Chạm vào di sản ký ức
Trong cùng một thời gian, có hai sự kiện liên quan đến quy hoạch đô thị cùng diễn ra.
Vùng trung tâm thành phố Đà Lạt đối diện với “giải tỏa trắng” để xây dựng các công trình hiện đại theo đề án quy hoạch mới công bố. Và cố đô Huế bắt đầu “di dời” 15.000 người để phục hồi di tích kinh thành.
Người ta có thể băn khoăn, rằng trong quá trình phát triển, những di sản nào của quá khứ được giữ lại, di tích nào phải biến mất để nhường chỗ cho cái mới?
Ngoài những giá trị hữu hình có thể đo đếm, những công năng còn có thể khai thác, còn có một thứ làm nên giá trị một di tích, gọi là di sản ký ức. Một cảnh quan, một đoạn tường thành, một tòa nhà, hay thậm chí một cái cây... đều có thể là nơi lưu giữ ký ức của một cộng đồng, làm nên cái “thần thái” của một nơi chốn. Để khi nhìn vào đó, người ta cảm nhận được nét văn hóa đặc thù của địa phương. Đó là điều khiến cho người ta yêu, nhớ, muốn trải nghiệm, và tự hào... khi nghĩ về một địa danh. Đó là quê hương, là sự cuốn hút mời gọi để con người tìm về hay tìm đến, làm nên những làn sóng dịch chuyển, lưu thông trên thế giới rộng lớn này. Cái gọi là du lịch, loại hình kinh tế được cho là xu thế của tương lai, thực ra chỉ là một biểu hiện phiến diện của sự giao tiếp rộng lớn đó. Cái “phát động cơ” của du lịch, là văn hóa chứ không phải là những tiện nghi tiện ích vật chất.
Xin trở lại. Một trong những hệ quả kỳ vọng của cuộc giải tỏa và bảo tồn kinh thành Huế, là biến sự uy nghi hoàn chỉnh của di tích này thành một sản phẩm du lịch, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Di tích không chỉ được bảo tồn vì lý do văn hóa, di tích sẽ sống và sinh lợi.
Đà Lạt cũng là một thành phố du lịch, với danh tiếng và những cảnh sắc đã được định danh là “bản sắc” thu hút du khách từ bao lâu nay. Nhưng một vị quan chức sở tại đã nói khi bảo vệ đề án quy hoạch mới, “đừng quá hoài niệm mà cản trở sự phát triển”. Phải chăng tương lai phát triển của thành phố này không cần đến sự đóng góp của những giá trị quá khứ để làm du lịch? Liệu người ta có tìm tới Đà Lạt để mua sắm trong một trung tâm thương mại giống hệt ở Sài Gòn? Ấy là chưa kể tới một cái quyền của cư dân, là bảo lưu cái không gian văn hóa của họ nữa.
Biết rằng mỗi nơi có những đặc điểm riêng, khó mà đem so sánh đơn sơ như vậy được. Nhưng trong cùng một triết lý phát triển chung từ thượng tầng, sao lại có những hành xử khác nhau đến thế giữa các địa phương, với những chủ đề tương tự như vậy?
Đó hẳn là khác biệt về sự lượng giá đối với những giá trị vô hình, chứ không phải về tầm nhìn, về chủ trương, hay “đặc thù địa phương” như người ta thường nói.
Cái sự lượng giá ấy, đã dựa trên những hệ tiêu chí khác nhau nào?
C.B.L