Dưới chân núi Xuân Mãi
Gần một phần ba căn nhà, ông Nguyễn Văn Bé dành làm kho lúa giống - loại giống baton quý hiếm của đồng bào Bh’noong còn sót lại ở vùng đất này. Vì thế, ngày nào ông cũng nâng niu hạt lúa như những đứa con của mình, rồi tìm cách bảo tồn. Trong căn nhà gỗ dưới chân núi Xuân Mãi, hương lúa thoang thoảng mùi thơm, thật ấm lòng.
Ông Nguyễn Văn Bé. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Người tiên phong
Ở khu tái định cư Plây Kdhủh (thuộc thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn), đồng bào Bh’noong luôn xem ông như người tiên phong trong việc nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Noi gương ông, nhiều năm qua, đã có nhiều thanh niên Plây Kdhủh mạnh dạn đầu tư làm kinh tế, mở hướng thoát nghèo từ rừng. Điển hình như Hồ Văn Thịnh, Vũ Hoàng Vỹ… nhờ chăm chỉ trồng keo, chăn nuôi bò mà đã thoát khỏi nỗi ám ảnh về cái đói, cái nghèo, trở thành gương sáng của thanh niên miền núi. Câu chuyện đó được Bí thư Đảng ủy xã Phước Đức - Nguyễn Văn Mé kể lại trên đường chúng tôi tìm gặp ông - một “ân nhân” của nhiều gia đình ở Plây Kdhủh.
Thấy có khách, ông bước ra từ căn nhà gỗ đã nhuốm màu nắng gió, vồn vã như đã hẹn từ trước. Thoạt nhìn, ông khá rụt rè. Kiểu rụt rè đặc trưng, xen lẫn sự ngại ngùng, nhưng rất từ tốn của người miền núi. Vậy mà, khi đã có chút “thân tình”, ông “xả một tràng” đầy cởi mở. Ông nói, cho đến bây giờ, cũng không nhớ nổi đã trồng được bao nhiêu diện tích keo trong rừng. Bởi, khu đất nào của ông mà trống, dù là đất vườn hay đất rẫy, ngoài dành riêng một phần diện tích để tạo giống lúa baton, tất cả đều được dùng để trồng keo lai, kết hợp làm trang trại chăn nuôi. Miệt mài nhiều năm như thế, bây giờ, chỉ riêng đàn trâu bò đã hơn 30 con lớn nhỏ. Gia tài đó, ông nói là của con cháu, chứ không phải của mình. Bởi động lực lớn nhất của ông, chính là tạo nguồn để lo cho cháu con học tập, làm ăn sau này.
Vợ ông - bà Hồ Thị Nhông nhìn chúng tôi, góp lời, rằng ông lúc nào cũng nghĩ đến con cháu, nhiều khi là hơn cả bản thân mình, từ việc học hành cho đến chăm lo đời sống. Và ông làm gương, bắt đầu từ việc khuyến khích con cháu nỗ lực học tập. Cái chức trưởng thôn, bí thư chi bộ thời kỳ đó như một động lực giúp ông vượt qua mọi gian khó trong cuộc sống để làm tốt công tác dân vận với đồng bào. Hồi đó, cuộc sống khó khăn, con đường từ làng đến trường học phải lội qua nhiều đoạn suối. Hiểm họa chực chờ, không còn cách nào khác, ông đành cõng những đứa con của mình đến lớp, đều đặn quanh năm suốt tháng. Cho đến khi nhiều gia đình trong làng đã “quên” dần suy nghĩ bắt con trẻ ở-nhà-chăm-em để ba mẹ lên nương rẫy, ông mới cười khoái chí, tự nghĩ mình đã thành công theo đúng “kế hoạch” mà vốn dĩ chỉ mình ông biết.
“Ngày xưa đói khổ đến mấy, mình cũng ráng dành dụm để cho con cái ăn học. Vì mình nghĩ, chỉ có học cái chữ mới giúp được tương lai sau này bớt khổ, bớt đói nghèo”. Ông tâm niệm vậy, nên quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Trong số những đứa con của ông, bây giờ đã có người trở thành giáo viên, mang kiến thức về truyền dạy cho con em đồng bào quê hương miền núi. Cuối cùng, công sức và bao ước nguyện của ông cũng đã được hoàn thành, được đền đáp. Rồi ông lại cười. Nụ cười ẩn chứa niềm vui, như lúc đầu chúng tôi gặp nhau, khi ông biết những vị khách đến nhà cũng là “ta mooi” (người dân tộc thiểu số - NV). Mải miết theo những câu chuyện “của con cháu” - như lời ông bày tỏ, hay những việc làm mang tính tiên phong của già làng Bh’noong trong phát triển lao động sản xuất, cứ thế được kể, trong vắt như suối nguồn giữa ngày nắng xuân.
Giữ hương lúa baton
“Chừ mà tìm giống chuẩn lúa baton không còn nhiều đâu. Chỉ một số vùng còn giữ, nhưng cũng hiếm lắm rồi”. Ông nói về giống lúa truyền thống, mà lòng đầy nỗi trăn trở. Ở thời cái gì cũng hiện đại như bây giờ, bao nét truyền thống với ông và nhiều già làng Bh’noong khác, đôi khi chẳng buồn nói ra. Chính ông cũng từng nghĩ, khi mọi thứ giao thoa đến mức không thể nhận ra nét riêng ở vùng cao này, thì giống lúa baton cũng chỉ còn trong ký ức.
Những chùm lúa giống baton được ông Bé bảo quản trên giàn bếp, góp công sức cho dự án bảo tồn của địa phương. |
Có lúc, ông rùng mình khi lại nghĩ đến lễ hội tết mùa một ngày nào đó sẽ tự nhiên biến mất khiến giá trị văn hóa của tổ tiên bị thất truyền. Như giống lúa baton này, là nguyên liệu chính để làm ra những cặp bánh truyền thống, nếu không được gìn giữ, việc thực hiện nghi thức cúng tết mùa cũng khó có thể diễn ra. Vì thế, không còn cách nào khác, buộc đồng bào Bh’noong phải quyết tâm bảo tồn cho bằng được. “Mấy năm trời, tôi tìm kiếm khắp nơi, chỉ để khôi phục lại giống lúa này. Quý lắm. Bên phòng nông nghiệp huyện họ biết chuyện nên đặt hàng nhờ tôi hỗ trợ nguồn giống để thực hiện dự án bảo tồn”. Ông hồ hởi, rồi trực tiếp dẫn chúng tôi xuống căn nhà bếp, nơi ông chọn treo những giàn lúa giống theo hình tháp ngược trên giàn cao hơn mặt đất chừng quá đầu người. Đây là giống lúa baton chuẩn, không lai tạp, được ông dày công tìm kiếm và bảo quản. Ông giải thích, nguyên nhân treo trên giàn bếp là bởi hơi khói giúp hạt lúa thêm chắc mẩy, chống mối mọt rất tốt - đó cũng là cách mà người Bh’noong lưu truyền từ muôn đời trong việc chọn giống lúa chuẩn để gieo trồng. Nhưng để tìm ra giống lúa chuẩn thật sự không dễ dàng, đòi hỏi người chọn giống phải có kỹ năng, kinh nghiệm nhìn nhận thực tế, cũng như có sự am hiểu cao về khả năng phát triển của giống lúa rẫy. “Đây, những hạt lúa này nếu so với những hạt giống trên giàn bếp sẽ rất khó nhìn thấy được sự khác biệt, bởi hầu hết na ná giống nhau. Nhưng, nếu quan sát kỹ, ngoài kích thước nhỏ hơn, phía hai đầu hạt lúa này có thêm những sợi tua giống rễ, tạo nên điểm khác biệt thường thấy”. Vừa mở bao lúa, ông giải thích cho chúng tôi về cách phân biệt giữa lúa baton giống với baton thường. Nhưng thiệt tình, chỉ có người như ông mới phân biệt được chúng, dù chỉ trong một vài giây liếc mắt.
Ông kể, những năm gần đây, khi giống lúa baton khan hiếm dần, nhiều hộ bà con trong vùng phải tìm đến ông để xin giống về gieo rẫy. Ông chia đều mọi người và chỉ giữ lại cho mình một ít để giữ giống, chờ vụ mùa mới lại tiếp tục hành trình bảo tồn giống lúa baton quý hiếm. Bí thư Đảng ủy xã Phước Đức - Nguyễn Văn Mé nói với chúng tôi, rằng chính nhờ có lúa baton mà người Bh’noong giữ được lễ hội tết mùa như bây giờ. Bởi, gạo baton là một trong những nguyên liệu chính để làm ra thứ bánh sừng trâu đặc trưng, không thể thiếu của đồng bào Bh’noong trong ngày tết mùa truyền thống. Mà đúng thế. Giống lúa baton vì quý hiếm, nên cán bộ phòng nông nghiệp huyện mới đặt hàng nhờ ông tìm nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn nhất để địa phương làm đề án bảo tồn. Ông nhận lời bằng cả sự tận tâm, trách nhiệm, lẫn niềm tự hào vốn có, với mong muốn giữ hương lúa baton khỏi bị thất truyền. Theo kinh nghiệm của ông, giống lúa baton đạt chuẩn về chất lượng phải đảm bảo các yếu tố cơ bản như: hạt chắc, to và dài, bông lúa cho hạt đều, không bị lép. Vì thế, ông nói, đó cũng chính là cái khó nhất mà ông gặp phải trong quá trình tìm kiếm, khôi phục giống lúa baton quý hiếm này. Tận thấy ông dày công chọn lọc giống lúa từ khắp bản làng, nhiều người bày tỏ niềm vui và ủng hộ, giúp ông có thêm động lực với công việc bảo tồn giống lúa của đồng bào mình.
Cuối trưa, lấp lánh hình ảnh phản chiếu từ những tấm giấy khen, ngước mắt lên là thấy tên ông: Nguyễn Văn Bé, với huy hiệu 30 tuổi Đảng vừa được trao tặng. Chúng tôi tạm biệt ông ra về, từ dưới bếp, vợ ông chạy tới, đưa chiếc bao đựng vài ký gạo dặn mang về ăn thử. Ông khéo léo “khóa” sự từ chối của chúng tôi bằng triết lý người vùng cao vừa thân tình, gần gũi...
ALĂNG NGƯỚC