Du lịch lên vườn sâm

C.B.L 08/03/2019 08:32

Cuối tuần qua, tại Nam Trà My đã diễn ra sự kiện công bố điểm đến du lịch là vườn sâm Ngọc Linh - Tăk Ngo.

Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, vườn sâm này có tổng diện tích 85ha, trong đó khu vực khách có thể đến tham quan là 11ha, vùng sâm gốc, bảo tồn và sản xuất giống gần 70ha, diện tích trồng sâm để nghiên cứu khoa học khoảng 5ha. Du khách đến tham quan vườn sâm được miễn phí hoàn toàn, được trải nghiệm tận mắt các giai đoạn phát triển của cây sâm, hướng dẫn cách nhận biết sâm giả, sâm thật và xem các sản phẩm chế biến từ sâm được trưng bày.

Thực tế, trong thời điểm hiện tại, vườn sâm Ngọc Linh - Tăk Ngo chỉ mới được đưa vào bản đồ du lịch, nhưng việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho điểm đến sẽ còn rất dài. Bởi như ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, cần phải xúc tiến công tác truyền thông, quảng bá, thiết lập tour/tuyến kết nối vườn sâm này với các điểm đến khác nữa, nhất là ở vùng nam, tây nam Quảng Nam, mới thúc đẩy được du lịch phát triển. Thiển nghĩ đó cũng là điều trăn trở lâu nay của chính quyền và nhân dân các địa phương dọc tuyến từ Tam Kỳ lên Nam Trà My. Con đường lên vùng sâm quanh co khoảng trăm cây số cần thiết phải liên kết các tour, thiết lập những chặng dừng chân để thưởng lãm các danh thắng, di tích đa dạng và thưởng thức các thứ sơn hào đặc sản vùng cao. Từ cầu nối của ngành du lịch, các địa phương Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc và Nam Trà My cần cùng nhau định vị rõ sự kết nối đó, rồi đầu tư đồng bộ mới tạo cơ hội phát triển cho cả vùng.  

Trở lại với cây sâm và vườn sâm. Những mỹ từ rất kêu về “thủ phủ sâm Việt Nam” là chuyện nói tưng bừng cho phấn khích nhưng sẽ còn hành trình dài phải đi để hiện thực hóa ước mơ ấy. Nó là câu chuyện có phần lặng thầm với những người đang chắt chiu từng hạt giống để nhân trồng. Mà hiện nay số cây giống hỗ trợ cho dân trồng theo Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh vẫn chưa nhiều (năm qua chỉ hỗ trợ được khoảng 2.100 cây sâm giống còn năm nay phấn đấu hỗ trợ hơn 5.000 cây). Vùng nguyên liệu trồng sâm phải đủ quy mô cung ứng mới có thể triển khai chế biến sâu theo hướng hàng hóa để đưa ra thị trường rộng lớn. Khi có được sản phẩm phong phú từ sâm thì du lịch đến vườn sâm mới thật hiệu quả vì kết hợp được nhiều mục tiêu lợi ích. Chúng tôi còn nhớ có lần đi Mã Lai, vào tham quan một nhà máy chế biến dược liệu, họ chỉ cho xem một dây chuyền sản phẩm từ loại cây đắng như mật nhân mà đã thấy rần rần đủ chuyện bán mua, bàn bạc và kỳ vọng. Hơn cả cây mật nhân và nhiều loại dược liệu khác, ta còn có “quốc bảo”  sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam mà làm chưa ra đường nét như họ quả là rất tiếc. Báo chí đã nói nhiều, chỉ cần làm nữa thôi.

C.B.L