Ngân nga âm vọng Phước Kiều
“Mấy năm lại đây anh coi có ai nói làng đúc Phước Kiều mai một không?”. Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng nói, không giấu chút tự hào. Điều đó cho tôi tín hiệu rằng, làng đúc Phước Kiều đang sống khỏe.
Ông Thắng và trống đồng vừa làm xong. Ảnh: T.V |
Với tôi chuyện sống chết của các làng nghề, phần lớn mặc định những nốt buồn trầm. Đằng sau câu chuyện các lễ hội giới thiệu làng nghề như một điểm đến, thì câu chuyện thị trường vẫn như tấm phông được đưa ra để người ta… đỡ cho chuyện quan tâm èo uột. Không ít khẩu hiệu phát triển hỗ trợ làng nghề được căng to ra, xong lễ, xếp lại, trống đánh xong, bỏ dùi. Một thời Phước Kiều cũng như thế.
Phục hồi
Câu chuyện làng nghề 400 năm tuổi mà danh tiếng phủ sóng cả nước, một thời dài sống kiểu “sụt bệ lò rèn” cứ đeo miết trong óc, mà mỗi lần ngang qua Điện Phương (Điện Bàn), thấy những mặt chiêng, thanh la phủ bụi, thì lại tưởng tượng ra mặt người buồn thiu. “Nhà nước có hỗ trợ đó anh” - ông Thắng nói - “Giúp tiền đầu tư nâng cao tay nghề, mua máy tiện cùng một số dụng cụ khác. Nhưng tụi tôi tự vươn lên là chính. Ngoài cồng chiêng vẫn bán được từ Quảng Nam lên Tây Nguyên, ra Huế, qua Lào, thì chúng tôi có thêm được mảng thị trường nội thất cho các dự án, khách sạn bằng các sản phẩm nghệ thuật từ đồng, nhôm giả đồng, và đây là phân khúc thu hút giải quyết được nhiều lao động khác”. Những u tối tan dần trong óc tôi.
Khởi nghiệp, ra nghề sớm, bây giờ tất cả như cơm sôi, nhưng bạo phát bạo tàn, bởi người tiêu dùng khó tính và hơi bị… không chung thủy. Các khóa huấn luyện, giảng giải về nghề, quanh đi quẩn lại cuối cùng cũng chỉ xoay quanh ba chữ T là tâm - tài - trí. Nhưng cái thuở hàng hóa ít, nhu cầu thấp thì khác, bây giờ mọi thứ lộn lên, vàng thau lẫn lộn, giỏi dốt “nhạc và lời như nhau”, lạng quạng là thành… ăn mày. “Nhưng, chuyện sống… khỏe của làng đúc này do đâu, có phải là ăn may không?”, tôi nhìn ông Thắng, nói thiệt hơi ngờ vực. “Chúng tôi làm chiêng, đúc tượng khá hơn năm trước. Nguyên nhân là nhu cầu ngày càng nhiều”. “Tâm linh à?”. “Đúng, chùa, công trình tâm linh làm mới nhiều nên đồ tế, cúng càng được ưu tiên mua”. Vậy thì sống được rồi. Mấy năm trở lại đây, ở nước mình liên tiếp nở rộ hết chùa lớn nhất đến khu sinh thái tâm linh to nhất. Chưa bao giờ chuyện đi lễ, cúng bái nhang khói ở người Việt bùng phát mạnh như bây giờ. Biết làm sao được, khi mọi thứ đều có nguồn cơn của nó…
“Nghĩa là các anh bắt đầu cuộc chơi cạnh tranh?”. “Đúng. Tụi tôi có vốn, nói anh biết nhiều năm rồi Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều không nợ thuế; vốn công ty hiện chừ khoảng 30 tỷ đồng. Tay nghề anh em nâng cao. Đó là hai yếu tố khiến chúng tôi cạnh tranh. Từ năm 2000 trở về trước, làng nghề này không bao giờ dám nghĩ là nhảy ra đọ sức với những làng thợ ở Huế, Nam Định, Ngũ Xã. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm hợp lý cũng là yếu tố để đồ đồng làng Phước Kiều bán được. Mình chào giá gần bằng người ta, nhưng cái quan trọng là đồ mình đẹp, chất lượng tốt hơn. Ví dụ như đồ lư đồng hiện giờ là được chuộng nhất, vì đó là thiệt là đồ đồng, nếu không, họ xài một vài năm, nó ngả màu, họ chê là mình ế ngay. Với cơ chế hiện tại, chúng tôi tự tin trụ vững được, và hy vọng sẽ sống khỏe dài lâu. Trước đây, ký hợp đồng 100 triệu là run tay, nhưng bây giờ dự án 3 - 4 tỷ là bình thường”…
Cuộc chơi lớn
Ông Thắng tự tin là phải. Nguồn nhân lực làng nghề này hiện vẫn còn đó những tay nghề xịn, tiếng tăm, từ đúc đồ bình thường đến kỹ xảo. Tôi đã nghe nhiều về nghệ thuật sửa tiếng, chỉnh âm của các nghệ nhân nơi này, khiến bà con các dân tộc thiểu số tìm tới. Những ông Dương Ngọc Tiễn, Dương Quốc Thuần, Dương Sang, Dương Ngọc Thắng… Những cái tên nhắc tới là nghe như tiếng chuông vọng. Điều đáng mừng hơn là yếu tố gia truyền còn nguyên đó. Cha con, ông cháu nối nhau. Lòng yêu nghề, tự hào nghề, chính là cảm xúc tốt nhất, nguồn năng lượng tốt nhất để họ gắn với nghề.
Bình hoa này đang chờ hồi đáp từ một nhà đầu tư ở Phú Quốc. |
Tôi ngó gian nhà chật cứng đồ, đi lại không khéo là va nhau loảng xoảng, nghĩ tới những mẻ đồng đỏ rực mồ hôi và ao ước của người làng đúc. Cả Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều có hơn 50 người, phần lớn là dưới 50 tuổi, tay nghề cao chừng 15 người, thu nhập bình quân 6 triệu/người/tháng. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Làng nghề này nổi tiếng làm hàng đẹp, tinh xảo. Người tiêu dùng bây giờ gu thẩm mỹ càng cao, lơ mơ là họ chê liền. “Đúng đó anh, có nghèo, có thất nghiệp cũng không được làm bậy”. Ông Thắng nói mà trầm tư. Tôi hiểu, người ta làm cái gì mà tận tâm, hiểu nghề, hiểu đời, dứt khoát không tự coi thường mình, bởi cái tiếng tốt ở đời khó mua lắm.
Rồi ông mở điện thoại cho tôi xem một cái lọ hoa bằng đồng kích thước 30cm x 40cm. “Đây anh coi, tôi đang chào hàng cho một khách sạn 6 sao ở Phú Quốc. Nếu họ gật, tôi sẽ làm 600 cái, giá 10 tỷ đồng”. Kinh thiệt. “Không dễ ăn đâu anh nghe” - ông kéo tôi ngồi xuống giữa ngổn ngang lư, đèn, ở đó có một cái lọ không bọc ni lông - “đây, cái ni thử nghiệm mà không ưng ý, nên tôi bỏ”. “Làm nó hết 15 triệu đồng đó, 10 ngày công, nhưng không đạt theo ý mình, còn cái tôi vừa cho anh coi sắc sảo hơn”. Bên sâu trong phòng khách, một trống đồng đang chờ người ta đến chở. “Đây là của Công ty du lịch Bến Nghé tại TP.Hồ Chí Minh đặt hàng. Tôi đang làm cho các dự án lớn, trong đó có Bà Nà Hill”. Tôi nhớ năm ngoái, chính ông Thắng đã làm cho khu vui chơi trên núi Bà Nà 2 cây súng thần công, mỗi cây dài 6m, nặng 3 tấn. Ròng rã đúc 6 tháng trời, gia đình ông mới đưa nó lên được trên đó trong nỗi trầm trồ của thiên hạ. “Tại Bà Nà, tôi đang làm cho các chóp nhà…”. Thì ra là thế. Những ngôi nhà Châu Âu trên núi, chóp nhọn đó bọc đồng hết. Mình đứng ngó lên, có biết mô…
Nối truyền nguồn mạch
Tháng này, là vào lễ hội. Nghe tiếng chuông, tiếng thanh la, là giục gạn bỏ ồn ào, quay về. Từ lâu vẫn nghĩ các phương tiện văn minh dần dà thay thế hết các thứ phụ trợ lẫn chính yếu cho các nghi lễ truyền thống, bởi không ai dám nói chuẩn mực xã hội, quy định mặc định căn cốt văn hóa bây giờ là gì. Lúc đó, chỉ còn nỗi nhớ là thay thế. Cứ nhìn đám ma là biết. Phường bát âm hiếm dần. Điện tử thay thế hết. Đã đọc đâu đó rằng, nếu mất đi làng và tôn giáo, là xã hội đã ở bên bờ diệt vong. Tên gọi chính xác là văn hóa gốc bị hủy diệt. Nhưng thà mất hết, làm mới, còn hơn là tạp nham ma người lẫn lộn, khái niệm bị đánh tráo. Tôi chống lại triệt để cái gọi là nở rộ chùa. Dư luận đang lên án những dự án khoác áo tâm linh để cướp đất, dựng chùa để trục lợi, biến nơi tôn nghiêm thành chỗ chợ búa. Những nơi đó, sự thanh cao do đức tin đưa đến được thay thế bằng nhố nhăng.
Khôi phục yếu tố truyền thống, phải khởi đầu bằng giáo dục. Hiện giờ có bao người trẻ hiểu được bộ tam sự trên bàn thờ là gì không? Cái lư hương là một trong ba cái đó. Những người ở làng đúc Phước Kiều đang miệt mài làm sống lại những vật dụng truyền thống, mà tên gọi của nó là những giá trị. Họ sống bằng nghề. Nghề nuôi họ, đã đành, nhưng hơn cả chuyện nuôi, là giá trị văn hóa chưa mất đi trong dòng chảy ngưỡng vọng, thiết thân. Tôi nhớ ông Thắng lúc nãy nói sống được nhờ xã hội đi lên, nhu cầu tâm linh cao. Tôi muốn chẻ ra một nhánh nhỏ nữa rằng, đây là sản phẩm dành cho nhu cầu tâm linh, trang trí, tóm lại là yếu tố tinh thần, từ tượng vệ nữ bán cho khách Tây ở Hội An đến những cặp chân đèn to bự mà ông chuẩn bị xuất sang Mỹ, nó là vật dụng, chẳng tội nợ chi, phần cần nói là mục đích sử dụng. Tâm linh, tinh thần, là thứ cao sang, huyền nhiệm. Nhìn đồ đồng sáng lấp lánh, chỉ mong lúc khởi động nhu cầu ấy, lòng mình không ngả màu…
Phóng sự của TRUNG VIỆT