Chỗ dựa của phụ nữ bị bạo hành

HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU 14/03/2019 05:20

Là nơi các nạn nhân của bạo lực gia đình có thể tin tưởng tìm đến để được bảo vệ, giúp đỡ, nhiều mô hình “Địa chỉ tin cậy” do các cấp hội phụ nữ huyện Đại Lộc triển khai đã thực sự đem lại hiệu quả, phát huy vai trò trong cộng đồng.

Hội LHPN huyện Đại Lộc phối hợp tổ chức tuyên truyền về bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Ảnh: H.L
Hội LHPN huyện Đại Lộc phối hợp tổ chức tuyên truyền về bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Ảnh: H.L

Nơi lánh nạn

Phụ nữ - những đối tượng dễ bị tổn thương thường là nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ thực tế đó, mô hình “Địa chỉ tin cậy” ra đời ở nhiều địa phương của huyện Đại Lộc. Từ 18 mô hình ban đầu, đến nay 100% chi hội phụ nữ ở Đại Lộc đều xây dựng mô hình. Các “Địa chỉ tin cậy” được chọn là những người có uy tín cao trong cộng đồng hoặc là chi hội trưởng phụ nữ thôn, công an viên thôn, ban dân chính thôn…, phần lớn có kiến thức, kỹ năng và năng lực hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, có cơ sở vật chất để bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân.

Mỗi “Địa chỉ tin cậy” khi xây dựng được hỗ trợ một tủ thuốc y tế và 200 nghìn đồng/năm để trang bị vật dụng cứu thương có thể sơ cứu ban đầu nếu người cần trợ giúp bị thương tích do bạo hành. Mỗi địa chỉ đều phải ra mắt cộng đồng, được tuyên truyền về ý nghĩa của mô hình thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn. Ở những “Địa chỉ tin cậy”, khi tiếp nhận trường hợp đến lánh nạn, người phụ trách phải kịp thời báo lên ban dân chính, công an viên thôn, lãnh đạo hội phụ nữ cấp xã để cùng phối hợp có giải pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Mừng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc cho biết, từ 161 địa chỉ, đến nay mô hình phát triển trong toàn huyện được 172 “Địa chỉ tin cậy”. Các địa chỉ này không chỉ giúp phụ nữ thoát khỏi hành vi bị bạo hành mà còn thực hiện tốt công tác tư vấn, hòa giải các vụ việc bạo lực, xích mích, tiềm ẩn nguy cơ bạo hành trong các gia đình. “Với ý nghĩa thiết thực và hiệu quả trong cộng đồng, thiết nghĩ cần nhân rộng mô hình này tại từng khu dân cư, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, củng cố chức năng, vai trò hoạt động của những điểm này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ” - bà Mừng nói.

Những điển hình

Có 20 năm tham gia công tác xã hội và 10 năm đảm trách vai trò “Địa chỉ tin cậy”, chị Nguyễn Thị Hà - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Hà Thanh (xã Đại Đồng) được chị em trong thôn xem là chỗ dựa, nơi chia sẻ tâm tư, chuyện gia đình. Chị Hà cho hay, các cặp vợ chồng được chị giúp đỡ, hòa giải đều xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình như sự bất đồng quan điểm, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, ghen tuông mù quáng… Nhiều phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn đã tìm đến chị để được sẻ chia, giúp đỡ và chị không ngại khó, ngại phiền hà đứng ra hòa giải đôi bên, sẻ chia thấu tình đạt lý. Từ sự “mát tay” của chị, nhiều cặp vợ chồng đã hòa thuận quay về bên nhau. “Tôi đã can thiệp, giúp đỡ có ít nhất 20 trường hợp phụ nữ bị bạo hành. Điều khiến tôi ấm lòng là những cặp vợ chồng mâu thuẫn, lục đục đã quay về bên nhau, cùng chăm lo cho cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái” - chị Hà tâm sự.

Hay như bà Trần Thị Bảy (thôn Phước Yên, xã Đại An), một “Địa chỉ tin cậy” ra đời từ năm 2015. Bà Bảy là phụ nữ đơn thân, tham gia công tác xã hội rất tốt và có uy tín trong cộng đồng. Trong thôn, chị em gặp khó khăn hay bị chồng bạo lực đều tìm đến bà Bảy. Bà Bảy đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng từ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” hàn gắn được tình cảm, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc. Họ đã xem bà Bảy là ân nhân, bởi nếu không có bà, họ không hình dung được sự quý giá của hạnh phúc, khi mái ấm bị đổ vỡ và cuộc đời của những đứa trẻ. Chị Phan Thị Tám - Chủ tịch Hội LHPN xã Đại An cho biết, từ một mô hình điểm ban đầu, toàn xã Đại An hiện đã xây dựng được 11 “Địa chỉ tin cậy” và những mô hình này đã tạo được niềm tin nơi chị em phụ nữ. Nhiều chị em trên địa bàn xã còn tự nguyện trở thành “Địa chỉ tin cậy” cho chị em, kịp thời giúp đỡ nhiều trường hợp nạn nhân bị bạo lực...

Theo bà Nguyễn Thị Mừng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc, việc duy trì, phát huy hiệu quả của những “Địa chỉ tin cậy” là vô cùng cần thiết, do đó cần có sự quan tâm tích cực, sát sao hơn nữa của các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng dân cư. “Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục rà soát hiệu quả hoạt động, đồng thời tổ chức tập huấn kỹ năng và kiến thức cho đại diện của các “Địa chỉ tin cậy”. Chúng tôi mong cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí để những mô hình hoạt động hiệu quả hơn”- bà Nguyễn Thị Mừng nói.

HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU

HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU