Lắng nghe từ cơ sở

HÀN GIANG - PHAN VINH 23/03/2019 00:53

Nhiều vấn đề, vụ việc bức xúc từ thực tiễn cơ sở đã được các cấp ủy, chính quyền lắng nghe và nỗ lực giải quyết, không ngoài mong muốn ngày càng đáp ứng tốt hơn đối với nguyện vọng chính đáng của người dân.

Ở thôn Tây Sơn Tây nhiều hộ chấp hành chủ trương, đã di dời đến nơi ở mới, nhường đất cho dự án. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Ở thôn Tây Sơn Tây nhiều hộ chấp hành chủ trương, đã di dời đến nơi ở mới, nhường đất cho dự án. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

GƯƠNG MẪU, TẠO ĐỒNG THUẬN

Hơn 11 giờ trưa, tuyến đường nối hai thôn Tây Sơn Tây - Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) trở nên sôi động khi hàng trăm công nhân xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tản ra các quán ven đường ăn cơm trưa và nghỉ ngơi chuẩn bị cho ca làm chiều. Xen lẫn trong khu dân cư hai bên đường, nhiều căn nhà đã được dỡ mái, chủ hộ chấp hành di dời đến nơi ở mới, nhường đất cho dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Cũng như nhiều trường hợp nằm trong vùng trọng điểm của dự án, hộ bà Nguyễn Thị Thuyền (thôn Tây Sơn Tây) thuộc diện giải tỏa trắng, đang chờ di dời vào khu tái định cư khi chủ đầu tư có yêu cầu giao đất để xây dựng dự án.

Trước đó, khi các dự án trọng điểm vùng đông nam khởi động, các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) trở thành điểm “nóng” về xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép. Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, giai đoạn 2016 - 2017, khu vực triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có đến hơn 320 trường hợp cơi nới, xây dựng nhà cửa, tường rào cổng ngõ trái phép. Trong đó, có nhiều trường hợp là gia đình cán bộ, đảng viên. Ông Võ Văn Toan - Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải cho biết, trong năm 2017 xã có 7 đảng viên bị xử lý kỷ luật khiển trách do vi phạm xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép nằm trong vùng quy hoạch dự án. Xử lý nghiêm để răn đe, có như vậy mới làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, không vi phạm trật tự xây dựng trong vùng dự án. Mặt khác, với vai trò là người đứng đầu cấp ủy, ông Toan đã xung phong đi trước, di dời vào sinh sống ở khu tái định cư để nhường đất triển khai dự án. “Mình và gia đình phải gương mẫu làm trước thì nói mới thuyết phục được cán bộ, đảng viên địa phương. Sự gương mẫu của người đứng đầu, sẽ tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong tập thể cán bộ, đảng viên, đây cũng chính là cơ sở để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Thấy mình làm, nghe mình vận động thì người dân sẽ hiểu, ủng hộ, chấp hành tốt chủ trương, khi đó công tác quản lý hiện trạng sẽ bớt áp lực hơn, nhất là giữ vững được tình hình an ninh trật tự trên địa bàn” - ông Toan chia sẻ.

Dù không còn tái diễn điểm “nóng” về tình trạng xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương cũng không lơ là trong việc quản lý hiện trạng đất đai. Chi ủy, chi bộ thôn được giao nhiệm vụ nắm tình hình, kịp thời vận động, giải thích khi ở cơ sở phát sinh vụ việc liên quan. Bản thân ông Toan và nhiều cán bộ địa phương vẫn thường xuyên đi xuống cơ sở, tập trung theo dõi sát sao tình hình. Nói về điều thuận lợi trong quản lý hiện trạng hiện nay, ông Toan nhìn nhận: “Chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hợp lý hơn đã tạo điều kiện cho người dân chấp hành chủ trương di dời. Từ ngày dự án khởi công xây dựng, người dân cũng được hưởng lợi nhiều, thu nhập tăng khi chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang dịch vụ ăn uống, giải khát, cho thuê trọ, bảo vệ công trường...”.

ĐỐI THOẠI GIẢI QUYẾT BỨC XÚC

Đều đặn mỗi năm 2 lần TP.Tam Kỳ tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các bí thư chi bộ, trưởng thôn/khối phố, trưởng ban công tác mặt trận thôn/khối phố trên địa bàn để lắng nghe các ý kiến phản ánh, tâm tư từ cơ sở. Những người đứng đầu thành phố sẽ giải đáp làm rõ hơn các nội dung liên quan; cũng như tiếp nhận, tổng hợp những phần việc còn vướng mắc, chậm được giải quyết. Từ đó, phân loại, giao trách nhiệm xử lý, giải quyết dứt điểm cho các cơ quan, phòng ban chức năng của thành phố đối với từng vấn đề mà nhân dân phản ánh. Quá trình giải quyết này sẽ được giám sát, và lãnh đạo thành phố sẽ có báo cáo kết quả trước nhân dân tại hội nghị đối thoại kế tiếp. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho hay, chính từ các ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên cơ sở qua các hội nghị đối thoại, lãnh đạo thành phố đã tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm khá nhiều công việc còn có vướng mắc, tồn đọng, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. “Các nội dung phản ánh được lãnh đạo thành phố lắng nghe, chỉ đạo giải quyết ngay, chấn chỉnh kịp thời, không để kéo dài, báo cáo kết quả cho nhân dân biết giám sát. Cũng nhằm phát huy dân chủ, tăng cường vai trò giám sát, phản biện của nhân dân, tại các kỳ họp HĐND TP.Tam Kỳ gần đây đều mời đại diện cử tri cùng dự, nêu phản ánh những vấn đề bức xúc phát sinh từ thực tiễn cơ sở; thông qua đó cùng tìm hướng giải quyết” - ông Ảnh chia sẻ.

Con đường ở tổ đoàn kết số 2, khu dân cư An Hà Nam, phường An Phú, TP.Tam Kỳ đang được đổ bê tông sau khi có thông tin phản ánh từ người dân. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Con đường ở tổ đoàn kết số 2, khu dân cư An Hà Nam, phường An Phú, TP.Tam Kỳ đang được đổ bê tông sau khi có thông tin phản ánh từ người dân. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Cũng xuất phát từ nhu cầu phát triển đô thị Tam Kỳ và qua lắng nghe phản ánh từ cơ sở mà ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy Tam Kỳ đã ban hành Nghị quyết 04 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn, góp phần giải quyết tốt những vấn đề vướng mắc trong lĩnh vực này. Ông Bùi Ngọc Ảnh nói, từ khi có Nghị quyết 04, công tác bồi thường, hỗ trợ - giải phóng mặt bằng và tái định cư của thành phố thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch và đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định. Nhiều dự án trọng điểm được triển khai tạo nên diện mạo mới cho đô thị Tam Kỳ như dự án đường Tam Kỳ - Tam Thanh, đường Điện Biên Phủ, kè sông Bạch Đằng, Khu công nghiệp Tam Thăng...

Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được thành phố, xã phường quan tâm triển khai và được nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện có hiệu quả ở một số dự án, ví như: đường Hồ Xuân Hương nối dài; đường Tam Kỳ - Tam Thanh (đoạn từ cầu Kỳ Trung ra biển); đường vào địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng); nâng cấp đường nối Nguyễn Hoàng - khối phố 2, phường Trường Xuân; mở rộng và nâng cấp bê tông kiệt, hẻm ở phường An Sơn, An Xuân… Nhân dân đã tự nguyện đóng góp hàng nghìn mét vuông đất và các công trình tường rào, cổng ngõ trị giá hàng tỷ đồng, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng đường phố khang trang, sạch đẹp. “Để việc triển khai dự án được thuận lợi, các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc ngay từ đầu, thông tin đầy đủ về dự án cho nhân dân nắm, tuyên truyền, vận động các hộ bị ảnh hưởng đồng thuận, ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án. Trong khi đó, cấp ủy cơ sở trực tiếp đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Công tác tái định cư được thực hiện đảm bảo, giải quyết tương đối đầy đủ và kịp thời nên phần lớn người dân đồng thuận cao trong việc chấp hành nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng để thi công công trình. Ngay đầu năm 2019 này, lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều phiên làm việc, khảo sát thực tế các dự án, tiếp cận trường hợp còn vướng mắc để có hướng chỉ đạo kịp thời, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công, sớm ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng” - ông Ảnh cho hay.

CHẤN CHỈNH TÌNH TRẠNG BÁT NHÁO

Khoảng giữa năm 2018, ở khu vực rừng dừa xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) nổi lên tình trạng bát nháo trong cách làm du lịch tự phát của người dân. Đến nay, tình trạng này cơ bản đã được chấn chỉnh nhờ sự vào cuộc xử lý kịp thời của Đảng ủy và chính quyền xã Cẩm Thanh.

Tình trạng bát nháo trong cách làm du lịch ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An đã cơ bản được chấn chỉnh. Ảnh: PHAN VINH
Tình trạng bát nháo trong cách làm du lịch ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An đã cơ bản được chấn chỉnh. Ảnh: PHAN VINH

Nhắc lại câu chuyện này, ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh nói, thời điểm tháng 8.2018 có đến gần 1.000 chiếc thuyền thúng và sử dụng 200 chiếc loa hoạt động trong khu vực rừng dừa. Thực tế này đã làm nên những bát nháo và ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng ở khu du lịch sinh thái mà báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đã phản ánh. Chính quyền cũng nắm được tình hình, nhưng vì sự việc vượt tầm kiểm soát của địa phương nên phải chọn cách làm mềm mỏng, gần gũi chia sẻ, tuyên truyền để người dân hiểu và sửa đổi cách làm dịch vụ.

Bà Nguyễn Vân - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh cho biết, trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri và thậm chí là ở những lần họp tổ dân cư từng quý, vấn đề này luôn được đưa ra bàn thảo để tìm hướng đi thích hợp. Đảng ủy xã quyết tâm phải chấn chỉnh và yêu cầu UBND xã, Mặt trận xã cũng phải nắm rõ tinh thần này và cùng vào cuộc. Xác định, muốn làm du lịch sinh thái thì tình trạng bát nháo phải được xử lý dứt điểm. Từ đó, Đảng ủy, chính quyền xã Cẩm Thanh tập trung thực hiện công tác dân vận, tuyên truyền cho người dân hiểu. Bắt đầu từ những gia đình có đảng viên, cán bộ địa phương, giao nhiệm vụ cho họ phải tuyên truyền cho con em trong nhà đang hoạt động thuyền thúng hiểu rõ sự việc. Địa phương cũng quy định mỗi doanh nghiệp chỉ được trang bị 1 thiết bị loa, trước 11 giờ trưa phải đưa loa ra vị trí xa khu dân cư mới được phép mở nhạc; giao cho Ban Quản lý du lịch xã Cẩm Thanh kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. “Nhìn chung, đến nay tình trạng bát nháo ở khu vực rừng dừa Cẩm Thanh cơ bản được chấn chỉnh. Chúng tôi quy hoạch một nơi được mở nhạc và du khách không những không bày tỏ ý kiến gì mà còn hài lòng hơn về chất lượng du lịch tại đây. Từ đó, những lo ngại của người dân về việc sẽ mất du khách nếu cấm loa không còn nữa. Điều này chứng tỏ hướng đi của địa phương đã đúng, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã trong xử lý những bất cập được nâng cao và thể hiện rõ rệt hơn. Nhiều đảng viên, cán bộ thôn trước đây có tham gia vào việc mở loa chèo thúng thì nay đã nhận thức rõ được đó là việc làm thiếu tính bền vững. Đảng ủy, UBND xã Cẩm Thanh cũng đang tìm giải pháp mới như áp dụng nghệ thuật hát bả trạo, hô hát bài chòi để thời gian tới thay thế hẳn tiếng nhạc xập xình kia. Từ đó, đưa hoạt động du lịch sinh thái ở khu vực rừng dừa phát triển bền vững” - bà Vân cho biết thêm.

LÀM HẾT VIỆC, KHÔNG NỆ HẾT GIỜ

Những năm qua, nhờ sự tận tâm và biết cách phát huy sức mạnh đoàn kết nên nhiều vấn đề bất cập, nổi cộm ở địa phương đã được chính quyền xã Tam An (Phú Ninh) nhanh chóng phát hiện và giải quyết kịp thời.

Cán bộ xã Tam An thường xuyên đi xuống cơ sở để nắm bắt thông tin từ người dân.  Ảnh: PHAN VINH
Cán bộ xã Tam An thường xuyên đi xuống cơ sở để nắm bắt thông tin từ người dân. Ảnh: PHAN VINH

Được triển khai vào năm 2003 và cho đến năm 2016, dự án khai thác quỹ đất tại khu dân cư A, B, C xã Tam An vẫn chưa được hoàn thành. Có đến 129 trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất sau khi trúng đấu giá nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa nhận được đất, do những sai sót trong quá trình triển khai. Nhắc lại việc khắc phục sai sót của dự án này, ông Huỳnh Tấn Nhật - Chủ tịch UBND xã Tam An nói, sai ở đâu thì sửa ở đó, giải quyết từng trường hợp từ dễ đến khó. Đối với những thửa đất có 2 - 3 sổ bìa đỏ do công tác đo đạc, chỉnh lý theo phương pháp trước đây chưa đồng nhất thì UBND xã Tam An cho xác minh lại nguồn gốc đất, xét tứ cận để đưa về nguyên trạng. Những trường hợp chưa chịu bàn giao đất, cán bộ xã Tam An đến nhà lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ và biết rằng phần lớn người dân chỉ bức xúc về cách làm của địa phương trước đây và đất lâu ngày không triển khai dự án nên người dân vào canh tác. Sau đó, cán bộ xã Tam An đã vận động nhân dân chấp hành đúng chủ trương và bàn giao đất lại cho địa phương triển khai dự án. “Đối với 129 trường hợp chưa nhận được đất ở khu dân cư A, B, C đến nay chỉ còn 6 trường hợp do không có đất để bố trí. Tuy nhiên, UBND huyện đã thống nhất chủ trương theo phương án đổi đất cho 6 trường hợp này và họ cũng đã đồng ý. Sắp tới chúng tôi sẽ sớm bố trí đất và giải quyết dứt điểm những tồn tại ở khu dân cư A, B, C” - ông Nhật nói.

Xã Tam An có vị trí gần với cửa ngõ ra vào của TP.Tam Kỳ và trục đường nối xuống vùng đông nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn hết sức phức tạp. Đây cũng là địa phương đang triển khai nhiều dự án dẫn đến vấn đề bồi thường giải tỏa, tranh chấp đất đai trở nên nổi cộm, hơn nữa Tam An đang cố gắng nâng chuẩn nông thôn mới và tiếp tục xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy khối lượng công việc của cán bộ xã nơi đây tương đối nhiều và họ không ngần ngại đi làm ngoài giờ. Ông Huỳnh Bường (thôn An Hòa, xã Tam An) chia sẻ: “Tôi thấy các anh cán bộ địa chính, hội nông dân, lãnh đạo xã hay đoàn thể mặt trận, ngày nào cũng xuống với dân. Hôm thì vận động hiến đất làm đường, hôm thì quán triệt tư tưởng để sáp nhập thôn khối phố, lại còn giải quyết tranh chấp, hòa giải. Có hôm thứ Bảy, Chủ nhật, các anh còn ra đồng điều tiết nước cho dân, đi dọn vệ sinh. Hay đợt mưa gây ngập nặng hồi cuối năm ngoái, cán bộ xã Tam An ai cũng tham gia giúp dân vận chuyển người và tài sản đến nơi an toàn”.

Theo ông Huỳnh Tấn Nhật, vì khối lượng công việc tương đối nhiều như vậy nên có những cán bộ của địa phương làm việc gần như không có ngày nghỉ. Những cán bộ tư pháp, xây dựng, LĐ-TB&XH… ngày làm việc  trong tuần lo tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho người dân, còn lại phải tranh thủ thứ Bảy, Chủ nhật để làm việc chuyên môn. Tại trụ sở cơ quan, có những phòng của kế toán, công an, tư pháp, xây dựng lúc nào cũng thấy mở cửa và có người làm việc. “Ở xã Tam An, thực ra, ngày cuối tuần mới là thời điểm phức tạp và phát sinh nhiều vấn đề như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, cờ bạc, khai thác cát trái phép,… Không có quy định nào bắt buộc cán bộ phải đi làm ngày nghỉ nhưng bản thân tôi và nhiều cán bộ xã cũng tự giác đi làm để tranh thủ giải quyết công việc. Tuy có cực nhưng thời gian mình gần với dân, nghe họ chia sẻ được nhiều hơn. Từ đó, công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân được thuận lợi để xây dựng địa phương tốt hơn” - ông Nhật nói.

HÀN GIANG - PHAN VINH

HÀN GIANG - PHAN VINH