Ngang qua mùa tỏi
Nắng băng qua trùng khơi, phả hơi nóng theo từng triền tỏi, những khuôn mặt nông dân cặm cụi như bao đời vẫn thế. Ngang qua mùa tỏi trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là những nỗi niềm đang chấp chới…
Những rẫy tỏi Lý Sơn xanh nhìn từ đỉnh Thới Lới. Ảnh: XUÂN THỌ |
1. Mới hơn 10 giờ sáng mà nắng như cháy da cháy thịt. Trên rẫy tỏi thuộc địa phận xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn), nhìn đâu cũng thấy cảnh người dân hối hả nhổ tỏi, một mùa thu hoạch tỏi lại về. “Tỏi tươi được bán chắc 40 nghìn đồng/kg” - ông Bùi Văn Thành nói với giọng dửng dưng. “Được” mà ông nói, là tỏi củ to, không hư hỏng. Với giá bán đó, trong cơn ngắc ngoải của tỏi Lý Sơn, là chấp nhận được. Có điều, rẫy tỏi nhà ông Thành không “được” như thế, nên trong cái nhăn nheo vì nắng, vì lam lũ, tôi chẳng dò tìm được thông điệp nào trên khuôn mặt người nông dân Lý Sơn. Cả 4 sào tỏi của ông Thành, đều bị gió “vật” hồi trước tết, lại thiếu nước tưới, nên không phát triển, cây nằm xiêu quẹo, củ nhỏ nhiều hơn to.
Tôi chạy qua rẫy bên cạnh, của một người đàn bà tên Thu, cũng cùng chung hoàn cảnh. Qua mấy rẫy tỏi của những người khác nữa, cũng chẳng khá hơn. Chỉ có những rẫy tỏi nào mà người nông dân chủ động nước tưới, mới thu được củ to, còn lại là chịu. Nhớ hồi gặp ông Phan Đình Điền trước tết, lúc ông đang cùng vợ nhổ cỏ tỏi, ông nói đùa mà cay: “Nhìn tỏi như thế này, mong là nó thành… tỏi cô đơn hết”. Một ký tỏi khô Lý Sơn thường, nếu giá được thì khoảng hơn 100 nghìn đồng; nhưng nếu là tỏi cô đơn, sẽ bán với giá hơn 1 triệu đồng mỗi ký. Nhắc tỏi cô đơn mới nhớ, năm ngoái, chính câu chuyện tỏi đen cô đơn Lý Sơn bị một doanh nghiệp giả mạo trên sóng truyền hình, đã “góp phần” dìm giá tỏi Lý Sơn xuống đáy trong cơn sóng lao đao.
Người dân Lý Sơn thu hoạch tỏi. |
Người Lý Sơn có một quan niệm, trồng hành là bán ăn liền, còn tỏi là của để dành, mà quen gọi là trữ. Họ trữ để khi nào tỏi có giá thì bán, nhưng năm rồi, giá tỏi xuống rất thấp, có lúc chỉ 25 nghìn đồng/kg. “Của để dành mà với giá đó, sao mà bán được?” - bà Thu đặt ngược câu hỏi với tôi, rồi tự mình nói tiếp: “Nhưng cũng bán lần bán hồi, để kiếm mấy đồng đi chợ”. “Vậy là tình hình này, năm nay cô trữ nữa?” - tôi hỏi. Bà Thu gật đầu, rồi quày quả đi gom mấy đùm tỏi lại để chở về nhà. Cuộc đời của bà, gắn chặt với tỏi như vậy, từ lúc bé cho đến tuổi 63 với không ít sợi tóc bạc. “Vậy mà chưa có lần nào, tôi thấy giá tỏi thê thảm như năm rồi”, cái câu đó, trong vài chục phút nói chuyện ngắn ngủi, tôi nghe được bà Thu nói đi nói lại không dưới 5 lần!
2. Mỗi lần biết tin tôi về Lý Sơn, anh em bạn bè hay nhắn mua giùm ít tỏi, tất nhiên là gật đầu đồng ý. Nhưng luôn kèm câu hỏi ngược lại: “Tỏi Lý Sơn hay không phải tỏi Lý Sơn?”. “Tất nhiên là tỏi Lý Sơn chớ” - người nhờ mua giùm nhấn mạnh. Câu hỏi - đáp tưởng chừng như cho vui ấy, vậy mà nhiều khi nghĩ lại, chua chát ít nhiều. Càng chua chát hơn, khi chính tôi, một gã trai được sinh ra và lớn lên ở hòn đảo này, còn không dám tin những hàng tỏi mà người ta bày bán ở cầu cảng hay những chỗ nhiều khách du lịch, là tỏi Lý Sơn chính hiệu. Và, chua chát hơn nữa, khi mấy hôm trước, lúc dẫn một số các bạn tình nguyện viên về đảo thực hiện chương trình giảm thiểu rác thải nhựa, chính tôi đã ngăn cản họ mua tỏi ở những nơi này!
Trước tết, trên đường về quê, tôi ghé ra Đà Nẵng chỉ để gặp anh Phạm Văn Thắm, khi anh đang cùng một số người bạn của mình thực hiện chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ tỏi Lý Sơn”. Trước đó vài tháng nữa, cả đảo Lý Sơn như nhốn nhào bởi thông tin cả đảo còn tồn đọng khoảng 280 tấn tỏi và cần giải cứu. Nhớ không nhầm, hình như đó là lần đầu tiên người ta phải dùng từ “giải cứu” để… giúp bán tỏi Lý Sơn. Dù trước đó, câu chuyện tỏi mạo danh tỏi Lý Sơn, mà người ta quen gọi là “tỏi giả” đã xuất hiện rồi. Nhưng điều không mấy ai để ý, là sau lời kêu gọi và cả một chiến dịch ấy, chỉ giải cứu được chưa tới 50 tấn, rất khác xa với những cuộc giải cứu nông sản trước đó, mà dưa hấu là một ví dụ.
“Vì người ta không còn niềm tin nữa” - anh Thắm nói với tôi như vậy, trong một quán cà phê ở Đà Nẵng chiều cuối năm vừa rồi. Tôi thử làm một vài khảo sát và nhận được phản hồi tương tự điều anh Thắm nói. Chuyện giải cứu tỏi Lý Sơn, ở một khía cạnh nào đó, giống câu chuyện “chú bé nói dối”. Nghĩa là người mua đã nghĩ, cái loại tỏi đang kêu gọi giải cứu kia, chưa chắc đã là tỏi Lý Sơn. Còn tỏi thật - giả lẫn lộn, là một câu chuyện dài. Ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm về Thắm, về chàng thanh niên Lý Sơn đã rất nhiều lần ngược xuôi để tìm hướng giải cứu tỏi như đợt vừa rồi. Vì nhà anh vốn làm nông, cái hương vị cay nồng của tỏi, có lẽ ít nhiều đã thẩm thấu vào huyết quản anh. Nên trong những cơn ngắc ngoải của tỏi, anh cựa mình không yên.
3. Ngang qua những cánh đồng tỏi “không buồn mà cũng không vui này”, tôi chạy xe lên đỉnh Thới Lới, ngay cạnh hồ nước. Từ trên cao nhìn xuống, dáng người lom khom nhổ tỏi nhỏ xíu. Bất chợt tự hỏi, chẳng biết tự khi nào, cái vương miện mỹ miều “Vương quốc tỏi” được đội lên đầu những người nông dân Lý Sơn? Nhưng chắc một điều rằng, nó không phải đến từ số lượng mà thiên về chất lượng đặc trưng của cây tỏi Lý Sơn hơn, cũng là từ khí hậu, thổ nhưỡng mà ra. Là giữa chênh vênh biển trời, chắt lọc từng thớ đất thịt (đất đỏ bazan), từng lớp cát trắng được lấy từ biển, qua những đôi tay cần mẩn, những giọt mồ hôi tận tụy, đã tạo nên củ tỏi cay cay nồng nồng rất đặc trưng này.
Bữa ngồi nói chuyện với ông Phạm Thoại Tuyền, một người nắm rõ nhiều sử liệu Lý Sơn, mới biết rằng so với cây hành, thì cây tỏi xuất hiện sau hơn rất nhiều, đâu từ sau Hiệp định Giơnevơ. Còn cây hành, từ thời đội hùng binh giong thuyền đi Hoàng Sa, từ eo biển Thuận An, cây hành đã theo ghe bầu rời Thừa Thiên Huế để đến với đảo Lý Sơn. “Có một thời gian dài, người đất liền hay gọi “hành lao” hay “tỏi lao” là ý để nói nó được mang từ Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn vào” - ông Tuyền giải thích thêm. Và suốt dặm dài ấy, người Lý Sơn còn rong ruổi ghe bầu miết tận miền Nam, rồi ngược về các tỉnh miền Trung, chỉ để tìm giống cây hành hợp với Lý Sơn.
Nếu cây hành được mang ra Lý Sơn từ Thừa Thiên Huế, thì cây tỏi được “nhập khẩu” Lý Sơn từ Phan Rang (Ninh Thuận) từ những năm 1960. “Thời đó, có một số người Lý Sơn đi vào trong đó làm ăn, thấy chỗ này họ trồng tỏi nên cũng học theo, rồi mang về Lý Sơn trồng” - ông Tuyền cho biết. Tất nhiên, phương pháp trồng tỏi ở Phan Rang và Lý Sơn gần như giống nhau. “Nhưng sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng đã làm nên hương vị khác biệt của tỏi Lý Sơn, vì thế mà tỏi Lý Sơn thơm ngon hơn, nổi tiếng hơn” - ông Tuyền chia sẻ. Và chính bản thân ông, trong những năm tháng ấy, là những người ban đầu trồng tỏi Lý Sơn với nguồn giống được đưa từ Phan Rang về. Người đàn ông được gọi là “Nhà Lý Sơn học” còn cho biết, thời ấy, vì phân ure ít, người dân Lý Sơn thậm chí còn hòa phân vào nước biển để tưới cho rẫy tỏi của mình…
Dần dà, theo thời gian, cây tỏi đi vào tiềm thức người dân Lý Sơn. Không phải vì câu chuyện mưu sinh, mà nó còn đi sâu vào trong cuộc sống của người dân xứ đảo, mà dễ bắt gặp hàng ngày nhất, gần gũi nhất, đó là chén nước mắm. Nước mắm, xin khẳng định là nước mắm, chứ không phải là nước chấm, được làm nên từ những tép tỏi Lý Sơn giã nhuyễn với ớt, thêm ít gia vị vào, thì ngon tuyệt hảo. Ngang qua mùa tỏi Lý Sơn lần này, dù ít nhiều cảm giác cô đơn, nhưng vẫn còn cảm nhận được đâu đó cái hương vị thân quen, gần gũi ấy!
Ghi chép của XUÂN THỌ