đặc Khu ủy Quảng Đà) lựa chọn làm nơi đứng chân, xây dựng căn cứ kháng chiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong đó, có hai địa điểm đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia là Căn cứ Hòn Tàu - Căn cứ của Đặc Khu ủy Quảng Đà và Căn cứ Tiên Sơn - Căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam. Nhiều địa điểm đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh và đã gắn bia như: Cây Thông Một, Chùa Hang, Cơ sở nhà ông Nguyễn Chiến, Bờ sông A Vương... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa điểm chưa được gắn bia, nhiều địa điểm chưa được khảo sát, lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử; trong đó có những địa điểm chưa xác định cụ thể, nhiều cơ sở cách mạng (nhà ở, đình, chùa...) bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến đã giúp làm rõ thêm về việc lựa chọn địa điểm đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam lúc bấy giờ; thực trạng quản lý, quảng bá, phát huy giá trị lịch sử cách mạng của các di tích nơi đứng chân, dừng chân của Tỉnh ủy. Đồng thời cho rằng, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh hiện nay, nên phân loại di tích để có hướng tập trung đầu tư bảo tồn, phục dựng, nhất là ưu tiên cho các di tích đã được công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia và một số di tích tiêu biểu khác. Cùng với đó, tiếp tục điều tra, khảo sát, sát lập hồ sơ, gắn bia di tích đối với các địa điểm đứng chân, dừng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam còn chưa được định vị để khoanh vùng bảo vệ hiện trạng, vừa góp phần quảng bá về giá trị lịch sử cách mạng của tỉnh. Đặc biệt, cần gắn quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử căn cứ và nơi đứng chân của Tỉnh ủy Quảng Nam với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có di tích...
NGUYÊN ĐOAN - PHAN VINH