Đảm bảo đủ vắc xin về địa phương
Hơn 12 nghìn liều vắc xin ComBE - Five (5 trong 1) vừa được cung ứng về các địa phương tại Quảng Nam, đảm bảo đủ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi ở 18 huyện, thành phố, thị xã...
Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng tại các trạm y tế hoặc CDC Quảng Nam. Ảnh: LÊ QUÂN |
Đây là khẳng định của ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam). Theo đó, ngày 21.3, Viện Pasteur Nha Trang đã kịp thời cung cấp cho CDC Quảng Nam 12 ngàn liều vắc xin ComBE Five theo chương trình tiêm chủng mở rộng. “Ngày 22.3, CDC Quảng Nam đã tổ chức để các địa phương nhận thuốc và tiếp tục chương trình tiêm chủng cho trẻ tại địa phương của mình. Cùng với đó, chúng tôi liên tục gửi các hướng dẫn cụ thể đến trung tâm y tế huyện cũng như trạm y tế về việc tuân thủ kỹ thuật thực hiện trong các buổi tiêm chủng vào tháng 3, 4” - ông Huỳnh Công Quang nói.
Hiện nay, tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh vẫn tiến hành định kỳ hàng tháng triển khai tiêm chủng 5 loại vắc xin ngừa các bệnh: bại liệt, lao, sởi, viêm não Nhật Bản B, rubella nằm trong danh mục của chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được miễn phí hoàn toàn do ngân sách nhà nước cấp. Ông Quang cho biết thêm, các điểm tiêm chủng buộc phải tuân thủ việc tiêm không quá 50 trẻ/bàn tiêm trong một buổi tiêm chủng. Các trẻ sau khi tiêm phải được nhân viên y tế tại trạm theo dõi tối thiểu 30 phút sau khi tiêm và yêu cầu phụ huynh tiếp tục theo dõi tại nhà 2 - 3 ngày.
Ngành y tế khuyến cáo người dân không tiêm chủng vắc xin cho các trường hợp trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-Hib lần tiêm chủng trước. Ngành y tế cũng khuyến cáo phụ huynh nên tạm hoãn tiêm chủng vắc xin ComBE Five cho các trường hợp: trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng. Trẻ sốt ≥ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5 °C (đo nhiệt độ tại nách).Trẻ mới truyền máu, các sản phẩm từ máu hoặc dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B. Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày hoặc trẻ cân nặng dưới 2.000 gram... |
Tiếp tục sử dụng vắc xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng để thay thế vắc xin Quinvaxem là yêu cầu từ Bộ Y tế để thực hiện việc phòng ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. TS. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Quản lý tiêm chủng và an toàn sinh học của Cục Y tế dự phòng, cho biết trong thành phần vắc xin ComBe five có thành phần ho gà toàn tế bào, cũng như các vắc xin khác, sau khi tiêm chủng trẻ có thể có những biểu hiện sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm, quấy khóc và là phản ứng bình thường, phụ huynh không nên quá lo lắng. “Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do Hib, bại liệt là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, các bệnh này đều được phòng bệnh hiệu quả nhờ tiêm chủng vắc xin. Hiện nay, có nhiều loại vắc xin phòng các bệnh này trên thế giới như vắc xin ComBe Five hay vắc xin 6 trong 1 Hexaxim có thêm thành phần bại liệt nên các bé không cần uống thêm vắc xin bại liệt. Người dân có thể lựa chọn một trong hai loại vắc xin này vì chúng có hiệu quả phòng bệnh tương đương nhau” - ông Nguyễn Xuân Tùng nói.
Theo ngành y tế, vắc xin 6 trong 1 có thành phần ho gà vô bào nên tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ thấp hơn vắc xin ho gà toàn tế bào. Tuy nhiên, tỷ lệ phản ứng nặng như sốc, co giật, tím tái... của hai loại vắc xin này là tương đương nhau. Phụ huynh buộc phải theo dõi các biểu hiện của con em mình sau khi tiêm vắc xin để có hướng xử lý. Tại Quảng Nam, vắc xin dịch vụ 6 trong 1 hiện nay vẫn chưa có hàng trở lại.
LÊ QUÂN