Tháng 3, thăm đất Mê Linh

TRẦN TRUNG SÁNG 16/03/2019 03:54

Vào một buổi trưa tháng 3, chúng tôi đến thăm đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Từ phía đường lộ nhìn vào khu di tích, đã thấy ngay đền thờ Hai Bà  Trưng tọa trên một khu đất cao thoáng đãng.

Toàn cảnh Đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh. Ảnh: T.T.S
Toàn cảnh Đền Hai Bà Trưng tại Mê Linh. Ảnh: T.T.S

Tương truyền đền này được xây dựng rất lâu đời trên nền đất cũ của cung điện Trưng Nữ Vương. Theo chính sử, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi (nay thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh). Tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40 sau CN), trước sự áp bức, bạo ngược của Thái thú Tô Định, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đã phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Đây cũng là nơi hai bà gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết khi bị yếu thế trước quân giặc vào ngày 6.3 năm Quý Mão (năm 43 sau CN). Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử  và được tu sửa nhiều lần, đền vẫn giữ trên thế đất “trên con voi trắng” trong hình cao “Bạch tượng uyên hồ” (voi trắng uống nước trong hồ), mà đến tận ngày nay vết tích còn lưu lại ở những nơi như ao Mắt Voi, hồ Ao Bàng…

Phía ngoài hậu cung còn có một di tích cách mạng, là cây lụa già - hộp thư bí mật những năm 1943 - 1944, nơi nhà cách mạng Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng đã chọn làm một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19.8.1945.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi, sau khi bước qua tam quan là một khoảng sân  rộng lớn, hai bên tượng hai đàn voi đá (18 con tượng trưng cho 18 đời vua Hùng) chầu phục vô cùng sinh động, và ngay chính giữa là bia đá khắc lại lời thề của Hai Bà Trưng. Theo hướng dẫn viên, sau khi tập hợp lực lượng ở Phong Châu, Hai Bà đã cho binh lính vượt sông lập đàn thề trên bãi cát ở cửa sông Hát (cách đê hữu sông Hồng 6km, gần chỗ cửa Hát tách ra từ sông Hồng). Tại đây, Hai Bà tế cáo trời đất, tuyên bố khởi nghĩa: “Nay có người khác nói tên là Tô Định, lòng dạ chó dê, hăm dọa 4 phương, tham tàn bạo ngược, trời, đất, thần, người đều căm giận. Thiếp là cháu gái của Vua Hùng thuở trước, hôm nay đau lòng thương dân vô tội, dấy nghĩa trừ tàn nguyện xin các vị thần linh hội họp tại đàn này chứng giám và phù hộ cho thiếp. Thiếp là Trưng Nữ dấy binh dẹp giặc, che chở dân lành, thu phục lại muôn vật cũ của tổ tông. Không phụ ý trời, thỏa nguyện nơi đền miếu của các bậc đương các đời, không phụ sự trông đợi của tổ phụ nơi chín suối” (Phả lục về Trưng Nữ Vương).

Theo GS. Lê Văn Lan, trong bộ sử ca dân gian từ thế kỷ 17, sớm hơn “Đại Nam quốc sử diễn ca” hai thế kỷ - có tên cổ là “Thiên Nam ngữ lục”, Hai Bà đã tuyên thệ bốn câu thề được ghi lại được bằng lối viết văn vần của thế kỷ 17: Một, xin rửa sạch quốc thù/ Hai, xin khôi phục nghiệp xưa nhà (họ) Hùng/ Ba, kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn, xin vẻn vẹn sở công lệnh này. Theo GS. Lê Văn Lan, những lời thề sông Hát rõ ràng cao dày hơn điều đã được viết trong “Đại Nam quốc sử diễn ca”. Đặc biệt là cái “cấu trúc hình phễu” của nội dung những lời thề, đi từ rộng đến hẹp, từ chung đến riêng, nói rõ việc trả thù cho sự mất nước - “quốc thù” (không phải “thù chồng”) - mới là nguyên nhân đầu tiên và lớn lao của cuộc khởi nghĩa.

Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1980. Đền được tu bổ tổng thể vào năm 2003 - 2004 với sự đóng góp ngân sách và huy động từ nhân dân cả nước, đặc biệt là phụ nữ. Đến nay hầu hết hạng mục khu đền Hai Bà đã khá hoàn chỉnh. Bước vào bên trong là những công trình độc lập như: nhà tiền tế, nhà trung tế và hậu cung. Chính điện thờ Hai Bà và các bậc sinh thành. Hai bên thờ các nữ tướng và nam tướng theo Hai Bà khởi nghĩa. Bên trái cổng ra vào là nhà trưng bày hiện vật khảo cổ thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng, bao gồm các cỗ kiệu voi, rồng đá, ngai thờ, án gian… cùng 17 đạo sắc phong, và nhiều câu đối hoành phi, mang dấu ấn nghệ thuật thời Lê - Nguyễn.

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG