Cộng đồng chung tay bảo vệ động vật quý hiếm

BÍCH HẠNH 08/03/2019 06:55

Trước tình trạng săn, bẫy bắt động vật rừng quý hiếm diễn ra thường xuyên, cộng đồng dân cư cần nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho các hành vi tận diệt động vật hoang dã.

Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh phát hiện 9 cá thể động vật rừng với trọng lượng gần 100kg đã bị xẻ thịt tiêu thụ. Đánh vào tâm lý người dân muốn có những món ăn đặc sản đãi khách hoặc để bán kiếm tiền nên thời điểm tết, ở các huyện miền núi xuất hiện nhiều “chợ” buôn bán động vật rừng. Trong các chuyến truy quét, lực lượng chức năng còn phá hủy hàng trăm bẫy dây động vật rừng.

Sơ kết kế hoạch truy quét các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp dịp tết vừa qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh – Lê Minh Hưng đánh giá, tình hình sử dụng súng tự chế để săn, bắt động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm tại các huyện miền núi có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát. Trong khi đó, điều tra, khảo sát đa dạng sinh học tại rừng Trung Trường Sơn (dự án Trường Sơn Xanh tại Việt Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ) đã ghi nhận, từ năm 2011 - 2017, có hơn 100.000 bẫy dây phanh được cán bộ, chuyên gia dự án gỡ tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam và Khu bảo tồn Sao la Huế. Theo đánh giá của dự án Trường Sơn Xanh, tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam, dù nhiều loài từng được ghi nhận trước kia trong khu vực nhưng lại không ghi nhận được qua khảo sát năm 2018. Điều này cho thấy chúng có thể tuyệt chủng hoặc gần như biến mất. Các loài không ghi nhận được là báo, chó rừng, beo lửa, tê tê… Loài được cho là vẫn còn khả năng tồn tại trong tự nhiên đang được bảo tồn là Sao la, nhưng qua khảo sát gần đây không ghi nhận.

Ở phạm vi cả nước, tình trạng bẫy bắt, mua bán ĐVHD khá phức tạp. Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, năm 2018, cả nước có gần 1.700 trường hợp vi phạm liên quan đến ÐVHD dưới nhiều hình thức. Trong đó, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài ÐVHD và các sản phẩm, bộ phận ÐVHD là hành vi vi phạm phổ biến nhất (chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm). Lo ngại hơn, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội rao bán thịt thú rừng khắp nơi. Năm 2018, ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về ÐVHD trên internet, với hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm – Từ Văn Khánh cho biết, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ động vật rừng là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của ngành kiểm lâm. Thời gian qua, nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống ký cam kết không mua bán, tiêu thụ, không sử dụng ÐVHD và các sản phẩm từ ÐVHD, đồng thời tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm về ÐVHD.

Chuyển biến tích cực là nhiều người dân sau khi được tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng đã tự nguyện chuyển giao gần 70 cá thể ÐVHD đang nuôi nhốt cho các trung tâm cứu hộ ÐVHD. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2018 đến nay đã có hàng trăm cá thể ĐVHD được giải cứu thành công, trả về với rừng, biển. Còn nhớ, giữa tháng 8.2018, Công an tỉnh phát hiện 126 cá thể ĐVHD quý hiếm gồm rắn hổ chúa, rùa, ba ba trong trang trại của bà Kim Cương (ở xã Bình Nguyên, Thăng Bình). Sau đó, lực lượng chức năng đã bàn giao một số cá thể rùa cho Trung tâm Bảo tồn rùa vườn Cúc Phương và Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam để nghiên cứu. Ngoài ra, đem thả các thể động vật khác về Khu bảo tồn voi Quế Lâm.

BÍCH HẠNH

BÍCH HẠNH