Cát, sỏi lòng sông: Quy hoạch từ dưới nước đến bờ
Tài nguyên lòng sông đã và đang bị khai thác bất hợp lý có nguyên do từ hạn chế trong quản lý, thiếu đồng bộ trong quy hoạch. Làm gì để giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, tránh thất thoát, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng và bảo vệ tài nguyên, môi trường luôn là bài toán khó. Vì vậy, lần đầu tiên, Bộ Tài nguyên – môi trường dự thảo một nghị định riêng về loại khoáng sản đặc biệt này.
BẤT CẬP QUY HOẠCH
Từ “lỗi” quy hoạch mà nhiều đoạn sông bị khai thác quá mức. Trên bờ các bến bãi tập kết cát, sỏi tự phát hình thành, tiềm ẩn không ít hệ lụy tiêu cực.
Xung đột
Với trữ lượng cát khổng lồ ở bãi bồi ven sông Vu Gia - Thu Bồn, nhiều doanh nghiệp lập thủ tục hồ sơ xin khai thác và được UBND tỉnh chấp thuận. Điều đáng nói, các mỏ cát này qua thời gian tận thu và tác động của lũ lụt gây mất đất sản xuất, tạo ra xung đột căng thẳng giữa doanh nghiệp với người dân. Ví dụ, giữa năm 2016, UBND tỉnh đồng ý cho Công ty TNHH MTV Tư vấn 276 được khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên và thu hồi diện tích đất 2,51ha, do UBND xã Đại Thắng (Đại Lộc) quản lý, với thời gian khai thác theo công suất thiết kế là 4 năm 10 tháng. Tuy vậy, người dân làng Giảng Hòa (xã Đại Thắng) nhiều lần kịch liệt phản đối, đỉnh điểm là đầu năm nay người dân liên tiếp tụ tập đông người yêu cầu doanh nghiệp dừng tận thu cát vì cho rằng, suốt 3 năm qua công ty đã tổ chức khai thác rầm rộ, là tác nhân gây xói lở làng và đất canh tác. Mỏ cát lộ thiên này được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nằm trong quy hoạch, nhưng thực tế không còn phù hợp vì ảnh hưởng đến đời sống sản xuất người dân nên không được địa phương ủng hộ.
Theo Quyết định 3839 của UBND tỉnh ngày 28.12.2018 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sắp xếp bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 thì sau điều chỉnh, tỉnh chỉ còn 35 vị trí quy hoạch bến bãi tập kết cát, sỏi (Đại Lộc 18 vị trí, Duy Xuyên 8, Điện Bàn 4, Hội An 2, Thăng Bình 2, Nông Sơn 1). |
Trữ lượng cát, sỏi ở lòng sông Vu Gia qua địa bàn huyện Đại Lộc dồi dào nên trước đây nhiều doanh nghiệp ồ ạt “chạy” giấy phép khai thác. Tại xã Đại Đồng, có 3 mỏ cát dù được cấp phép nhưng do quá trình tận thu làm sạt lở đất buộc phải dừng hoạt động. Tuy vậy, thời điểm này Đại Lộc có không dưới 15 điểm mỏ khai thác cát được cấp phép. Sông Vu Gia đoạn từ cầu Hà Nha đến xã Đại Hiệp (giáp ranh với huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) dày đặc điểm khai thác và bãi tập kết cát sỏi. Riêng đoạn khu vực cầu Hà Nha xuôi về hạ lưu khoảng 2km có đến gần chục điểm lấy cát. Địa phương thừa nhận, doanh nghiệp thường nhắm vào vị trí lòng sông dồi dào trữ lượng cát, thuận lợi tập kết, vận chuyển đến nơi tiêu thụ, nhằm giảm chi phí kinh doanh. Việc cấp phép nhiều mỏ trên đoạn sông ngắn sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở cao. Thời gian qua, ở Đại Lộc, ngoài doanh nghiệp khai thác cát xung đột với người dân còn xảy ra mâu thuẫn làm ăn giữa các công ty với nhau trong tranh giành vị trí mỏ.
Quảng Nam đã phê duyệt quy hoạch về các loại khoáng sản, nhưng với cát sỏi thì mới ở tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn. Việc cấp phép thăm dò, khai thác căn cứ vào nhu cầu xây dựng tại chỗ. Tài nguyên lòng sông chưa được quản lý một cách tổng thể. Theo Sở NN&PTNT, quy hoạch cát, sỏi lòng sông của tỉnh còn mang tính cục bộ địa phương. Việc đánh giá, phân tích tác động tới dòng chảy, thủy lợi, đê điều đối với tình trạng khai thác quá mức cho phép chưa được nghiên cứu và đánh giá chính xác. Vì cấp phép khai thác dưới hình thức tạm thời cho một số doanh nghiệp có thời hạn ngắn hạn nên các doanh nghiệp chưa chú trọng nhiều đến báo cáo thăm dò, đánh giá trữ lượng và tác động tới môi trường.
“Loạn” bến bãi
Thực tế quy hoạch nhiều điểm mỏ cát, sỏi dân không đồng tình ủng hộ. Có doanh nghiệp vi phạm nhiều lần vẫn cấp phép. Trước đây khi cấp phép mỏ, ngành chức năng chưa tính toán mở đường vận chuyển và tổ chức lấy ý kiến người dân để tạo đồng thuận cao. Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng khai thác cát bừa bãi là do lỏng lẻo khâu quy hoạch quản lý bến bãi. Cát, sỏi cuối cùng vẫn phải đưa lên bờ. Tuy nhiên, hệ thống chính sách pháp luật vẫn chưa quản lý một cách thống nhất từ khi cát được khai thác cho đến khi được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Khi chưa có quy hoạch sắp xếp hệ thống bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh thì hầu như các địa phương mạnh ai nấy mở bến bãi. Vì vậy, UBND tỉnh nhiều lần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sắp xếp hệ thống bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi.
Trạm chốt chặn kiểm soát cát, sỏi trên sông đoạn thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong, Điện Bàn) luôn tức trực 24/24 giờ.Ảnh: T.H |
Thị xã Điện Bàn từng có ít nhất 19 bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, nhưng nay UBND tỉnh chỉ quy hoạch 4 vị trí tập trung ở phường Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, xã Điện Phước và Điện Phong. Thời gian qua, các chủ bến bãi, hộ cá nhân chưa đủ điều kiện cấp phép kinh doanh đã ngang nhiên hoạt động trái phép. Trước năm 2017, tại thị xã Điện Bàn, trong số 21 bến bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn thì có đến 20 điểm là “trá hình”, chưa có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa (9 bến bãi UBND các xã, phường cho thuê đất không đúng thẩm quyền; 11 bến sử dụng đất không đúng mục đích). Theo Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, việc chậm quy hoạch bến bãi tập kết cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường có nguyên do từ kẽ hở hành lang pháp lý, kể cả sai lầm trong tập trung quản lý tài nguyên khoáng sản ở dưới sông mà lơ là ngăn chặn trên bờ.
Ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở Giao thông - vận tải cho rằng, sở dĩ việc cấp phép bến bãi tập kết cát, sỏi gặp vướng mắc do lâu nay Sở Giao thông - vận tải và Sở Xây dựng có cách hiểu không thống nhất về khái niệm bến thủy nội địa nên nhiều trường hợp chậm hướng dẫn làm các thủ tục cấp giấy phép theo quy hoạch. Nhiều bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi dù đã đình chỉ nhưng vẫn bất chấp, tiếp tục hoạt động. Đơn cử bến bãi của ông Kiều Minh Tha, tại thôn Tây Sơn Tây (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) địa phương đã đình chỉ hoạt động vì đường vận chuyển cát không đủ 2 làn xe. Sở Giao thông – vận tải thông tin, năm 2018, lực lượng chức năng xử phạt hơn 156 triệu đồng cho 30 trường hợp bến thủy nội địa phục vụ xếp dở cát, sỏi không đúng quy định pháp luật.
CẦN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Bên cạnh đưa ra đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản, các cấp chính quyền cần siết chặt quy hoạch, quản lý từ cát dưới sông đến khi khai thác đem đi tiêu thụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra thực địa một bến tập kết cát sỏi ở phường Điện Ngọc (Điện Bàn). |
Chặn trên sông
Thách thức của lực lượng chức năng là một mặt đấu tranh với các hành vi lén lút rút ruột lòng sông; mặt khác giám sát các đơn vị, doanh nghiệp được phép khai thác lợi dụng hoạt động trái phép. Tại Điện Bàn, theo thống kê có ít nhất 120 ghe thuyền hút cát. Để tránh tình trạng lợi dụng khai thác trái phép, địa phương yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không sử dụng các thiết bị, dụng cụ gắn vào động cơ cho mục đích hút cát, xử phạt nặng nếu tái phạm. Ở sông Thu Bồn, đoạn thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong) - cửa ngõ đưa cát lậu ra bên ngoài, thị xã Điện Bàn đầu tư phương tiện làm trạm kiểm soát cát, sỏi liên ngành; đồng thời bố trí 18 cán bộ, chiến sĩ, thay phiên nhau chốt chặn 24/24 giờ trên sông. Địa phương đang xúc tiến kéo hệ thống điện thắp sáng suốt đêm quanh đoạn sông này; đầu tư hạng mục lưu giữ tàu thuyền vi phạm hoạt động khoáng sản lòng sông tại xã Điện Trung.
Theo nhận định của Công an thị xã Điện Bàn, nếu duy trì thường xuyên trạm chốt chặn ở sông thì hầu như kiểm soát được lượng cát khai thác lậu ra bên ngoài. Mấu chốt nằm ở chỗ: phải có kinh phí đầu tư hạ tầng khu vực chốt chặn và phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ. Về việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, sắp tới tỉnh sẽ mời tất cả doanh nghiệp có mỏ khai thác ở sông bàn luận cơ chế đóng góp tài chính, đồng hành với lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống cát lậu. “Doanh nghiệp phải sát cánh với chính quyền đấu tranh chống các hành vi tận thu cát sỏi chui, chứ họ không thể đứng ngoài cuộc như vừa qua. Khi không còn tình trạng trái phép nữa thì họ sẽ được lợi” - ông Thanh phân tích.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - Nguyễn Minh Hiếu cho rằng, song song với xử lý cứng rắn các bến bãi đã đình chỉ nhưng hoạt động trở lại, chính quyền chỉ đạo các địa phương lập rào chắn hàng lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa để hạn chế tình trạng phương tiện vận chuyển cát, sỏi trái phép ra vào bến bãi không phép. Hiện nay, thị xã Điện Bàn vẫn tồn tại một số bến bãi cũ không nằm trong quy hoạch được duyệt, chính quyền đưa ra mốc thời gian gia hạn cho các chủ kinh doanh chuẩn bị di dời đến vị trí mới, bởi chủ trương nhất quán của tỉnh là xóa sổ bến bãi tập kết cát không nằm trong quy hoạch đã duyệt.
Đấu giá công khai
Từ năm 2016 đến nay, số lượng đấu giá các mỏ khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh còn khá ít ỏi. Đến nay mới có 6 điểm mỏ cát, đất san lấp, đá được 5 địa phương (Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Thăng Bình) tổ chức đấu giá thành công. Riêng năm 2018 chỉ đấu giá khoáng sản thành công ở khu vực khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại thôn 2 xã Trà Mai (Nam Trà My) và khu vực khai thác cát tại thôn 4 xã Trà Cang (Nam Trà My). Nhưng có một thực tế, khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh thì chưa được đem ra đấu giá thành công.
Trên địa bàn tỉnh có 184 điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch thăm dò, khai thác với tổng diện tích 1.777ha và trữ lượng dự khoảng 60 triệu mét khối. Đến nay, UBND tỉnh cấp 33 giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực, chủ yếu nằm ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong đó, nhiều nhất huyện Đại Lộc với 18 giấy phép. Tổng trữ lượng cát, sỏi theo các giấy phép khai thác này là 7,50 triệu mét khối (trong đó cát chiếm 96% tương ứng với trữ lượng 7,22 triệu mét khối), tổng công suất khai thác 1,43 triệu mét khối/năm. (Nguồn: Sở Tài nguyên - môi trường) |
Không riêng Quảng Nam mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng đạt tỷ lệ rất thấp đấu giá quyền khai thác cát, sỏi lòng sông. Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên - môi trường) thông tin, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được quy định trong Luật Khoáng sản 2010, cụ thể hóa tại Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, trong số 755 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được UBND của 61 tỉnh, thành phố trực cấp phép cho các tổ chức, cá nhân, mới có 87 giấy phép cấp thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (chiếm 11,5%). “Một trong những nội dung quan trọng của nghị định sắp ban hành là cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông bắt buộc phải thông qua hình thức đấu giá công khai, chứ không có chuyện xã hội hóa như thời gian qua” - ông Thanh cho biết.
Hầu hết địa phương đều lúng túng trong xử lý, cấp phép khai thác bến bãi tập kết cát. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên - môi trường, dự thảo nghị định sắp ban hành cụ thể hóa quy định như các dự án sử dụng, khai thác bến bãi trước khi cấp phép phải thực hiện nghiêm việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc lập bản cam kết bảo vệ môi trường, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về môi trường. Trong quá trình hoạt động phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, định kỳ quan trắc, phân tích các thông số ô nhiễm. Thực hiện đầu tư kinh phí bảo vệ và khắc phục sự cố môi trường do việc tập kết gây ra.
Nghị định về quản lý cát, sỏi lòng sông sắp ban hành còn trói buộc trách nhiệm của chủ đầu tư, các đơn vị hoạt động tập kết cát, sỏi. Đó là phải thực hiện hoàn tất các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo đúng quy định trước khi hoạt động tập kết, vận chuyển cát, sỏi. Đồng thời có cam kết với UBND cấp huyện, cấp xã đảm bảo tập kết, buôn bán cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp; vận chuyển đúng tải trọng cho phép; cam kết không ảnh hưởng môi trường trong quá trình tập kết, vận chuyển cát sỏi.
CẦN THỐNG NHẤT QUẢN LÝ THEO LƯU VỰC SÔNG
Từ Trung ương xuống địa phương, không thiếu hành lang pháp lý và lực lượng trong kiểm soát khoáng sản cát, sỏi lòng sông; song quản lý không thống nhất tài nguyên ở lưu vực sông dẫn đến nhiều hệ lụy phải trả giá về kinh tế - xã hội và môi trường.
Quản lý chặt cát, sỏi lòng sông từ các bến bãi như thế này.Ảnh: T.H |
Thất thoát
Từ năm 2016 UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 17 về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó đến nay, hầu như năm nào chính quyền tỉnh cũng tổ chức ít nhất vài cuộc họp bàn giải pháp siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia - Thu Bồn và các chủ bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi bắt buộc phải lắp đặt camera nhằm chống sự gian dối trong kê khai sản lượng khai thác, thực hiện nghĩa vụ thuế khi xuất bán. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, không có đầy đủ chứng từ liên quan giao dịch mua bán khoáng sản. Thế nhưng, cát, sỏi vẫn có đường “chui”. Bằng chứng là một thời gian dài tồn tại các bến bãi tập kết cát lậu. Có một “luật ngầm” trong giới kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông.
Năm 2018, khi kiểm tra 19 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực cát, sỏi, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện nhiều hành vi sai phạm như không có giám đốc điều hành mỏ; lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản không đầy đủ thông tin; không thực hiện giám sát môi trường; cắm mốc các điểm khép góc chưa đầy đủ số lượng… Chủ trương của tỉnh là tiếp tục tạm dừng cấp mới, gia hạn, chuyển nhượng giấy phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP.Hội An. |
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính so sánh: mỗi mét khối cát Nhà nước thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thu cấp tiền khoáng sản với tổng số tiền hơn 27 nghìn đồng, trong khi một mét khối cát ở thị xã Điện Bàn bán ra thị trường có giá ít nhất 150 nghìn đồng. Tiền đóng thuế phí chỉ bằng 19% so với giá trị cát xuất bán ra thị trường hiện nay. “Doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Thất thoát lớn còn ở chỗ đơn vị khai thác thực tế 100m3 nhưng kê khai chỉ 10m3” – ông Chín nói. Ông Đặng Tấn Phương, Phó Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho hay, khâu kiểm đếm khối lượng cát xuất khỏi mỏ bằng tờ giấy kê khai của doanh nghiệp hiện nay không thể chứng minh là minh bạch. Bằng mắt thường và cách tính đơn giản thì cũng rõ mười mươi cát lòng sông bị lấy đi rất nhiều lần so với khai báo của doanh nghiệp. Một nghịch lý khác, lâu nay Nhà nước quản lý cát, sỏi theo đơn vị hành chính nên sa tặc khai thác ở địa bàn này nếu bị cơ quan chức năng địa phương truy đuổi sẵn sàng đến “lánh nạn” an toàn ở địa bàn khác trên cùng một tuyến sông.
Đề xuất quản lý thống nhất
Qua các đợt giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về quản lý cát, sỏi lòng sông gần đây, cho thấy thực trạng hầu hết doanh nghiệp đều vi phạm các quy định ghi trong giấy phép hoạt động, mà nguyên nhân không đâu khác ngoài việc ngành chức năng lơ là trong khâu giám sát, kiểm tra hậu đánh giá tác động môi trường. Để đưa ra hướng quản lý hiệu quả, Bộ Tài nguyên - môi trường xây dựng dự thảo nghị định riêng về quản lý cát, sỏi ở lòng sông. Trong đó, quy định cụ thể về quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông; thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; quy định về tập kết mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Dự thảo cũng quy định các nội dung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, trong đó có thẩm quyền chấp thuận đối với các hoạt động liên quan. Đặc biệt quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền và các bộ, ngành liên quan.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, điểm mới của dự thảo nghị định là Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước, pháp luật liên quan. Nhà nước quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông (giống như quản lý tài nguyên nước), đồng thời phân cấp gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương. Nghị định sẽ là công cụ kiểm soát đánh giá chặt chẽ báo cáo tác động môi trường, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các địa phương trên lưu vực sông trước khi cấp giấy phép mỏ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đây là lần đầu tiên có một nghị định riêng về quản lý khoáng sản cát, sỏi, đủ cho thấy một lĩnh vực nhạy cảm, gây bức xúc cho xã hội và đe dọa phát triển bền vững. “Khi nghị định được ban hành, hy vọng sẽ giúp cho các địa phương cách quản lý thống nhất xuyên suốt; nhất là giao trách nhiệm rõ cho các cấp chính quyền thực hiện đồng bộ từ khâu lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định của pháp luật về khoáng sản” - ông Thanh nói.
Thực hiện chuyên đề: TRẦN HỮU