Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao

XUÂN HIỀN 22/03/2019 07:58

Với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao”, Ngày thế giới phòng chống lao năm nay tiếp tục đưa ra các thông điệp cũng như hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao.

Tầm soát chẩn đoán và tổ chức điều trị cho người bệnh lao cần sự chung tay của cộng đồng. Ảnh: S.T
Tầm soát chẩn đoán và tổ chức điều trị cho người bệnh lao cần sự chung tay của cộng đồng. Ảnh: S.T

Cam kết của Việt Nam đưa ra tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 2018 với việc Việt Nam sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 trở thành động lực đối với ngành y tế nói chung và những người làm công tác phòng chống lao nói riêng trên cả nước. Theo đó, thách thức lớn nhất trong chương trình phòng chống lao hiện nay là sự tiếp cận chủ động của cộng đồng với các dịch vụ phòng, chống lao để phát hiện sớm cũng như điều trị khỏi tất cả thể lao. “Giải pháp cho tiếp cận chủ động đó là truyền thông giáo dục giảm thiểu kỳ thị mặc cảm về bệnh lao và có chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về mặt kinh tế cho mọi người dân, không còn rào cản nào khiến họ phải giấu bệnh hoặc bỏ trị. Quỹ Hỗ trợ người chiến thắng bệnh lao - PASTB đang phát huy tác dụng và làm sao để tất cả mọi người dân đều biết đến” - Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao quốc gia Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, TP.Hội An là địa phương được các tổ chức quốc tế cũng như quốc gia lựa chọn để triển khai mô hình Thành phố không bệnh lao (dự án ZTV). Ông Trần Ngọc Pháp - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, mục tiêu của dự án này là kết hợp các đối tác kỹ thuật và các tổ chức cộng đồng trong việc mở rộng và thực hiện mô hình chăm sóc bệnh nhân lao toàn diện tại 3 thành phố có tỷ lệ người mắc bệnh lao lớn nhất hoặc trung bình hoặc thấp nhất cả nước là TP.Hồ Chí Minh (164/100.000 dân), Hải Phòng (101/100.000 dân) và TP.Hội An (68/100.000 dân). Dự án góp phần tăng phát hiện bằng cách tầm soát người tiếp xúc bệnh nhân và tăng cường năng lực nhân viên y tế cộng đồng; cải thiện chất lượng chẩn đoán đúng quy trình và công nghệ chẩn đoán tăng cường; hỗ trợ tuân thủ, tránh tái phát bằng cách chăm sóc điều trị toàn diện, điều trị lao tiềm ẩn...

“Quảng Nam hiện vẫn duy trì tốt công tác chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống lao trên toàn tỉnh, thực hiện tốt dự án hướng đến thành phố không có bệnh lao (ZeroTB City) tại Hội An, thí điểm điều trị lao tiềm ẩn của trung ương tại Quảng Nam. Đào tạo chuyển giao hoạt động viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và hen phế quản trên toàn tỉnh. Ngoài phòng chống bệnh lao, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch còn đảm nhiệm hoạt động phòng chống bệnh phổi khác. Trong đó đang triển khai phòng chống bệnh hen và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính với việc quản lý hơn 1.000 bệnh nhân. Đồng thời duy trì Câu lạc bộ Hen và COPD hàng quý” - ông Trần Ngọc Pháp cho biết.

Tuy số người mắc bệnh lao tại Quảng Nam thấp hơn so với cả nước nhưng mỗi năm, toàn tỉnh vẫn phát hiện khoảng trên 1.500 bệnh nhân lao. Bên cạnh triển khai dự án phòng chống lao tại 18/18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch còn tổ chức khám, phát hiện chủ động bệnh nhân lao trong cộng đồng. Việc ứng dụng kỹ thuật chẩn đoán, điều trị tiên tiến đã góp phần làm cho tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao các thể năm sau tăng hơn năm trước; rút ngắn dần số ngày điều trị nội trú trung bình của bệnh nhân. Cùng với việc đặt máy GeneXpert nhằm xét nghiệm tầm soát chẩn đoán bệnh nhân lao kháng thuốc, hiện nay Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đang thực hiện chiến lược DOTS - bệnh nhân uống thuốc, tiêm thuốc dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Qua đó, giúp người bệnh uống đúng các loại thuốc đều đặn theo một giờ nhất định và theo đúng phác đồ điều trị liệu trình 20 tháng...

Dần loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vẫn là một chiến dịch cần sự nỗ lực, chung tay của toàn xã hội nhằm “tìm kiếm, điều trị cho tất cả bệnh nhân lao” (Find.Treat.All. #EndTB) để không ai bị bỏ lại phía sau”.

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN