Đáy biển có gì?

C.B.L 08/03/2019 08:33

Suốt tuần qua, có hai thông tin liên quan đến biển ở Quảng Ngãi thu hút sự chú ý của dư luận. Một là chuyện doanh nghiệp muốn lấp 51ha biển ở Lý Sơn để làm du lịch. Hai là Bộ TN&MT cấp giấy phép cho Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất nhận chìm gần 15,4 triệu m3 vật chất nạo vét cảng biển xuống khu vực biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Chuyện lấp biển ở Lý Sơn đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía cư dân bản địa. Chỉ mới bắt đầu ở bước xin chủ trương đầu tư, nhưng chưa tìm được sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và người dân. Và chính quyền chưa thể hiện rõ vai trò cầu nối trong một dự án có tác động rất lớn đến đời sống, từ kế sinh nhai cho đến truyền thống văn hóa, tâm linh người dân của khu vực đảo tiền tiêu này. Người dân ôm nỗi sợ mơ hồ, về việc chính quyền không “nghiêng vai” về phía  mình. Truyền thông và dư luận đang kêu gọi “thận trọng với Lý Sơn”. Nếu không thận trọng, thì không chỉ đối diện nguy cơ thất bại trong việc chờ UNESCO công nhận Lý Sơn - Sa Huỳnh là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2020; mà còn đối diện mất lòng dân, mất hồn cốt muôn đời của Lý Sơn.

Bài học nhãn tiền khi Nha Trang vẫn loay hoay giải quyết những hệ lụy từ việc lấn/lấp biển cho mục tiêu phát triển du lịch, liệu rằng chưa đủ cảnh báo? Có cảm giác như biển như đang ngộp thở bởi sự tham lam của con người trong nhu cầu chiếm hữu thiên nhiên để làm giàu.

Hồi giữa tháng 1.2019, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết (1/500) tổng mặt bằng dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm tại xã Tân Hiệp, TP.Hội An. Theo đó, cắt giảm gần 10 lần diện tích so với quy mô ban đầu. Cầu thị và lắng nghe tất cả các bên, Quảng Nam đã thận trọng cần thiết đối với Cù Lao Chàm. Không riêng dân bản địa Lý Sơn, người dân Quảng Ngãi, mà du khách yêu hòn đảo xinh đẹp này, cũng đang chờ một sự thận trọng cần thiết tương tự như vậy.

“Nhận chìm vật chất” cũng một thời gian gây sự phản đối từ phía các nhà khoa học khi Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu xin được nhận chìm bùn thải ở vùng biển các địa phương này. Quảng Ngãi, năm 2017 đã từng nhận chìm vật chất xuống biển. Và bây giờ, Quảng Ngãi lại tiếp tục được phép nhận chìm chất thải. Vùng phụ cận biển của Quảng Nam, ngư dân chung nỗi lo lắng. Nhưng có lẽ, vì tính chất khoa học cũng như quá nhiều thứ phức tạp liên quan đến cụm từ “nhận chìm vật chất”; tác hại ô nhiễm môi trường và các nguy cơ đe dọa khác đến biển chưa thể thấy ngay trước mắt nên chưa tạo thành làn sóng phản đối mạnh mẽ như chuyện lấn/lấp biển.

Biển sẽ chết nếu cứ tiếp tục cuộc cưỡng cầu. Dưới đáy biển, sẽ không còn những rạn san hô muôn sắc màu mà thay vào đó, là hàng triệu tấn bùn đen, là lô lốc xi măng và sắt thép. Ai từng đọc “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của nhà văn Jules Verne hay xem phim chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết này hẳn ước mơ được khám phá đáy biển với bao nhiêu sinh vật lộng lẫy như thiên đường.

Nhưng, cứ thêm một dự án lấp biển, cứ thêm một quyết định cho cụm từ đẹp đẽ “nhận chìm vật chất”, ước mơ kia sẽ ở mãi trên bờ.

C.B.L