Nghĩ cho phố ngày sau
Cũng như nhiều thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ khác, nhiều tác nhân cản trở quá trình phát triển đô thị đang dần hiển hiện đối với Đà Nẵng và cần có những giải pháp tổng thể để giúp thành phố bên sông Hàn xứng đáng là “đô thị hạt nhân” của vùng.
Đà Nẵng cần phát triển vùng ngoại ô một cách căn cơ để giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm đô thị. Ảnh: H.S |
Áp lực từ giao thông
Không chỉ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, thị dân ở Đà Nẵng đã dần phải “làm quen” với tình trạng kẹt xe giờ tan tầm. Dân số Đà Nẵng hiện chưa đông (gần 1,2 triệu người) thậm chí so với các đô thị lớn ở nước ta là còn tương đối thấp nhưng do hơn 40% dân số lại tập trung ở 2 quận Hải Châu và Thanh Khê nên tạo ra sự ngột ngạt cho trung tâm đô thị. Theo số liệu từ Sở GT-VT Đà Nẵng, hiện mật độ đường cấp khu vực của thành phố chỉ mới đạt từ 6,15 đến 7,25 km/km2 (theo tiêu chuẩn quy định phải đạt từ 10,5 đến 14,5 km/km2). Việc dừng, đỗ xe tràn lan bất chấp giờ giấc tại các tuyến phố chính dẫn đến tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông trong thành phố. Từ giữa năm 2018, Đà Nẵng đã thực hiện cấm đỗ xe ngày chẵn, lẻ trên 34 tuyến đường và tiến hành phạt nguội nhiều trường hợp qua camera giao thông để giảm áp lực cho giao thông khu vực nội thành.
Với nhiều hộ gia đình ở Đà Nẵng, điều xa xỉ đối với họ không phải kinh phí để sắm một chiếc ô tô mà là một chỗ để đậu chiếc ô tô ấy. Không có gara, bất đắc dĩ chủ nhân đành phải tận dụng vỉa hè, khoảnh đường trước nhà để đỗ xe dù biết như vậy sẽ ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Ở trang “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” cứ dăm bữa cộng đồng lại thấy các phản ánh, than phiền của các hộ dân vì ô tô đậu bừa bãi cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường. Số liệu thống kê tương đối sẽ khiến nhiều người giật mình khi tỷ lệ đất dành cho đậu đỗ xe trong nội đô hiện chỉ chiếm 0,2% diện tích đất đô thị và 2,6% nhu cầu của thị dân có ô tô.
Nhu cầu về chỗ đậu, đỗ xe tại Đà Nẵng ngày càng lớn khiến áp lực lên giao thông đô thị ngày một tăng. Ảnh: H.S |
Vấn đề giải quyết hài hòa giữa giao thông đô thị và vận tải logistics từ cảng Tiên Sa ra tuyến đường Yết Kiêu - Ngô Quyền đến cầu Tiên Sơn hoặc về Quảng Nam cũng là vấn đề thời sự của TP.Đà Nẵng. Sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên trục đường này, cuối năm 2018 chính quyền thành phố phải đưa ra giải pháp tăng thời gian cấm xe container lưu thông trên trục đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn, nhưng đó chỉ là biện pháp tình thế bởi điều này tạo ra áp lực cho việc cung ứng, luân chuyển hàng hóa. Theo KTS. Hồ Phước Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Công nghiệp và đô thị Việt Nam chi nhánh miền Trung, dù cảng có trước hay sau đô thị thì ban đầu đường kết nối xuyên qua đô thị lúc còn quy mô nhỏ là chuyện bình thường. Mặt cắt đường Ngô Quyền hiện tại đủ cho phép làm đường trên cao rộng 10,5m hoặc trong tương lai khi thành phố đủ năng lực có thể thay thế tuyến đường này bằng hệ thống ống vận chuyển container tự động sẽ giảm rất nhiều chi phí vận chuyển.
Phương án cho tương lai
Theo đoàn nghiên cứu DaCRISS Đà Nẵng sẽ có một số kịch bản phát triển đô thị Đà Nẵng. Kịch bản phát triển đô thị tương lai theo quy hoạch đã có dự báo mức dân số 1,5 triệu người cho Đà Nẵng vào năm 2025. Trong khi kịch bản hướng tới sự phát triển đô thị đáp ứng những đòi hỏi về tăng trưởng nhanh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như yêu cầu về phát triển bền vững của thành phố bên sông Hàn thì đến năm 2025 Đà Nẵng sẽ đạt mốc 2,1 triệu dân. Theo TS-KTS Bùi Huy Trí - Sở Xây dựng Đà Nẵng, để đáp ứng được các chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường mang tính bền vững thì nhất thiết phải áp dụng các nguyên tắc quy hoạch cơ bản gồm đô thị nén và phát triển định hướng vận tải công cộng.
Hiện nay, bất động sản ở khu vực ngoại ô Đà Nẵng đang “nóng” lên từng ngày nhưng mật độ sử dụng đất vẫn chưa cao do có hiện tượng “sốt ảo”, găm đất đầu cơ dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp. Nếu quy hoạch căn bản được khu vực ven trung tâm và ngoại ô, Đà Nẵng sẽ giảm tải áp lực rất nhiều cho khu vực trung tâm, qua đó bảo vệ được cảnh quan đô thị và các giá trị truyền thống. Việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm thay vì khai thác tùy tiện như hiện nay cũng là điều quan trọng để có tầm nhìn tổng thể và tiết kiệm quỹ đất phát triển đô thị vốn ngày càng hạn hẹp ở thành phố này.
HÀ SẤU