Giá của điện

C.B.L 14/03/2019 01:53

Cuối tháng 3 này, dự kiến giá điện sẽ tăng 8,36%. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, với mức giá được điều chỉnh như vậy, so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh. Tin này có vẻ như chìm lấp đi, khi mọi sự chú ý đang đổ dồn về phía… nước mắm và danh mục thức ăn chăn nuôi; cơn sốt đất và chuyện xin ngân sách để đóng cửa mỏ vàng đang nợ ngập đầu.

Thực ra, chuyện chuẩn bị cho việc tăng giá điện đã được làm kỹ dư luận từ trước tết, hàng loạt thông tin về nguy cơ thiếu điện, giá than tăng cao, tỷ giá và hàng chục khoản tăng khác được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu thị trường, nhà khoa học, cả nhà quản lý cũng đưa ra nhiều phân tích về thời điểm tăng giá điện cũng như những tác động của việc này đến nền kinh tế.

Người dân thì không phải ai cũng đủ thông tin để biết được, những báo giá đầu vào tăng khiến giá bán điện tăng là chính xác tới đâu. Vì những lý do này khiến ngành điện phải bù lỗ hay bởi đầu tư ngoài ngành mà con số thua lỗ cứ tăng qua từng năm? Cho nên, cảm giác như với lượng thông tin được cung cấp về đầu vào – đầu ra; được nghe so sánh (dù ai cũng biết so sánh là khập khiểng) giá điện của Việt Nam hiện thuộc nhóm thấp (khi so với 25 nước phát triển và đang phát triển trên thế giới và khu vực) thì việc ấn định thời điểm tăng giá điện chỉ còn là động tác.

Sự tính toán tác động của việc tăng giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chuyện của nhà quản lý. Cũng như việc đánh giá ảnh hưởng của sự điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt không phải là việc của người tiêu dùng. Việc của người tiêu dùng, bây giờ là phải tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm, như khuyến cáo của bộ chủ quản “các hộ tiêu thụ nên sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm để vừa giảm áp lực phải trả tiền điện, vừa giúp giảm áp lực phải đầu tư vào các công trình điện”.

Không riêng người dân, doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn gấp bội khi phải cắt giảm chi phí sản xuất do giá điện tăng. Điện là ngành độc quyền. Nên trong trường hợp này, khách hàng không còn là thượng đế. Chưa kể, chỉ cần đụng đến ảnh hưởng của ngành điện đối với vấn đề nhạy cảm là an ninh năng lượng quốc gia, thì không có cơ hội cho việc bàn cãi, so đo vài trăm đồng cho mỗi kWh được.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, thì với mức giá tăng như vậy, tương đương với giá bán tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ. Do vậy, khi móc hầu bao chi trả thêm cho tiền điện hàng tháng, người sử dụng điện cũng chỉ biết, ừ, mong nước mình giàu mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ. Bởi tương tự như xăng dầu, người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác khi mọi sinh hoạt, sản xuất gần như hoàn toàn phụ thuộc vào điện.

Ngang qua gian hàng chợ chiều, gặp lúc bản tin VTV1 phát lúc 17h30 về giá điện, tôi nghe chị chủ lo lắng: “Xăng tăng. Điện tăng. Đất tăng. Lương tăng. Sao bó rau 5.000 mấy năm không tăng?”

C.B.L

C.B.L