Chơi "net" xuyên đêm
Chơi “net” thâu đêm hay còn gọi là “cắm net”, “cắm đêm” trong giới game thủ nay đã không còn là một điều quá xa lạ nữa. Bởi với mức lợi nhuận cao, nhiều chủ quán “net” đã bất chấp quy định của pháp luật, lén lút cho quán mở thâu đêm suốt sáng.
Theo quy định, các điểm cung cấp dịch vụ internet chỉ được hoạt động đến 22 giờ hằng ngày. Ảnh T.BÌNH |
“Ngủ ngày cày đêm”
Mặc dù trong khoản 3 điều 69 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ, các dịch vụ cung cấp internet hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, các chủ quán “net” vẫn tìm cách qua mặt cơ quan chức năng, thậm chí còn lôi kéo khách hàng bằng chiêu khuyến mãi tiền giờ hay cung cấp thức uống miễn phí, bởi lợi nhuận của việc mở quán chơi xuyên đêm không hề nhỏ. Với mức giá trung bình 25 nghìn đồng/người cho khoảng thời gian chơi từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, nhiều bạn học sinh, sinh viên nhận xét, đây là một cái giá khá rẻ cho một đêm “chán đời, không biết làm gì”. Không những vậy, nhiều game thủ còn tự nhận họ thích “ngủ ngày cày đêm” hơn, bởi như một game thủ ở Tam Kỳ chia sẻ rằng “ban ngày, quán nào rẻ thì giá ít cũng là 4 nghìn đồng cho một giờ chơi, còn chơi đêm, chia trung bình ra thì chưa tới mức đó, vả lại, mình coi quán như một chỗ nghỉ khuya cũng được, chơi chán thì có thể đặt lưng xuống ngủ bất cứ lúc nào”. Tất nhiên, phải đạt số lượng người chơi nhất định và quan trọng là phải có người trông coi, quản lý, các chủ quán “net” mới mở đêm. “Các khách hàng chơi đêm thường đi theo nhóm, bởi theo tôi, “cắm đêm” mà không có “chiến hữu”, chán lắm, nên dù “luật “ngầm của quán là có khoảng 10 - 15 khách mới mở đêm nhưng hầu như đêm nào quán cũng hoạt động” - anh T., chủ một quán “net” trên đường Hùng Vương (TP.Tam Kỳ) cho biết.
Dạo quanh khu vực gần các trường đại học hay THPT, không khó để nhận ra một quán “net” đang đắt khách bởi lượng xe máy, xe đạp điện, xe đạp dựng khá nhiều trước vỉa hè. Thế nhưng hình ảnh các quán “net” mở cửa sau “giờ giới nghiêm” lại là một chuyện hoàn toàn khác. Để che mắt các lực lượng chức năng, chủ quán chủ động đưa xe của khách hàng vào giấu ở bên trong, đóng cửa, tắt đèn khiến cho quán nhìn vào không khác gì một nhà dân bình thường nhưng bên trong là hơn chục con người đang mải mê với cuộc chiến trên... bàn phím. Không gian chật chội, nóng nực cộng với những ức chế khi chơi game khiến những câu chửi thề liên tục “văng” ra từ các game thủ gây ồn ào, ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của người dân xung quanh. Chưa kể, việc thức khuya, sử dụng nước tăng lực, chất kích thích, và tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá cũng đem lại hậu quả không nhỏ. Thế nhưng, không chỉ có nam game thủ “cắm đêm”, mà sự xuất hiện của các nữ game thủ ở những quán “net” như thế này ngày càng nhiều. Chưa kể đến sự nguy hiểm trong môi trường có đủ thành phần, bao gồm cả những đối tượng hút chích, nghiện ngập; việc thức khuya kéo dài có thể gây ra mất trí nhớ của khách hàng chơi “net” xuyên đêm.
Người trong cuộc nói gì?
Mặc dù đã có quy định nếu “không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng, nhưng theo lời kể của nhiều game thủ, một tuần đi “cắm” 2 - 3 ngày thôi cho đỡ hại sức khỏe, mà có thấy bị phạt gì đâu. Các game thủ có “thâm niên” trong việc “ngủ ngày cày đêm” còn cho biết, “cắm đêm” một hay hai ngày liên tiếp thì còn sinh hoạt bình thường được, còn nếu chơi dài ngày thì một là vật vưởng vào ban ngày, hai là phải thay đổi luôn đồng hồ sinh học. “Cắm đêm hại lắm. Biết thế nhưng ngày xưa chả hiểu sao mình không dứt ra được. Mãi đến khi bị ba mẹ phát hiện rồi ngăn cấm cộng với quản lý chặt chẽ, mình mới dần bỏ hẳn...” tâm sự của P. - một học sinh THPT ở Tam Kỳ.
Các quán “net” ở Tam Kỳ chủ yếu là quán “net” kiểu... gia đình, nghĩa là quán được mở ngay trong nhà, đôi khi còn chung đụng với không gian sinh hoạt của các thành viên. “Ngay cả việc mở quán thôi cũng đã bị hàng xóm và nhiều phụ huynh xung quanh đến nói ra nói vào, giờ mà cho mở “cắm đêm” người ta thấy nửa đêm bị làm phiền rồi báo cho cơ quan chức năng thì mệt lắm. Vả lại, dù tìm được người trông coi quán nhưng mình với vợ con ngủ bên phòng cách có một vách tường, tụi nhỏ chơi rồi la hét, chửi thề, ngủ làm sao yên”. Lời bộc bạch của anh V. - chủ một tiệm “net” trên đường Trưng Nữ Vương.
THẢO BÌNH