Phía không an toàn

C.B.L 21/03/2019 02:19

Năm 2019 được Hội LHPN Việt Nam chọn là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đầu tháng 3, lễ phát động rầm rộ diễn ra. Nhưng, cũng từ đầu tháng 3 đến nay, lại có quá nhiều vụ việc gây tổn hại nguy cấp cho phụ nữ và trẻ em đã xảy ra.

Vụ sàm sỡ một phụ nữ trong thang máy, mà đối tượng thực hiện hành vi vừa bị mức phạt 200 ngàn đồng, khiến nạn nhân “thất vọng và muốn dừng theo đuổi vụ việc vì quá mệt mỏi”. Cộng đồng mạng bày tỏ thái độ bức xúc, giễu nhại bằng cách “chế” ra hàng loạt kiểu vi phạm tương tự cho mức xử phạt hành chính này. Nó dấy lên mối lo ngại về sự mất an toàn đối với phụ nữ và cả trẻ em ở những nơi công cộng. Sự chỉ trích của cộng đồng, trong trường hợp cụ thể này, dù nặng đến đâu cũng không đảm bảo rằng, không còn xảy hành vi tương tự. Hành vi này, theo một luật sư, phải gọi đúng là quấy rối tình dục, không thể dùng chữ “cưỡng hôn” vì như vậy mức xử lý đi kèm sẽ quá nhẹ.

Vụ xâm hại bé gái 9 tuổi mà đối tượng được cho tại ngoại; sau đó vì áp lực của dư luận, đối tượng đã bị bắt giam trở lại. Vụ án đang được điều tra mở rộng theo tội hiếp dâm đối với bị can. Người nhà nạn nhân và dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng có quá nhiều câu hỏi đặt ra. Tại sao đối với chứng cứ rất rõ ngay từ ban đầu (bé bị gãy răng hàm dưới, chảy máu ở bộ phận sinh dục, rạn xương tay phải), cơ quan chức năng chỉ định tội là hành vi dâm ô chứ không phải là dấu hiệu của hiếp dâm? Và đứa trẻ sẽ còn phải đối diện với bao nhiêu lần nữa, buộc phải xới lại nỗi kinh hoàng khi quá trình điều tra, luận tội, xử án dự kiến là còn phải kéo dài?

Tương tự, vụ việc về hành vi cấu véo, sờ đùi, sờ mông 14 em học sinh của một thầy giáo cũng “chưa đủ cấu thành để chứng minh tội dâm ô”. Những đứa trẻ ở đó, bao giờ nỗi ám ảnh chấm dứt? Theo một số liệu cũ, được Bộ LĐ-TB&XH công bố năm 2017, từ năm 2011 - 2015, cả nước xảy ra 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Con số khô khốc nằm trong bản thống kê đáng sợ đó, rõ ràng vẫn mỗi ngày không ngừng lại, thì an toàn nào cho trẻ?

Vụ hàng trăm trẻ nhiễm sán nghi do thịt bẩn ở một trường mẫu giáo. Trong khi những đứa trẻ hoàn toàn không đủ khả năng tự vệ mà phụ huynh lại không đủ chứng cứ buộc tội thì người đứng đầu chính quyền phát ngôn rất phản cảm:  “Tỷ lệ trẻ nhiễm sán nằm trong bình quân cho phép”. Dù nguyên nhân được điều tra là gì đi nữa, cũng không cho phép có cái “tỷ lệ” như vậy đối với an toàn tính mạng dù - chỉ - là một đứa trẻ, chứ đừng nói ở đây là hàng trăm đứa trẻ.

Những văn bản pháp luật, chương trình, đề án về an toàn, an sinh cũng như xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử với phụ nữ của nước ta không thiếu. Việt Nam còn là quốc gia đầu tiên ở châu Á, và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em ngày 20.2.1990. Tuy nhiên, vẫn chưa thể giảm bớt những vụ việc đau lòng như kể trên. Khoảng trống/kẽ hở của các luật liên quan cần phải được xem xét lại.

C.B.L

C.B.L