Nhớ giọng Quảng Nam
Trước hết, tôi xin được nhấn mạnh ở hai từ mà chúng ta hay lẫn lộn, đó là GIỌNG và TIẾNG! Tôi từng nhiều lần bị các cô đồng nghiệp người Hà Nội “sửa lưng” nên nhớ hoài cái vụ này. Ta thường hay nghe các câu nói đại loại như: “Cô gái đó nói tiếng Hà Nội chuẩn”, hay “Anh chàng kia nói tiếng Hà Tĩnh khó nghe quá”... Đúng là nhầm lẫn, vì cái mà ta muốn nói đó, thực ra là giọng, chứ không phải là tiếng. Làm gì có tiếng Nam Bộ, tiếng Hà Nội, hay tiếng Huế...? Chỉ có tiếng Việt mà thôi.
Làng quê Quảng Nam. (Ảnh minh họa). Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
1. Nói đến giọng thì miền nào, địa phương nào cũng có những chữ bị phát âm sai, kể cả Hà Nội, như rượu thành riệu, âm s thành x... Nhưng giọng nói ở các tỉnh miền Trung có lẽ là sai nặng nề nhất. Chắc cả nước không còn ai còn “théc méc” gì với cái giọng “đặc sản Quảng Nôm”! Các âm ă đều bị chuyển thành e; ao thì thành ô; oi thì thành ua; ôm thì thành ơm... như ăn nói thì thành “en núa”; lắt nhắt thì thành “lét nhét”; thể thao thì thành “thể thô”; nói láo thành “nói lố”; con tôm thì thành “con tơm”; trái cam thành “trái côm”... Đó là mới liệt kê đại khái, còn nhiều lắm! Thậm chí những bạn tôi ở miền Nam còn khôi hài rằng Quảng Nam là xứ giàu nhất thế giới, vì ở nơi đó không có người nào đi xe đạp, mà chỉ đi “xe độp” hay “xe đọp”, một loại xe có một không hai trên toàn cầu. Cô bạn gái đồng nghiệp của tôi là dân Hà Nội về làm dâu Quảng Nam, có lần nói với tôi: “Giọng Quảng Nam các anh sao mà khó nghe quá. Em ra chợ mua hàng, người ta nói, em chả hiểu gì!”.
Mà đúng là khó nghe thiệt. Nhất là khi cãi lộn thì... thôi rồi! Người Quảng Nam nói chuyện với nhau bình thường cũng không đến nỗi nào, nhưng khi phát biểu trong đám đông hay hội nghị thì đúng là... quê một cục! Nó chân chất quá, thiệt thà quá, như cục đất, củ khoai, chứ không lôi cuốn như giọng Hà Nội, không thân thiện như giọng Nam Bộ, không điệu đà như giọng Huế. Ngay cả những người Quảng Nam xa quê lâu ngày về nghe lại giọng “Quảng Nôm dzin” nhiều khi còn thấy... lùng bùng, huống chi là dân Nam Bộ hay các cô tiểu thư Hà Nội. Cũng cô bạn đồng nghiệp Hà Nội đó có lần hỏi tôi: “Người Quảng các anh nói chả ai nghe được, nhưng sao lại hát và làm thơ, viết văn hay thế?”. Tôi đành khôi hài: “Ừ thì rứa đó! Tại người Quảng nói mà các em không hiểu, nên họ phải diễn tả tâm tình bằng âm nhạc và thơ văn thôi”.
Mà ngẫm lại cũng đúng thật. Số lượng ca sĩ, văn sĩ, nhà thơ, nhà báo, kể cả những diễn viên hài gốc Quảng Nam chiếm số lượng không nhỏ trong các hoạt động văn nghệ ở đất Sài Gòn. Biết đâu cái chất khó nghe trong giọng Quảng lại vô tình chắp cánh cho văn nghệ bay cao (!).
2. Chính nhờ cách phát âm không chuẩn nên người Quảng lại rất bén nhạy trong cách nói lái và chơi chữ. Mà nói lái một cách tự nhiên, tưng tửng, chứ không hề có dụng công. Nhưng cũng chính do cách phát âm không chuẩn đó đã dẫn đến những câu chuyện dở khóc, dở cười.
Có một tay đại gia người Sài Gòn nhờ một bác tài người Quảng Nam tập lái xe trong sân vườn cho thêm vững tay lái. Anh sếp ngồi lên xe và tập lái theo sự hướng dẫn của bác tài đứng dưới đất. Anh ta rẽ trái thì nghe bác tài hô lớn: “Gút! Gút! Chừ tập rẽ phải đi”. Anh ta rẽ phải cũng nghe bác tài hô lớn: “Vé ri gút! Vé ri gút! Chừ tập lui đi”. Khi anh ta cho xe lùi lại thì nghe bác tài la lên: “Bờ rồ! Bờ rồ!”. Anh sếp thấy hứng chí, vì từ gút (good: tốt) chuyển sang vé ri gút (very good: rất tốt), đến chừ chuyển sang bờ rồ (professional: chuyên nghiệp, bài bản) thì quá tuyệt, nên nhấn mạnh thêm ga. Bỗng nghe “ầm” một tiếng. Anh hoảng kinh, vội tắt máy, bước xuống xe, thấy đuôi xe đã đâm sầm vào tường rào của sân vườn. Bác tài lắp bắp giải thích: “Trời đất! Cái ni không phải là lỗi của tui. Tui đã la lớn là xe sẽ đụng cái bờ rồ (bờ rào) mà sếp không chịu nghe!”.
Một ông trưởng phòng nhân sự người Nam Bộ của công ty nọ phỏng vấn một anh chàng Quảng Nam mới vào xin việc, bèn hỏi: “Trước kia, anh làm gì?”. Anh chàng Quảng Nam đáp: “Dạ, trộm vật tư!”. Ông trưởng phòng hẳn phải té ngửa, nếu không biết người đối thoại với mình trước kia từng đang công tác tại một trạm vật tư.
3. Tuy giọng Quảng khó nghe là vậy, nhưng những ai xa quê lâu ngày, nếu về thăm quê ngày tết mà ngồi trong một toa tàu toàn dân Quảng Nam, nghe họ nói chuyện rôm rả đều thấy ấm áp lạ thường. Hình ảnh bụi chuối bờ tre, con sông, đồng lúa đều như hiện ra trong ký ức.
Xã hội hiện nay đã gần như... phẳng theo kiểu “thế giới phẳng”. Sự giao lưu trở nên dễ dàng và thuận lợi. Người dân Quảng Nam vô nam làm ăn sinh sống khá nhiều. Cách phát âm nhờ đó cũng được “cải thiện” ít nhiều theo địa phương mà họ đang kiếm kế sinh nhai. Các em sinh viên đi học ở Sài Gòn cũng có cách phát âm tương đối chuẩn và mềm mại hơn. Điều đó cũng hay. Biết là vậy, nhưng mỗi lần ở cái đất Sài Gòn, nghe lại cái giọng Quảng Nam “dzin”, tôi luôn có một cảm giác thân thương, như đang ngồi ở một vùng quê nào đó ở Thăng Bình, Đại Lộc, ăn một tô mỳ Quảng bình dân và uống một bát chè xanh.
LIÊU HÂN