Đà Lạt, quy hoạch và nỗi buồn ở lại
Đang có rất nhiều tranh cãi trong người dân và cả giới chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc đô thị xung quanh việc Lâm Đồng công bố bản Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt). Sẽ có một “Sài Gòn trên cao nguyên” là điều dễ hình dung nhất từ bản quy hoạch vừa công bố.
Ngạc nhiên là, nhiều thành phố trên nước ta, chính quyền luôn khẳng định, bản sắc đô thị không thể thiếu di sản quá khứ; nhưng hình như, những bản quy hoạch thì trả lời ngược lại. Một khu thương mại phức hợp cao tầng thay cho khu Hòa Bình hiện tại. Cụm khách sạn cao cấp sẽ thay cho khu Dinh Tỉnh trưởng hiện tại. Khu Hòa Bình có từ khoảng năm 1935. Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng từ khoảng năm 1910.
Dinh Tỉnh trưởng ngày cuối tuần vắng lặng. Sự hoang liêu phả lại từ những gốc thông, tùng cổ thụ càng tôn thêm vẻ mê hoặc của tổng thể kiến trúc khu vực dinh. Đứng ở vị trí đắc địa nhất nhì Đà Lạt này, có thể bao quát toàn cảnh thành phố. Theo bản phối cảnh được chính quyền tỉnh Lâm Đồng công bố, khu vực này sẽ trở thành khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Tại đây, một cụm khách sạn cao cấp với kiến trúc mái tròn, cao tầng sẽ xây dựng ngay trên đỉnh đồi dinh.
Từ bản quy hoạch đến chủ trương đầu tư, chọn nhà đầu tư và triển khai thi công: muốn dài sẽ dài, muốn ngắn sẽ ngắn. Viễn cảnh mốt mai mọi thứ được thay thế hoàn toàn, sẽ không còn quá xa. Trống rỗng ký ức, Đà Lạt còn lại gì cho tương lai?
Với Đà Lạt, tôi chỉ là người qua đường tương tư những vạt dã quỳ hun hút vàng. Năm 2001, lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt. Mãi 18 năm sau, tôi mới có dịp trở lại nơi này. Vệt ký ức đậm đặc, về một thành phố mù sương và những con dốc dài với đồi thông chập chùng, ám ảnh, níu kéo tôi nhiều năm trước, giờ không thể tìm thấy nữa. Không thể quờ tay là có thể chạm hơi lạnh quanh mấy vạt cỏ hoa dại ven đường, như trước. Ban ngày, Đà Lạt nóng không khác gì đồng bằng ven biển miền Trung. Thông, hình như chỉ còn nhiều ở khu di sản Pháp (đường vòng kéo dài từ đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ) và quanh khu hồ Xuân Hương, đồi Cù, hồ Tuyền Lâm (chứ không phải nhìn đâu cũng thấy thông, như trước).
Ở một quán cà phê trên cao nào đó, nhìn ra, nhìn ra và nhìn ra chút nữa, dễ chạm ngay những mảng khối bê tông của nhà cao tầng và tấm sáng lóa nhà kính từ các trang trại. Hoa trăm ngàn loại, có lẽ nhiều hơn xưa, nhưng cái vắng lặng và trầm buồn của thành phố đã không còn. Như bao nơi chốn khác, Đà Lạt hay Hội An, khi “hot” trên bản đồ du lịch, là gồng mình ngộp thở giữa triệu triệu bước chân du khách đổ về.
Tư duy mét vuông của doanh nghiệp, tư duy nhiệm kỳ của chính quyền, sự thờ ơ hoặc bất lực của người dân hay là gì nữa, đã và đang làm biến mất các di sản đô thị hiếm hoi còn lại từ quá khứ?
C.B.L