Báo động ô nhiễm ở bến cá
Do hạ tầng yếu kém, không xử lý nước thải bài bản nên các bến cá trên địa bàn tỉnh lâm vào tình cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, không dễ giải quyết vấn đề này trong ngày một ngày hai.
Các ngành chức năng của tỉnh, huyện Thăng Bình, xã Bình Minh khảo sát thực trạng bến cá Tân An. Ảnh: QUANG VIỆT |
Bừa bộn chất thải
Bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) lênh láng nước thải trong buổi bình minh hay chập tối. Nhiều tiểu thương, đầu nậu thu mua hải sản xoắn cao quần áo vì nước bẩn văng tứ phía. Chủ các ghe thuyền sau nhiều ngày thu mua hải sản trên biển trở về bến cá An Lương đã ướp đá, sơ chế ngay cầu cảng. Chất thải từ cá, mực chảy thẳng xuống sông đen ngòm. Mùi tanh bốc lên nồng nặc. Chủ các tàu cá khiêng vác thẳng cá lên bờ để bán, nước chảy từ các sọt cá cũng gây mùi tanh hôi rất khó chịu. Hiện tại, bến cá An Lương không có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết các phương tiện thu mua hải sản về chế biến ngay trên sàn tàu, tất cả đồ phế thải, nước rửa hải sản đều được hất đổ xuống sông. Dọc dài hai bên bờ sông, hàng trăm tàu khai thác hải sản đang neo đậu, thu mua đá cây, lương thực, thực phẩm, nước uống để chuẩn bị cho chuyến ra khơi cũng đã xả thải rác sinh hoạt, đặc biệt là túi ny lon xuống sông gây ô nhiễm cả trên bờ lẫn dưới nước. “Chúng tôi tuyên truyền, vận động các tiểu thương, đầu nậu, doanh nghiệp mua bán hải sản, ngư dân giữ gìn vệ sinh chung quanh các khu vực của bến cá nhưng ô nhiễm vẫn diễn ra, không dễ gì khắc phục triệt để” - ông Thống nói.
Bến cá Tân An (xã Bình Minh, Thăng Bình) nhộn nhịp kẻ mua người bán từ sáng tinh mơ sau khi các tàu thuyền đánh bắt hải sản cập bến. Bến cá này cũng chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hạ tầng quanh bến cá rất sơ sài, nhiều khu vực chưa được đầu tư đường bê tông, thiếu điện, nước sạch. Nước thải, nước ướp cá chảy tràn ra lề đường khi các tiểu thương khiêng vác các sọt cá cho lên xe đông lạnh chờ sẵn. Rác thải được vứt bỏ quanh các lối đi trong khu vực bến cá. Mùi tanh nồng khiến nhiều người bịt mũi khi qua khu vực này. Theo ông Phan Phước Đồng - Chủ tịch UBND xã Bình Minh, nguyên nhân chính của việc ô nhiễm môi trường ở bến cá Tân An là do ngư dân, tiểu thương thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh khi khiêng vác, bốc dỡ, sơ chế hải sản. Hiện tại, bến cá Tân An hoạt động hoàn toàn tự phát, không có ban quản lý để sắp xếp, điều tiết các hoạt động mua bán, khiêng vác, chuyên chở hải sản.
Bến cá Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) cũng có chung thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều hộ dân sống quanh bến cá Thanh Hà đã nhiều lần bức xúc, kiến nghị các ngành, các cấp giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm. Không chỉ vậy, các hệ sinh thái khu vực ven sông, ven biển cũng đã bị ảnh hưởng do nước và chất thải chưa được kiểm soát chặt chẽ từ bến cá đổ ra...
Cần giải pháp căn cơ
Ông Nguyễn Văn Thống cho biết, bến cá An Lương hiện có 3 cầu cảng do tư thương trên địa bàn đầu tư để đón các phương tiện khai thác hải sản cập bờ bán mua hải sản. Cả 3 chủ cầu cảng này đóng góp tiền thuê mặt bằng cho địa phương với mức 2 triệu đồng/năm. Việc xả thải bừa bãi, kinh doanh lộn xộn, giành giật khách hàng dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng 3 chủ cơ sở này vẫn chưa khắc phục được. Để phần nào giải quyết tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, UBND xã Duy Hải đã huy động đội dân quân thôn An Lương gồm 4 người túc trực quanh bến cá để giữ trật tự, sắp xếp việc buôn bán hải sản. “Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất UBND huyện Duy Xuyên quy hoạch, huy động vốn ngân sách, kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp để kiện toàn hoạt động kinh doanh hải sản tại bến cá An Lương. Chỉ mong bến cá An Lương được đầu tư lại, kiên cố hơn, bề thế hơn, có ban quản lý bến cá, đưa các hoạt động kinh doanh hải sản bài bản, nề nếp, ổn định” - ông Thống nói.
Ông Phan Phước Đồng cho biết, xã đã kiến nghị huyện Thăng Bình và UBND tỉnh huy động ngân sách để đầu tư xây dựng, nâng cấp bến cá Tân An thành cảng cá Tân An, đáp ứng nhu cầu buôn bán hải sản cho ngư dân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc này chưa thể thực hiện. “Huyện Thăng Bình đang xây dựng quy hoạch đô thị Bình Minh. Trong quy hoạch này, bến cá Tân An sẽ được sắp xếp lại, có thể sẽ bố trí ở địa điểm khác, rồi sau đó mới huy động các nguồn lực để đầu tư” - ông Đồng nói. Theo ông Đồng, nếu được đầu tư lại bến cá Tân An thì bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải, phân chia từng khu vực mua bán hải sản, bán nước đá, các nhu yếu phẩm hay ngư lưới cụ riêng, đảm bảo hoạt động bài bản của một khu hậu cần nghề cá cho cả huyện Thăng Bình.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tỉnh đã và đang huy động nhiều nguồn ngân sách để đầu tư cho 2 cảng cá Tam Quang (Núi Thành) và Hồng Triều (Duy Nghĩa), đáp ứng nhu cầu kinh doanh hải sản và các dịch vụ nghề cá ở 2 đầu của tỉnh. Đối với các bến cá có quy mô nhỏ khác như Tân An, Thanh Hà, An Lương, chính quyền các huyện, thành phố phải tự huy động vốn hoặc lập dự án đưa vào đầu tư trung hạn của tỉnh để có thể tiếp cận ngân sách đầu tư. Trước mắt, các địa phương cần giữ gìn vệ sinh ở các bến cá, hạn chế bức hại môi trường, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho đời sống.
VIỆT NGUYỄN