"Đóng giày" trong... xây dựng đô thị
Báo Quảng Nam đưa tin mới đây người dân sống tại tổ 4 và tổ 6, khối phố Tân Khai, phường Điện Dương (Điện Bàn) làm đơn kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực chợ Mới Điện Dương và khu dân cư phố chợ, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí do ao hồ, mương thoát nước tù đọng…
Khu phố chợ Mới Điện6 Dương không phải là trường hợp cá biệt về lỗi quy hoạch khi “phong trào” đô thị hóa rầm rộ triển khai. Theo đó, phổ biến nhất là san lấp đất làm dự án với quy mô nhỏ lẻ khoảng 5-7 héc ta. Chính từ những dự án nhỏ lẻ ấy cùng tư tưởng lợi ích cục bộ mà các chủ đầu tư, các kiến trúc sư đã mạnh ai nấy làm. Quy hoạch chỉ là các bản vẽ sao cho đẹp và đủ thủ tục hơn là những nghiên cứu sâu rộng và tương tác với quy hoạch chung, với các dự án trong tương lai. Bởi vậy, đã tạo ra những bất hợp lý về cao trình chuẩn của hạ tầng kỹ thuật, về các công trình cấp điện, cáp quang, thoát nước… tạo ra những khó khăn cho việc khớp nối với nhau trên từng địa bàn. Nhà đầu tư xây dựng xong, khai thác xong quỹ đất là… phủi tay. Sự việc ở chợ Mới Điện Dương tạo dư luận bức xúc là một ví dụ cho thái độ “sống chết mặc bay” ấy. Các khu phố chợ Vĩnh Điện, Thanh Quýt gần đây cũng vậy, chưa thấy các công trình xử lý nước thải được đầu tư và việc khớp nối thoát nước sẽ như thế nào?
Hãy nhớ rằng, trong việc đô thị hóa, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường sá cầu cống, nhà cửa, thiết bị, tiện nghi công cộng… là những yếu tố thuộc về “phần cứng”, nhưng nó còn có “phần mềm” song hành và tương tác, đó là các nhóm cư dân với lứa tuổi, giới tính, sinh kế, địa vị xã hội, văn hóa và lối sống khác nhau. Tiến sĩ Tô Kiên, một kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch và nghiên cứu đô thị nhiều năm tại Nhật Bản, Singapore và Việt Nam đã ví phần cứng ấy như một đôi giày và phần mềm là các cư dân. Ông nói: “Điều cần thiết là khi xây cất các phần cứng thì cần mời người sử dụng chúng tham gia vào quá trình đó để đảm bảo sự ăn khớp về mọi mặt, cũng như đóng giày thì phải đo với người đặt giày. Tuy nhiên ở ta đang thiếu cơ chế tham gia này, mà nhìn chung chỉ quen quy hoạch, thiết kế và triển khai theo kiểu từ trên xuống, tức là cứ đóng một loạt giày theo ý chủ quan, còn có cần thiết và vừa vặn hay không thì…“makeno” (mặc kệ nó - NV). Nếu không quy hoạch hợp lý thì phần mềm và phần cứng sẽ “cọc cạch” không tương sinh mà sẽ tương khắc lẫn nhau…”.
Như thế, hiện nay chúng ta vô tình hay cố ý bỏ qua khía cạnh vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính khoa học trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý quy hoạch. Ý kiến của chính quyền địa phương ở Điện Dương, theo bản tin nêu trên là: “Chính nguồn nước thải từ sinh hoạt, hoạt động kinh doanh khu phố chợ xả trực tiếp ra môi trường là nguyên nhân gây ô nhiễm cho khu dân cư. Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải của khu phố chợ, cũng như hệ thống cống dẫn nước thải ra sông cần khoản kinh phí vượt nhưng quá khả năng của địa phương…”.
Thiết nghĩ, trong tốc độ “đô thị hóa” nhanh chóng hiện nay, các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền các địa phương cần lấy đây là một bài học. Cần có ràng buộc nhà đầu tư và các cơ quan xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch có trách nhiệm cụ thể trong việc đảm bảo các tiêu chí môi trường, cấp thoát nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác đối với mỗi dự án trước khi nghiệm thu đưa vào kinh doanh và khai thác. Đừng chăm chăm chỉ biết lợi nhuận mà tùy tiện “đóng giày” rồi đẩy hậu quả về người dân “mang giày” vừa hay không cũng mặc kệ!