Dạy "Prá Cơ Tu"
Thực hiện Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15.7.2010 của Chính phủ về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông, huyện Tây Giang đã xây dựng đề án và bắt đầu triển khai dạy đọc và viết “Prá Cơ Tu” (Tiếng Cơ Tu) trên quy mô toàn huyện.
Cô giáo Arất Mai Tình tranh thủ ôn từ ngữ trong cuốn “Prá Cơ Tu”. Ảnh: Đ.HIỆP |
Viết sách để dạy
Ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang là người có công lớn trong việc biên soạn cuốn sách “Prá Cơ Tu”. Ông Liếc cho biết, bảo tồn, phát triển ngôn ngữ Cơ Tu là việc làm rất cần thiết, nhất là khi thế hệ trẻ tiếp cận sớm với nền văn hóa hiện đại, nguy cơ nhiều người không biết tiếng mẹ đẻ của mình. Theo ông Liếc, chữ viết của người Cơ Tu ra đời vào khoảng năm 1957, do một số cán bộ Ban cán sự miền tây Quảng Đà biên soạn, phiên âm theo dạng ký tự Latinh để phục vụ công tác tuyên truyền, dân vận đồng bào Cơ Tu tham gia kháng chiến chống Mỹ. Tiếc là sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chữ viết này bị lãng quên.
Theo ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, trước đây Tây Giang đã mở 3 lớp dạy tiếng - chữ viết Cơ Tu cho cán bộ người Kinh lên công tác. Xong khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ tương đương với chứng chỉ B2 Anh văn do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cấp. Tuy nhiên, việc học này chưa đem lại hiệu quả lâu dài, còn mang tính chất đối phó. Bộ sách “Prá Cơ Tu” ra đời sẽ khắc phục những nhược điểm trên. Bộ sách gồm 5 chương, 70 bài, 252 tiết (thời gian học khoảng 3 tháng). Về nguyên tắc, người học chữ này cần phải nhớ 5 âm chính, 2 phụ âm, 5 âm dài, 3 luyến khó, 4 thanh dấu và bài tổ phụ âm gồm 20 chữ. |
Sau gần 10 năm nghiên cứu (2007 - 2017), ông Bh’riu Liếc viết cuốn “Prá Cơ Tu” nhằm phục vụ việc dạy chữ Cơ Tu cho cán bộ, nhân dân và học sinh huyện Tây Giang. Cuốn sách “Prá Cơ Tu” đã được Hội đồng Khoa học và công nghệ tỉnh nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh vào giữa tháng 5.2017. Sách “Prá Cơ Tu” cũng đã được Sở GD-ĐT chọn làm tài liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu cho giáo viên khi dạy ngôn ngữ Cơ Tu trong các trường phổ thông ở Quảng Nam. Chữ viết Cơ Tu có vai trò rất quan trọng trong gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như hỗ trợ cho việc dạy học ở các trường phổ thông và cho cán bộ đồng bằng lên công tác. “Việc đưa vào giảng dạy chữ viết CơTu cho học sinh trên địa bàn huyện là rất cần thiết. Những năm qua, Tây Giang đã và đang nỗ lực để gìn giữ chữ viết Cơ Tu của mình và khuyến khích mọi người tham gia học” - ông Liếc nói.
Đào tạo giáo viên
Để triển khai chương trình dạy tiếng - chữ viết Cơ Tu trên địa bàn huyện, trước tiên phải có nguồn giáo viên giảng dạy. Đầu tháng 3.2019, huyện Tây Giang mở lớp dạy tiếng - chữ viết Cơ Tu cho 30 cán bộ, giáo viên, hầu hết là người Cơ Tu. Ông Hồ Văn Tịnh - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết thực hiện Nghị định số 82 của Chính phủ, được sự đồng ý của Sở GD-ĐT, huyện Tây Giang đã xây dựng kế hoạch và triển khai việc dạy tiếng - chữ viết Cơ Tu cho học sinh phổ thông và cán bộ, nhân dân toàn huyện. Theo ông Tịnh, trước mắt huyện sẽ đào tạo nguồn giáo viên, sau đó họ về dạy lại. Phần lớn học viên là giáo viên, cán bộ và cả bộ đội biên phòng đang đóng chân trên địa bàn huyện. Ông Tịnh cho biết thêm, do điều kiện công tác nên thời gian học hiện nay được triển khai vào thứ Bảy và Chủ nhật và dạy cả vào ban đêm.
Giáo trình tiếng Cơ Tu được ông Bh’riu Liếc biên soạn và dạy trên phần mềm vi tính. Ảnh: Đ.HIỆP |
Tham gia lớp học, cô giáo Arất Mai Tình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang chia sẻ: “Dù là người Cơ Tu, từ nhỏ đã nghe, đã nói tiếng “mẹ đẻ” của mình nhưng vẫn chưa biết cách viết, đây là một thiệt thòi rất lớn. Hôm nay, mình đi học trước mắt là để biết viết, biết đọc cho chuẩn. Sau đó, mình về lại trường tổ chức dạy lại cho học sinh”. Cô Tình cho rằng, nếu không sớm triển khai dạy chữ Cơ Tu trong trường học, thì tiếng nói, chữ viết Cơ Tu có nguy cơ mai một. Thế hệ trẻ người Cơ Tu sẽ dễ quên chính ngôn ngữ gốc của mình, bản sắc văn hóa dân tộc từ đó cũng dễ mất đi.
Thượng úy Đặng Đức Dũng (cán bộ Đồn Biên phòng A Nông) cho biết, dù không nằm trong danh sách đào tạo nhưng đơn vị vẫn cử cán bộ tham gia lớp học và được huyện đồng ý. Đối với các bộ, chiến sĩ biên phòng, học tiếng - chữ viết Cơ Tu là rất cần thiết. Biết tiếng nói, chữ viết của đồng bào nơi đây thì họ nói mình mới hiểu. Mình nói được tiếng của đồng bào thì người dân cũng sẽ rất thích, nhờ đó mà việc tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên có hiệu quả hơn. “Viết, đọc tiếng Cơ Tu đối với người Cơ Tu đã khó, đối với người Kinh như mình càng khó hơn. Biết vậy, nhưng mình vẫn quyết tâm học để sau này về dạy cho các chiến sĩ trong đơn vị” - Thượng úy Đặng Đức Dũng nói.
Dù bận nhiều công việc, nhưng ông Bh’riu Liếc vẫn tranh thủ thời gian cuối tuần để dạy học. Ông bảo, viết sách và dạy chữ là hai niềm đam mê của ông từ nhỏ. Nhờ nhiều năm nghiên cứu, tự học nên khi dạy ông sẽ dễ triển khai và học viên dễ học, dễ hiểu. “Thế hệ trẻ ngày nay tiếp cận sớm với nền văn hóa hiện đại nên có nhiều trường hợp không biết tiếng mẹ đẻ. Nguy cơ thất truyền tiếng nói - chữ viết Cơ Tu là có thể xảy ra, do đó chương trình dạy tiếng Cơ Tu là một giải pháp hữu hiệu” - ông Liếc nói.
ĐÌNH HIỆP