Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trên đất Quảng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khi phát biểu tại sự kiện giao lưu, kết nối các nhà đầu tư đến từ Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh: “Cùng với quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì tỉnh xem khởi nghiệp (KN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và sẽ cải thiện, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho KN trong thời gian đến”. Đã có nhiều tín hiệu vui cho hệ sinh thái KN Quảng Nam trong năm 2019.
HỖ TRỢ TỐI ĐA CÁC DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP
Năm 2019, Quảng Nam sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) trên địa bàn tỉnh. Nhiều quyết sách mạnh mẽ hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ở cấp tỉnh và địa phương.
Triển khai đồng bộ
Theo kế hoạch thực hiện HSTKN đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, mục tiêu chính đến năm 2025 là hoàn thiện HSTKN đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động KN đổi mới sáng tạo; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Đến năm 2020, hoàn thành cơ bản khung pháp lý hỗ trợ xây dựng HSTKN, trong đó chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cơ chế xã hội hóa xây dựng không gian làm việc chung, kết nối và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đổi mới công nghệ… cho các ý tưởng, dự án KN tiềm năng.
Ông Phạm Ngọc Sinh - Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh, cho biết năm 2019 sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các thành phần của HSTKN trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng kết nối và hình thành mạng lưới nhà đầu tư, Quỹ hỗ trợ KN và khai thác các nguồn Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ khoa học và công nghệ… Cùng với đó, chăm lo đào tạo chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng KN và xây dựng đội ngũ chuyên gia KN tại chỗ; kết nối và kêu gọi các doanh nhân là người Quảng Nam đang thành công trong và ngoài nước, sinh viên Quảng Nam đang học tập tại các trung tâm đào tạo lớn hỗ trợ và tham gia hoạt động KN trên quê hương. Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động chuyển giao, đặc biệt là các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, tổ chức môi giới công nghệ, định giá tài sản trí tuệ. Đồng thời tích cực tuyên truyền, hỗ trợ và khuyến khích gia tăng hoạt động chuyển giao quyền sở hữu đối với các sản phẩm KN; quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước để thúc đẩy thương mại hóa, đưa công nghệ và sản phẩm công nghệ vào thực tiễn, KN từ kết quả nghiên cứu…
Tín hiệu vui từ KN cấp huyện
Tại Hội An, thời gian qua chính quyền thành phố đã dành nhiều sự quan tâm đến HSTKN trên địa bàn, nhất là việc hỗ trợ đầu tư cho KN của các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KN. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, trong năm 2018, bằng nhiều nguồn kinh phí như khuyến công, OCOP, thành phố đã hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá truyền thông cho các dự án KN, từ đó phần nào giúp cho các dự án KN tự tin trên bước đường khởi sự kinh doanh. Đặc biệt, đầu tháng 12.2018, UBND thành phố đã phối hợp với Câu lạc bộ KN sáng tạo Hội An tổ chức thí điểm mô hình “Chợ phiên Hội An” để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất organic, sản phẩm sạch trên địa bàn giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm do mình sản xuất. Đây cũng là mô hình nói không với túi ny lông. “Để thúc đẩy hình thành HSTKN tại thành phố, thời gian đến chúng tôi sẽ tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, nông nghiệp sạch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - du lịch và các mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” - ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khẳng định, năm 2019 TP.Tam Kỳ sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành và Câu lạc bộ KN sáng tạo TP.Tam Kỳ trong việc xây dựng HSTKN đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố sẽ phối hợp với Vườn ươm sông Hàn trong công tác đào tạo, kết nối về KN; duy trì hoạt động hiệu quả tại Không gian làm việc chung, cà phê KN hàng tuần; tiến hành thành lập 3 tổ với 3 nhóm ngành nghề chính để kết nối, hỗ trợ cho các ý tưởng KN gồm: xây dựng - công nghệ, nông nghiệp - dược liệu và thương mại dịch vụ - du lịch; tổ chức các hoạt động sinh hoạt, diễn đàn KN theo từng chủ đề cho thành viên và cá nhân trình bày các ý tưởng KN…
ANH ĐÔNG
CẦN ĐỘT PHÁ Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP
Các start-up muốn bứt phá thì điều đầu tiên là phải tạo ra được sự khác biệt trong ý tưởng khởi nghiệp (KN). Để một hệ sinh thái KN địa phương phát triển mạnh mẽ thực sự cần nhiều hơn các ý tưởng táo bạo.
Tránh đi vào lối mòn
Quảng Nam đang khuyến khích các start-up tập trung phát triển KN vào các nhóm ngành: du lịch, nông nghiệp sinh thái, cơ khí - chế tạo… Có thể thấy một số mô hình KN đi tiên phong đã thu được tín hiệu khởi sắc và tạo ra hiệu ứng mới mẻ trong giới KN địa phương tuy nhiên những mô hình KN tiếp theo nếu không tạo ra sự khác biệt đã phải chật vật trong việc phát triển bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Chị Bùi Thị Thanh Sương (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) cho hay: “Sau hơn một năm KN và tìm hiểu về nông nghiệp công nghệ cao tôi nhận thấy nhiều rào cản nên hiện không có ý định mở rộng loại hình sản xuất này mà chỉ duy trì diện tích để phục vụ khách cũ và nghiên cứu chuyển hướng sang nông nghiệp hữu cơ”.
Không ít các ý tưởng KN của start-up tận dụng lợi thế đặc sản của địa phương tập trung chính vào các sản phẩm nông nghiệp nhưng hầu hết đều gặp khó trong khâu phát triển hoặc chỉ dừng ở mức lập nghiệp chứ không bứt lên được.
Chị Lê Thị Kim Ánh (Quế Sơn) chia sẻ: “Trước đây tôi từng nuôi ý định thu mua, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch ở quê nhà và vùng lân cận như Hiệp Đức, Nông Sơn… nhưng được một thời gian thì đành gác lại bởi cả nguồn cung lẫn cầu đều thiếu ổn định”. Tại TP.Hội An, hai sản phẩm KN về nông nghiệp sinh thái và làng nghề thủ công mỹ nghệ tận dụng lợi thế có sẵn của địa phương được giới thiệu tại Hội thảo “Cố vấn và đầu tư thiên thần - người đồng hành nâng tầm khởi nghiệp” cuối năm ngoái dù khá ấn tượng nhưng vẫn bị các cố vấn KN cao cấp đánh giá là khó có khả năng phát triển ra toàn quốc và quốc tế. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ KN Hội An nhìn nhận, các start-up tại Hội An khi KN vẫn chủ yếu dựa trên lợi thế có sẵn chứ chưa chú trọng đến yếu tố sáng tạo, táo bạo và ngay cả những người làm vai trò đầu tàu trong giới start-up tại địa phương cũng chưa có nhiều kinh nghiệm để tư vấn thay đổi điều này.
Phải nhìn nhận thực tế là giới start-up tại Quảng Nam hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn trong các vấn đề như: vốn, thị trường, kinh nghiệm… để đưa các ý tưởng của mình trở thành các dự án có tiềm lực. Do đặc thù, nhiều ý tưởng KN cần các thị trường rộng lớn, có sức tiêu thụ cao để thử nghiệm nên rất khó để “nảy mầm” ở quê nhà hoặc các đô thị vừa và nhỏ ở Quảng Nam. Chính vì yếu tố này, một số start-up đã thành công khi chọn phát triển dự án tại Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… và đang nuôi ý định quay lại mở rộng thị trường tại quê nhà sau khi đã có bước phát triển căn cơ. Anh Dương Hiển Tú (quê Điện Bàn) - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông trại An Phú Đà Nẵng cho biết, việc mở cửa hàng nông sản sạch tại TP.Tam Kỳ đầu năm nay là bước đi trong việc đưa thực phẩm chất lượng về lại quê nhà khi mà nhu cầu tiêu thụ của cộng đồng tại đây đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua.
Khuyến khích áp dụng công nghệ
Các start-up luôn muốn đưa các dự án KN của mình vươn xa nhất có thể và để “ra biển lớn” thì điều đầu tiên là cần phải áp dụng công nghệ mới đồng thời xác lập được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Điều này thể hiện qua việc 10/10 dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi KN đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018 tại Đà Nẵng đều ứng dụng công nghệ mạnh mẽ dù KN trong lĩnh vực nào và đáng tiếc là miền Trung không có đại diện nào. Anh Trương Hữu Phú (quê Phú Ninh) - CEO UCOM thông tin: “Sau thời gian dài thử nghiệm tôi và các cộng sự đã hoàn thành và chạy được apps (ứng dụng) đặt cơm văn phòng một cách hoàn chỉnh để giúp khách hàng thuận lợi nhất trong việc sử dụng dịch vụ và đó cũng là giải pháp tối ưu để dự án có thể đứng vững được khi ra thị trường”.
Hiện nay các cơ sở ươm tạo KN trên cả nước nói chung và tại TP.Đà Nẵng nói riêng đều khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ các dự án KN có ứng dụng công nghệ để phát triển. Tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, Vườn ươm Sông Hàn… thời gian qua đã chắp cánh cho không ít các dự án KN có hàm lượng công nghệ của các start-up đến từ mọi miền đất nước. Theo ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm ươm tạo Sông Hàn: “Start-up không ở đâu xa, chính những đặc sản ở quê hương bạn cũng có thể là hướng đi để KN. Tuy nhiên cần phải có yếu tố sáng tạo và nhất là áp dụng công nghệ thì mới mở ra cơ hội đối với các sản vật truyền thống. Chúng ta làm sao khi bán một cái bánh cho du khách mà tích hợp được cả câu chuyện về văn hóa, truyền thống của thiên nhiên, con người ở đó thì dù giá cả chênh lệch du khách vẫn chấp nhận”.
QUỐC TUẤN
XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP BỀN VỮNG
Phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận ý kiến người trong cuộc về những định hướng và kiến nghị để hướng đến xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) bền vững của Quảng Nam.
Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Phạm Ngọc Sinh - Tổ trưởng Tổ Công tác hỗ trợ KN sáng tạo tỉnh: “Kiến nghị ban hành Đề án hỗ trợ nông dân khởi nghiệp”
Chính phủ đã ban hành các Đề án 844, Đề án 939, Đề án 1665 hỗ trợ HSTKN với việc xác định mục tiêu, nội dung cụ thể. Tuy nhiên, để thực hiện các đề án của Chính phủ, các cơ quan Trung ương cần ban hành các văn bản hướng dẫn và cơ chế tài chính hỗ trợ, nhất là hỗ trợ cụ thể cho quá trình đào tạo, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm KN… Đồng thời các tỉnh cần đề xuất Chính phủ quan tâm ban hành Đề án hỗ trợ nông dân KN. Từ thực tế địa phương và qua khảo sát Ngày hội KN quốc gia các năm qua, các start-up trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%) các dự án KN tham gia trưng bày. KN từ chương trình mỗi xã một sản phẩm là xu hướng và cũng là lợi thế của địa phương. Vai trò của Hội Nông dân rất quan trọng, vai trò của nông dân có ý nghĩa quyết định đến phát triển và KN từ sản phẩm nông nghiệp.
Ông Phạm Đức Nam Trung - Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES): “Quan trọng nhất của một HSTKN là sự kết nối”
Để có sự kết nối mạnh hơn giữa các không gian làm việc chung tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung, thậm chí là cả nước, đầu tháng 10.2018 mô hình Allience Co-working space - liên minh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp KN sáng tạo phát triển một cách bền vững ra đời tại Đà Nẵng. Liên minh sẽ tổ chức hợp tác truyền thông, chia sẻ dịch vụ mua chỗ ngồi tại chỗ ở các không gian làm việc chung, xây dựng nền tảng trực tuyến để tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp KN. Có thể nói việc thành lập liên minh trên sẽ giúp khai thác tiềm năng còn rất lớn về nhu cầu không gian làm việc chung của các doanh nghiệp KN tại Đà Nẵng và miền Trung. Tương lai, liên minh sẽ kết nạp nhiều thành viên không gian làm việc chung hơn nhằm kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong vùng. Càng có nhiều không gian làm việc chung ra đời thì lợi ích cho doanh nghiệp ngày càng tăng. Chúng tôi hy vọng DNES sẽ đóng vai trò nhà điều phối trong liên minh các không gian làm việc chung. Theo tôi, quan trọng nhất của một hệ sinh thái KN vẫn là sự kết nối, tránh tự KN. Nói một cách khác, trong một dự án KN, mỗi người phải biết vai trò của mình trong HSTKN đó.
Ông Phạm Phú Hiển - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Phú Hiển Lighting: “Hướng đến một cộng đồng khởi nghiệp bền vững”
Trong vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ KN sáng tạo TP.Tam Kỳ, năm 2019 chúng tôi sẽ nỗ lực góp phần xây dựng và phát triển HSTKN tại Tam kỳ nói riêng và Quảng Nam nói chung thông qua các chương trình đào tạo, kết nối, chia sẻ, đồng hành, tìm kiếm và phát triển những tài năng KN sáng tạo, hướng đến một cộng đồng KN bền vững. Qua thời gian hoạt động trong mô hình câu lạc bộ, chúng tôi nhận thấy rằng nếu chúng ta xây dựng và phát triển đúng đắn HSTKN thì sẽ tạo nên một đội ngũ, thế hệ doanh nhân bền vững trong tương lai. Câu lạc bộ KN sáng tạo TP.Tam Kỳ được hình thành nhằm góp phần thúc đẩy phát triển HSTKN. Tuy nhiên để thực hiện điều đó cần phải có sự vào cuộc, chia sẻ của xã hội, nhất là các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa các ý tưởng và sản phẩm từ KN sáng tạo; thúc đẩy và phát triển một vài sản phẩm từ dự án KN sáng tạo thông qua các cuộc thi ý tưởng KN sáng tạo; ưu tiên tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp KN sáng tạo phát triển… Trong 5 năm đầu của doanh nghiệp KN mới chỉ ở giai đoạn đang hoàn thiện, vì vậy cần Nhà nước hỗ trợ để ổn định, hội đủ điều kiện phát triển, nhất là hoàn thiện về quản lý nhân sự, chiến lược kinh doanh và đưa sản phẩm thâm nhập thị trường. Suy cho cùng, các start-up quyết định đến thành công của quá trình xây dựng HSTKN đổi mới sáng tạo. Hay, đúng hơn, start-up chính là giá trị cốt lõi của HSTKN.
Bà Dương Diễm My - dự án Adei House: “Start-up về du lịch cộng đồng cần sự hỗ trợ của địa phương”
Mạng xã hội là yếu tố hữu ích để phát triển dự án KN của mình trong thời đại hiện nay. Trong thời gian sớm nhất, Adei House sẽ kết hợp việc lập website, kết hợp với các start-up về công nghệ khác sử dụng app để giới thiệu Adei House đến gần hơn với khách hàng. Một start-up, nhất là start-up về du lịch cộng đồng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương vì giá trị hướng đến chính là cộng đồng địa phương và các giá trị văn hóa, lịch sử bản địa. Bên cạnh đó, các start-up cũng nên bắt đầu với những giá trị cộng đồng và bền vững trước khi nghĩ xa hơn bởi một khi hình thành được bản sắc riêng thì việc thương mại hóa mới tạo ra lợi ích cho nhiều phía. Trong năm 2019, Adei House chính thức bắt đầu khởi chạy dự án và mong muốn đem vẻ đẹp, văn hóa, ẩm thực của dân tộc Chăm đến với du khách nhiều nhất có thể.
Ông Dương Ngọc Ảnh - dự án Phở sắn Caromi: “Start-up chính là quá trình sáng tạo không ngừng”
Việc áp dụng công nghệ vào KN là điều hết sức quan trọng để dự án có thể thương mại hóa, cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, sản phẩm sẽ tốt hơn, kiểm soát chất lượng ổn định, giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành bán ra. Hiện nay, phở sắn Caromi đã lan tỏa đến một số tỉnh thành như: Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai… tuy nhiên vẫn chưa nhiều người biết đến thương hiệu này. Vì vậy, trong năm 2019 mục tiêu của dự án là quảng bá, phủ sóng sản phẩm rộng nhất có thể và hướng đến việc xây dựng tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ…
Với các start-up đi sau hoặc đang ấp ủ ý tưởng, bản thân tôi cho rằng các bạn nên dành nhiều thời gian để học hỏi và hoàn thiện khả năng, mô hình kinh doanh trước khi bắt đầu khởi chạy dự án. Nếu được hãy tham gia các chương trình ươm tạo, điều này sẽ giúp ích cho dự án rất nhiều khi có các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm hỗ trợ. Và tất nhiên không thể thiếu yếu tố sáng tạo bởi start-up chính là quá trình sáng tạo không ngừng nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường.
Bà Lương Hoàng Giang - dự án rau Ecovic: “Thiếu người trẻ có tâm huyết và trình độ để đồng hành”
Mong muốn của start-up là được ưu đãi nhiều hơn về cơ chế đất đai để KN bởi hiện nay bản thân vẫn phải thuê và đấu giá sử dụng đất ngắn hạn. Trong năm 2019, Ecovic dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác, đơn vị đã chế biến một số sản phẩm từ nông sản để nâng cao chất lượng, doanh thu, như tương ớt, ớt bột, nước ép… và đang thử nghiệm sản phẩm dầu phụng trong thời gian đến.
Một rào cản chung đối với hầu hết dự án KN hiện nay là rất thiếu người trẻ có tâm huyết và trình độ để đồng hành. Bản thân dự án Ecovic cũng đang gặp phải vướng mắc này bởi một số lao động cộng tác với dự án đã lớn tuổi và việc tiếp thu những kiến thức mới mẻ để áp dụng vào quy trình sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn.