Người đàn ông và kỷ lục bút
Năm 2017, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận là người có bộ sưu tập bút nhiều nhất nước với 2.500 cây, đủ các loại, đủ kích cỡ. Tháng 7.2018, Tổ chức Kỷ lục châu Á tiếp tục trao cho ông danh hiệu này. Hiện ông đã hoàn chỉnh hồ sơ để Tổ chức Kỷ lục thế giới xác lập danh hiệu. Ông là Nguyễn Văn Xáng, bác sĩ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng với một trong những cây bút “cỡ bự” trong bộ sưu tập của ông. Ảnh: TRẦN ĐĂNG |
Ông Xáng quê tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng vô định cư ở Nha Trang từ năm 10 tuổi rồi tốt nghiệp trung học tại thành phố biển này. Năm 1978, trong lúc ông đợi giấy gọi nhập học Đại học Y Huế thì lại nhận giấy gọi nhập ngũ. “Tôi không có quyền chọn lựa giữa hai “giấy báo” đó để đưa ra quyết định cho đời mình mà Tổ quốc đã “chọn giúp” cho tôi” - ông Xáng nhớ lại câu chuyện ông cùng bè bạn ở Nha Trang lên đường nhập ngũ đánh Pon Pot từ hơn 40 năm trước. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường K, ông Xáng mới về Huế tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình: trở thành bác sĩ tai-mũi-họng.
Những tưởng bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng như ông thì chỉ “mê” dao kéo và đèn rọi vào… tai và họng, ông lại đam mê sưu tầm bút. Trái khoáy như vậy nhưng niềm đam mê ấy lại bắt nguồn từ một câu chuyện của tuổi thơ ông ở tận Thừa Thiên Huế từ hơn nửa thế kỷ trước.
Bút lá tre và cậu học trò nghèo
Ông Xáng sinh ra ở một làng quê nghèo của Thừa Thiên Huế, lại mồ côi cha nên cơ hội đến trường như bao bạn bè cùng lứa của ông gần như không có. Gần nhà ông Xáng có ông giáo làng làm nghề “gõ đầu trẻ” mà tiền thù lao cho ông giáo đôi khi chỉ là dăm ba lon gạo và chục trứng vịt, trứng gà. Rẻ như vậy nhưng mẹ ông Xáng cũng đành cam chịu nhìn con “thèm chữ” mà gạt nước mắt chứ lấy đâu ra gạo và trứng gà để trả công cho thầy. Hàng ngày hai anh em ông Xáng tha thẩn trong làng nhưng “tiết mục” ngó trộm lũ trẻ ê a nơi lớp học đầu làng thì ông không bỏ qua bữa nào.
Thấy “hai thằng cu” mặt mũi khôi ngô, lại hay dòm dỏ vào lớp học mỗi sáng bằng ánh mắt thèm thuồng, ông giáo gợi ý: “Hai cháu có muốn học không?”. Ông Xáng gật đầu thật lẹ như thể sợ thầy giáo đổi ý. Nhưng câu chuyện tiếp theo của hai đứa trẻ mới là bài toán khó giải: viết và tập vở lấy đâu ra bây giờ? Ông giáo làng giải luôn bài toán khó ấy! “Cũng chẳng đáng là bao để có thể sở hữu hai thứ ấy (tức cây bút và tập vở) nhưng công việc đồng áng hầu như đã hút hết tâm lực của mạ tôi. Có lẽ ông giáo làng đã thấu hiểu cảnh nghèo ấy của gia đình tôi nên ông đã dang tay đón anh em tôi vào lớp với món quà quá đỗi bất ngờ là mỗi đứa một cây bút lá tre và một tập vở. Công cuộc đánh vật với con chữ của tôi bắt đầu từ đó” - bác sĩ Xáng nhớ lại câu chuyện đã lâu nhưng vẫn luôn ám ảnh lấy ông hơn 50 năm qua.
Hành trình sưu tập bút
Cây bút lá tre cùng tập giấy đã theo Nguyễn Văn Xáng cho đến hết bậc tiểu học, trước khi gia đình ông chuyển vào định cư ở Nha Trang. Như bao đứa trẻ khác thời ấy (trước năm 1975), cây viết lá tre và lọ mực vẫn tòng teng bên người mỗi sáng đến trường, ông Xáng cũng chả phải bận lòng chi câu chuyện cũ ấy nếu như ông không gặp một cơ duyên. Đó là năm 1995, bác sĩ Xáng được cử đi tu nghiệp bên Đức. Ngày tốt nghiệp, vị giáo sư người Đức đã tặng ông hai món đồ lưu niệm. Một là chiếc đèn pin dùng để soi rọi vào tai và họng của bệnh nhân khi hành nghề, hai là cây bút với hình thù rất ngộ. Thay vì nâng niu trân quý chiếc đèn pin vì nó sẽ giúp ông trong công việc khi về nước, bác sĩ Xáng lại bị cây bút ngồ ngộ kia ám ảnh. Chính nó đã lay thức ông câu chuyện năm xưa về cậu học trò nghèo là ông với khát khao được đến trường và món quà là cây bút lá tre cùng tập vở của ông giáo làng. Một ý nghĩ chợt lóe trong đầu ông: Tại sao mình không sưu tầm bút nhỉ? Và rồi công việc sưu tầm bút của một vị bác sĩ bắt đầu từ đó. Tính đến nay đã 24 năm rồi. Bộ sưu tập với 2.500 cây bút đủ các kiểu dáng, kích cỡ là một con số “kỷ lục” vậy.
Bộ sưu tập độc đáo
“Tôi cứ ám ảnh về câu nói của vị giáo sư người Đức khi ông tặng tôi món quà lưu niệm trước khi về nước: “Bây giờ anh có thể sử dụng đủ các phương tiện để thể hiện suy nghĩ của mình lên trang giấy hoặc trên máy tính, song cây bút là thứ không thể thiếu đối với chúng ta. Nó đã và luôn dẫn dắt chúng ta vào kho tàng của tri thức nhân loại. Chúc anh thành công!”. Bắt đầu từ hôm đó, hễ đi đến đâu, bác sĩ Xáng cũng để tâm đến chuyện sưu tầm bút. “Những chuyến công cán nước ngoài, thay vì mua đồ lưu niệm bằng các loại mỹ phẩm hay quần áo, tôi chuyển qua sưu tầm bút. Thú vui này đôi khi làm phiền đồng nghiệp và cả vợ con nữa, song nó như một định mệnh sai khiến mình vậy” - ông Xáng thổ lộ. Ông kể, có lần đi Hồng Kông, ông “vác” cây bút to như cổ tay, dài hơn nửa mét đi qua cửa kiểm tra an ninh trong sự ngỡ ngàng từ bao ánh mắt của các nhân viên hải quan ở đó. Hoặc đi Thái Lan, đi Singapore, ông hay lùng sục ở các “chợ trời” để sưu tầm những cây bút lạ và độc. Người viết bài này đã bị “hớ” khi nhìn vào chiếc tủ kính của bác sĩ Xáng đặt trang trọng nơi phòng khách: “Ông kiếm đâu ra những quả chuối, trái cam, quả cà chua ngồ ngộ này?”. Ông Xáng vỗ vai khách: “Bút đấy ông bạn!”.
Bộ sưu tập bút với cán bút là hình những trái cây quen thuộc. Ảnh: TRẦN ĐĂNG |
Thì ra, bộ sưu tập 2.500 cây bút của ông đều mang những hình thù vừa thân thuộc như quả cà, trái ổi vừa kỳ dị là hình dạng nhân vật cách điệu trong những câu chuyện cổ. “Năm 2009, khi ông Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ, tôi muốn sưu tầm cây bút có hình ông ấy. Biết thú đam mê của tôi, mấy ông bạn bên Mỹ phải toát mồ hôi để lùng sục cho ra cây bút như tôi yêu cầu. Nhiều khi “bệnh” nghiện bút cũng hành khổ anh em ghê lắm” - ông Xáng thú nhận sự phiền phức mà ông mang lại cho bạn bè, người thân. Tuy nhiên, những người bạn của ông đã thấu hiểu nỗi đam mê này và cùng ông chia sẻ. “Cây bút nào cũng có “số phận” của nó cả đấy. Như cây bút lá tre tôi kể với anh trên đây, nó dắt tôi đi qua bao miền cổ tích thuở ấu thơ, nó thành “bệ phóng” để tôi bước vào kho tàng tri thức của ngành y nữa đấy. Nhưng trên tất cả những gì đã nói, mỗi cây bút ấy ghi dấu một kỷ niệm của đời mình. Tôi không có thói quen viết nhật ký nhưng khi nhìn cây bút nào là tự nhiên ký ức về nơi ấy lại ùa về. Đó cũng là cách để tôi lưu giữ những “dấu chân” thời trai trẻ của mình” - ông Xáng trút bầu tâm sự.
Nhà ông Xáng dành riêng một gian để ông chứa nỗi đam mê của mình là những cây bút: đây là ngăn dành cho những cây bút khổng lồ, còn đây là ngăn dành cho những loại bút “hàng hiệu”, ngăn khác thì dành cho loại bút “có một không hai”, như cây bút lá tre mà ông cất công về tận ngôi làng mình ở Huế để lùng tìm cho bằng được.
Thủy chung không chỉ với... bút
Bạn bè bảo ông Xáng chung thủy với… bút. Tôi chơi với ông Xáng cũng đã lâu và thấy ở con người này có một sự thủy chung dành cho bạn đến kỳ lạ. Một đồng đội cũ của ông bị bệnh tâm thần “hết thuốc chữa”, thế mà ông Xáng đã “ra tay” cứu bạn, đến nay căn bệnh đã được đẩy lùi. Ông “cứu” không phải bằng cái nghề bác sĩ của mình mà bằng tình thương thôi. Cứ vài hôm ông lại ghé thăm bạn ở bệnh viện tâm thần cách Nha Trang hơn 20 cây số. Như việc sưu tầm bút, bác sĩ Xáng “đánh thức kỷ niệm” đời lính với bạn mình. Người đồng đội cũ như được tiếp thêm sức lực. Hôm được ra viện, những dòng đầu tiên mà ông Đinh Văn Báng (người bệnh tâm thần bạn ông Xáng) viết trên tấm thiệp chúc tết bằng cây bút mà bác sĩ Xáng giữ từ thời đi lính!
Cây viết ấy không còn là cây viết nữa. Nó như một phép màu về tình bằng hữu. “Anh Báng đây là cây bút lớn nhất của đời tôi” - ông Xáng nhìn bạn âu yếm, nói.
TRẦN ĐĂNG