Thăng Bình trong cơn "sốt" đất
(QNO) - Thời gian gần đây, vùng đông Thăng Bình - nơi đang triển khai nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp... quy mô lớn kéo theo tình trạng "sốt" đất kéo dài; nhiều hệ lụy nảy sinh.
"Sốt" đất ven biển
Nằm dọc theo tuyến đường ven biển, gần TP.Tam Kỳ, xã Bình Nam có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế trong tương lai. Lợi dụng tình hình "sốt" đất một số nơi, các đối tượng "cò đất" đã tung nhiều tin đồn, đăng tải nhiều thông tin đồn thổi không có sơ sở trên các trang mạng xã hội để "thổi" giá đất. Trước thực trạng này, ngày 7.3.2019, UBND xã Bình Nam đã tổ chức đấu thầu công khai 20 lô đất thuộc sở hữu của nhà nước tại thôn Nghĩa Hòa.
20 lô đất được xã Bình Nam đấu giá công khai với giá khởi điểm chưa đến 164 triệu đồng/lô. Ảnh: VĂN VIỆT |
Mỗi lô đất có diện tích 168m2 với mức giá khởi điểm hơn 163,2 triệu đồng. Buổi đấu giá tiếp nhận 1.257 hồ sơ tham gia đấu giá và 447 khách hàng có mặt đấu giá - một con số vượt xa dự kiến ban đầu của chính quyền xã Bình Nam. Việc đấu giá các lô đất diễn ra công khai, dân chủ, mọi công dân đều có quyền tham gia đấu giá.
Ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết: "Cái được của việc công khai đấu giá lần này là sự minh bạch, địa phương kiểm soát được nguồn thu. Tuy nhiên, cũng có mặt hạn chế là người dân ở địa phương không đủ khả năng tham gia đấu thầu, mặc dù nhu cầu đất ở của họ là có thật. Sau này, việc giải tỏa hay vận động nhân dân khi có các dự án khác sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân đã phàn nàn về việc đất nhà nước bán giá cao, trong khi đất của dân được bồi thường có giá khá thấp". Sau buổi đấu giá, tổng số tiền thu được từ việc bán 20 lô đất là hơn 14,2 tỷ đồng.
Bỗng chốc... thành tỷ phú
Là xã có nhiều dự án đang xây dựng, đặc biệt là sau khi dự án cầu Cửa Đại hoàn thành, giá đất ở xã Bình Dương tăng vọt một cách khó hiểu. Những lô đất nằm ngoài dự án được người ta đến mua với giá rất cao. Hiện nay đất đã hơn 3 triệu đồng/m2, còn đất ven biển là 7 triệu đồng/m2. Nhiều người dân đã bán đất tiền tỷ và... thành đại gia. Trong cơn "sốt" đất, ông Lâm Xuân Bút (thôn 5, xã Bình Dương) bán mảnh đất vườn 2.300m2 với giá 25 tỷ đồng. Ông dùng số tiền này chuyển ra Đà Nẵng mua đất làm nhà, sau đó quay lại địa phương làm "cò" đất.
Hiện nay ngoài dự án, khu vực Bình Dương chỉ còn khoảng 228ha đất thổ cư. Hơn 70% người dân trở nên giàu có nhờ bán đất. Nhiều người sau khi bán đất đã thoát ly ruộng đồng, chuyển sang làm cho các công trình đang triển khai hoặc có cuộc sống an nhàn hơn. Ông Lê Văn Thông (thôn 5, xã Bình Dương) cho biết: "Ngày xưa phần lớn dân ở đây bám biển hoặc làm nông kiếm sống. Bây giờ chỉ còn khoảng 20% người dân theo nghề; phần lớn người dân đi làm trong các xí nghiệp".
Các tấm biển thông tin về mua bán đất mọc lên như nấm ở xã Bình Dương. Ảnh: VĂN VIỆT |
Qua tìm hiểu thông tin từ người dân, khách mua đất ở đây chủ yếu là người Hà Nội. Một số ít đất đai ở ven biển đã làm nhà ở, một số thì dự kiến xây dựng các resort.
Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cũng xác nhận việc nhiều ngư dân đã bỏ biển sau khi bán đất đai; nhiều người đi làm cho xí nghiệp, nhà máy. Nông dân không còn đầu tư cho nông nghiệp vì dễ gánh chịu rủi ro do thiên tai hàng năm.
Nhiều hệ lụy xã hội
Cơn "sốt" đất chưa từng có đã biến những nông dân chân lấm tay bùn bỗng chốc trở thành tỷ phú, từ đó kéo theo không ít hệ lụy. Ông Phan Văn Tuấn (xã Bình Dương) cho biết: "Kể từ khi trúng đất, nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra trên địa bàn xã. Công tác quản lý gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây, nhiều vụ tranh chấp, gây gổ, kiện cáo,... thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương”.
Đất tăng giá, tranh chấp đất đai xảy ra trong nhiều gia đình dẫn đến sứt mẻ tình cảm, nhiều gia đình ly tán, nhiều người lao vào tiêu pha vô độ. Đơn cử là trường hợp của gia đình ông C.V.L. (thôn 6, xã Bình Dương). Sau khi bán đất với số tiền gần 1 tỷ đồng, ông L. lâm vào con đường bài bạc. Hai người con trai của ông thì nghiện ngập, ăn chơi. Đến nay, số tiền bán đất đã hết, người con trai út cũng bỏ đi khỏi địa phương.
Từ những người lao động chăm chỉ, xưa nay vốn chỉ quen với cát và gió biển, sau khi trúng đất đã bỏ hoang ruộng đồng, hoa màu, thôi vươn khơi bám biển. Diện tích đất hoa màu bị bỏ hoang ngày càng tăng cao. Trong khi đó, trước đây số tàu thuyền hoạt động tại địa phương là 28 chiếc thì đến nay chỉ còn 12 chiếc tham gia đánh bắt.
Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương nhấn mạnh: "Trước tình hình đất đai diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, người dân địa phương nên tính đến tương lai lâu dài hơn. Nếu bán hết đất đai thì sau này con cháu muốn kiếm một mảnh đất "cắm dùi" cũng khó, chưa kể sinh kế lâu dài sẽ định liệu thế nào".
VĂN VIỆT