Khó quản lý thức ăn đường phố

XUÂN HIỀN 01/03/2019 07:43

Vụ việc 18 em học sinh tại Thăng Bình phải nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn, đồ uống không rõ nguồn gốc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về các nguy cơ từ những loại thực phẩm này.

Bán thức ăn vặt bên ngoài cổng trường. Ảnh: X.H
Bán thức ăn vặt bên ngoài cổng trường. Ảnh: X.H

Ngộ độc từ gà rán, trà sữa

Ngày 27.2, sau khi một phụ huynh mua gà rán, trà sữa để tổ chức liên hoan cho 33 em học sinh lớp 5 tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Thăng Bình), sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, 18 em có triệu chứng buồn nôn, đau bụng, nôn và sốt nhẹ. Đại diện Phòng Y tế huyện Thăng Bình cho biết, các em được đưa vào nhập viện ngay sau đó. Các cán bộ y tế tại TTYT huyện và Bệnh viện Thăng Hoa đã sơ cứu và cấp cứu kịp thời và cùng ngày đã cho các em xuất viện. Ngày 28.2, các em học sinh này đã đến trường trở lại.

Theo đại diện của Phòng Y tế huyện, địa phương này đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ngay chiều 27.2, tiến hành lập các biên bản và thu thập phế phẩm sau khi các em sử dụng. “Mẫu kiểm nghiệm lấy từ xương gà và trà sữa còn lại dưới đáy ly vì các em đã sử dụng hết. Những mẫu này lại không đủ điều kiện để xét nghiệm, phân tích vi sinh hay hàm lượng các chất. Như vậy chưa thể kết luận các em bị ngộ độc vì nhiễm chất gì. Tuy nhiên, qua các triệu chứng khi đưa các em đến trung tâm y tế, chúng tôi dự đoán các em bị rối loạn tiêu hóa do sử dụng 2 loại thực phẩm không phù hợp, một thứ quá nóng, thứ quá lạnh. Cộng với liên hoan ngay tại lớp học, ngay giờ giải lao, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo “ - cán bộ này nói.

Thông tin từ Đoàn kiểm tra ATTP huyện Thăng Bình cho biết, vị phụ huynh này mua trà sữa và gà rán tại 2 hộ kinh doanh trực tuyến, chưa có giấy phép kinh doanh. Trong khi đó, sau khi tiến hành kiểm tra, xem xét nguyên liệu, đoàn kiểm tra cho biết, nguyên liệu sử dụng pha chế món trà sữa đều có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Trong khi ở món gà rán, theo nhận định của ông Phan Viết Tuyển - Phó Trưởng phòng, có thể do đùi gà đông lạnh chưa được rã đông kịp, đã gây nên chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Siết chặt quản lý hàng quán vỉa hè

Ông Hồng Quốc Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, sau khi nhận thông tin vụ việc cũng như tiến hành thanh tra, kiểm tra, huyện đã niêm phong và có văn bản xử phạt 2 hộ kinh doanh tự phát tại nhà, cũng như lên kế hoạch giao các ngành tại địa phương kiểm tra toàn bộ các hàng quán kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện. “Trong đó, chúng tôi yêu cầu nghiêm cấm tất cả quán ăn vặt mọc xung quanh các cổng trường. Yêu cầu Phòng Giáo dục siết chặt việc quản lý nội quy trong nhà trường, không để xảy ra tình trạng buôn bán trước cổng trường. Đồng thời trong thời gian tới, phòng kinh tế của địa phương sẽ tiến hành kiểm soát lại toàn bộ việc kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó có buôn bán thức ăn trực tuyến tại Thăng Bình” - ông Hồng Quốc Cường nói.

Ông Nguyễn Đây - Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, việc quản lý hàng quán vỉa hè cũng như thức ăn đường phố được giao về cho các xã phường. Tuy nhiên, ông Đây cũng nhìn nhận, rất khó để kiểm soát và quản lý thức ăn đường phố. “Hiện nay chỉ riêng cơ sở dịch vụ ăn uống được cấp phép tại Quảng Nam đã lên đến 9.840 cơ sở, chưa tính 2.327 cơ sở sản xuất, chế biến. Còn có đến hàng ngàn hộ buôn bán thức ăn tại nhà hoặc cửa hàng di dộng, các gánh hàng rong... Đặc biệt đối với hàng quán vỉa hè ở gần các trường học, để quản lý tốt nhất thì lãnh đạo các địa phương phải chỉ đạo phối hợp giữa phòng y tế và phòng giáo dục, tăng cường kiểm soát những hộ kinh doanh di động này. Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, phụ huynh nên đảm bảo bữa ăn sáng tại nhà cho trẻ, không nên để trẻ sử dụng thức ăn dọc các cổng trường” - ông Đây nói. Cũng theo ông Đây, trà sữa và gà rán cũng như vài loại thức ăn nhanh hiện nay vẫn chưa đăng ký công bố sản phẩm, chính điều này gây khó cho lực lượng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

XUÂN HIỀN

XUÂN HIỀN