Hoạt động của Phòng khám đa khoa khu vực vùng A Đại Lộc: Gặp khó do đâu?

XUÂN HIỀN 25/03/2019 06:16

Từ tháng 1.2019, Phòng khám Đa khoa khu vực vùng A (PKĐK vùng A) Đại Lộc từ trực thuộc Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc được chuyển giao về Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc quản lý. Bên cạnh đó, cơ sở y tế này không còn điều trị nội trú cho người dân, danh mục được cấp thuốc do bảo hiểm y tế thanh toán bị giảm hẳn... khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong khám chữa bệnh.

Cơ sở vật chất, phòng ốc khang trang nhưng PKĐK vùng A Đại Lộc không được điều trị nội trú là một sự lãng phí rất lớn. Ảnh: XUÂN HIỀN
Cơ sở vật chất, phòng ốc khang trang nhưng PKĐK vùng A Đại Lộc không được điều trị nội trú là một sự lãng phí rất lớn. Ảnh: XUÂN HIỀN

Khó khăn cho người dân

Thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hơn 35 nghìn dân của 5 xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Hồng, Đại Sơn (huyện Đại Lộc) và xã Kà Dăng (huyện Đông Giang), PKĐK vùng A Đại Lộc phát huy khá tốt vai trò của một cơ sở y tế miền núi. Năm 2018, PKĐK vùng A được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới khá khang trang trên diện tích 3.600m2, có 20 cán bộ nhân viên, trong đó có 3 bác sĩ, 6 y sĩ, trang thiết bị và phương tiện phục vụ người bệnh khá đầy đủ. Khu vực này có địa hình khá hiểm trở, cách trung tâm huyện Đại Lộc hơn 25km, dễ bị chia cắt vào mùa mưa lũ, nên PKĐK vùng A là lựa chọn đầu tiên của người dân tại đây. Tuy nhiên, sau này PKĐK không được điều trị nội trú; đồng thời thực hiện Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế Quảng Nam, PKĐK khu vực được giao về Trung tâm Y tế huyện quản lý, thì không chỉ hoạt động của PKĐK vùng A gặp khó mà người dân trong vùng hết sức bất tiện khi cần khám và điều trị bệnh.

Bác sĩ Hồ Thái - Trưởng PKĐK vùng A Đại Lộc cho biết, trước đây khi trực thuộc Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc, được cho phép điều trị nội trú cũng như danh mục thuốc đầy đủ, phòng khám đáp ứng tốt việc khám chữa bệnh cho người dân. “Từ ngày 1.1.2019, khi có quyết định giao đơn vị về cho Trung tâm Y tế huyện, ngay cả việc cấp cứu cho người dân chúng tôi cũng e dè vì danh mục thuốc được cấp bị cắt khá lớn, lại không được phép điều trị nội trú. Gần 3 tháng qua, dù đội ngũ cán bộ phòng khám đã làm hết sức nhưng không thể nào đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân” - bác sĩ Hồ Thái nói. Bà Trương Thị Vân - Phó trưởng PKĐK vùng A cho biết thêm, từ đầu tháng 1.2019, phòng khám liên tục phải giải thích cho người dân về quy định mới. “Người dân cứ nhằm chúng tôi mà phản ứng, thậm chí gọi điện vào đường dây nóng của Sở Y tế phản ánh việc chúng tôi không lưu bệnh nhân, không cấp đủ thuốc cho họ. Nhiều thuốc điều trị các bệnh như tai biến, đái tháo đường... trước đây người bệnh điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc có thể nhận thuốc tại cơ sở chúng tôi, giờ lại không được cấp. Trong khi người dân ở đây còn rất khó khăn, người bệnh phần lớn là đối tượng chính sách, già yếu, đi lại đường xa với họ rất khó” - bà Vân nói.

“Người dân ở đây ngày trước cứ đau ốm là đến PKĐK vùng A vì rất tiện lợi về đường sá và cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như chuyên môn của bác sĩ được tin tưởng. Nhưng từ năm nay phòng khám thông báo không còn điều trị nội trú, tôi phải đưa người nhà bị đái tháo đường xuống bệnh viện dưới Ái Nghĩa để điều trị. Khó khăn trăm bề!” - bà Nguyễn Thị Chí, người dân xã Đại Hưng bức xúc nói.

Bảo hiểm không thanh toán

Sau khi được giao cho Trung tâm Y tế huyện quản lý, trang thiết bị y tế của PKĐK vùng A bị hư hỏng cũng không được sửa chữa ngay. “Nếu năm trước bất kể phòng khám gặp vấn đề gì, báo buổi sáng thì ngay chiều hôm đó Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc cử người lên xử lý. Đằng này chúng tôi giờ ở đây, cơ sở thì khang trang mà lại thiếu thuốc, hư hại đủ loại máy móc” - bà Trương Thị Vân nói. Không được điều trị nội trú, PKĐK vùng A bị lãng phí rất lớn khi đã nâng cấp trang thiết bị, giường bệnh, cơ sở vật chất để đạt yêu cầu phục vụ điều trị nội trú. Đơn vị cũng mất một phần nguồn thu từ việc điều trị nội trú để chi trả các chi phí cho cán bộ, bác sĩ.

Trả lời về những bức xúc từ cả người dân lẫn nhân viên PKĐK vùng A phản ánh, ông Võ Hồng Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc cho biết, quan điểm của địa phương là dù Bệnh viện Đa khoa miền núi quản lý hay do Trung tâm Y tế huyện quản lý, tuy có những khác biệt nhưng vẫn đảm bảo vận hành tốt cho PKĐK vùng A. “Máy móc hư thì chúng tôi vẫn đang cho người sửa chữa, tuy có thể chậm hơn. Trước đây PKĐK thuộc Bệnh viện Đa khoa miền núi là cơ sở khám chữa bệnh hạng 2 nên có danh mục thuốc bảo hiểm hạng 2. Giờ thuộc về Trung tâm Y tế huyện là cơ sở hạng 4 nên có danh mục thuốc hạng 4” - ông Võ Hồng Hải nói.

Trước những vướng mắc từ PKĐK vùng A huyện Đại Lộc (có lẽ cũng là vướng chung hiện nay của các PKĐK trong tỉnh - PV), ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dù thuộc đơn vị quản lý nào thì PKĐK vùng A cũng có chức năng khám chữa bệnh, nhưng khác về cấp độ và cơ chế quản lý. “Trước đây các PKĐK khu vực đều được thực hiện điều trị nội trú. Quan điểm của Sở Y tế khi giao PKĐK về cho Trung tâm Y tế huyện là để phối hợp với trạm y tế phát triển mạnh hơn, năng lực lớn hơn, trực tiếp quản lý con người tại địa phương. Vướng mắc là sau này PKĐK không được điều trị nội trú do Bảo hiểm xã hội (BHXH) không thanh toán. Điều này chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên HĐND và UBND cũng như BHXH tỉnh xem xét để các PKĐK được điều trị nội trú 3 ngày, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Chúng tôi cũng mong các PKĐK được tổ chức điều trị nội trú để giảm áp lực người bệnh dồn lên tuyến trên” - ông Mai Văn Mười nói.

XUÂN HIỀN

Chưa thông hành lang pháp lý!

Liên quan đến vướng mắc xoay quanh câu chuyện BHXH không chi trả điều trị nội trú tại PKĐK khu vực, ông Hồ Hữu Tuấn - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh nói rằng, câu chuyện xuất phát từ việc thực hiện Thông tư số 15-BYT/TT của Bộ Y tế (không quy định PKĐK khu vực được điều trị nội trú - PV). Sau đó, nhận được phản ánh của người dân và nhiều địa phương trong cả nước, Bộ Y tế ban hành Công văn 618/BYT-KCB, ngày 25.1.2018, trong đó có nội dung: “PKĐK khu vực vẫn cần phải tồn tại để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong vùng thì Sở Y tế, Y tế các bộ/ngành phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp và thẩm định phê duyệt chuyển đổi thành đơn nguyên điều trị nội trú của bệnh viện đa khoa khu vực của tỉnh, bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện”. Căn cứ công văn này, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam ra quyết định thực hiện. Về phần mình, BHXH Quảng Nam có công văn gửi BHXH Việt Nam xin ý kiến, và nhận được công văn trả lời rằng, về vấn đề này BHXH Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Y tế để được hướng dẫn nhưng vẫn chưa có phản hồi do đó đề nghị BHXH các tỉnh chưa có cơ sở để thanh toán điều trị nội trú ở PKĐK khu vực.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3427/QĐ-UBND phê duyệt Đề án kiện toàn hệ thống tổ chức y tế Quảng Nam; trong đó, đối với 13 PKĐK khu vực trên địa bàn tỉnh, thực hiện giải thể 4 đơn vị hoạt động không phát huy hiệu quả, giữ nguyên và bàn giao các PKĐK khu vực khác (trừ PKĐK Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc nâng cấp thành bệnh viện, trực thuộc Sở Y tế) về trung tâm y tế cấp huyện quản lý và chuyển thành đơn nguyên điều trị nội trú, do các phòng khám đã và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị... Sau đó BHXH Quảng Nam có công văn cho biết sẽ thực hiện thanh toán chữa bệnh điều trị nội trú sau khi PKĐK khu vực chính thức có quyết định chuyển thành “đơn nguyên điều trị nội trú” theo như đề án của tỉnh... Tuy nhiên, ông Hồ Hữu Tuấn cho rằng, như thế chưa phải là các PKĐK khu vực đã được điều trị nội trú. Tức là các cơ sở này phải làm hồ sơ, ghi danh sách bác sĩ (nêu rõ chuyên môn), phạm vi hoạt động, danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc... “Nói chung là về vấn đề hàng rào pháp lý thôi, chứ BHXH không bao giờ đụng đến quyền lợi của người dân” - ông Hồ Hữu Tuấn nói.X.HIỀN (ghi)

XUÂN HIỀN