Vững chắc thế trận lòng dân

ALĂNG NGƯỚC 28/02/2019 05:22

Bằng niềm tin và tình yêu thương giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh với nhân dân ở hai tuyến biên giới đất liền, biển đảo đã viết nên câu chuyện đẹp về sức mạnh tổng hợp, ghi dấu một thế trận lòng dân vững chắc, góp phần làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các chiến sĩ biên phòng góp sức bảo vệ biên giới biển đảo yên bình. TRONG ẢNH: Trên đường tuần tra.       Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các chiến sĩ biên phòng góp sức bảo vệ biên giới biển đảo yên bình. TRONG ẢNH: Trên đường tuần tra. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Quân dân một lòng

Suốt hàng chục năm, kể từ khi BĐBP tỉnh được thành lập vào năm 1961, công cuộc xây dựng và bảo vệ vành đai biên giới luôn được giữ vững, đáp ứng mọi trọng trách được giao. Bên cạnh phát huy tinh thần đoàn kết trong toàn lực lượng, những năm qua, BĐBP tỉnh đã luôn gắn bó mật thiết và chăm lo đời sống của nhân dân ở hai tuyến biên giới đất liền, biển đảo. Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thắng lợi vào các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

Đại tá Nguyễn Hữu Thắng - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, BĐBP tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, sống gần dân, đảm bảo về công tác quản lý, bảo vệ vành đai biên giới yên bình, bền vững. BĐBP tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt các đối sách trong bảo vệ biên giới, biển đảo và hoàn thành công tác phân giới cắm mốc giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông (Lào); thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhà nước, cũng như tăng cường tuần tra bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm trên địa bàn biên giới. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của lực lượng biên phòng mà Đảng và nhân dân giao phó. “Xác định vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, những năm qua, BĐBP tỉnh đã phát động rộng khắp và cổ vũ phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo. Đồng thời triển khai các phong trào “Quân đội tham gia xây dựng nông thôn mới”; Chương trình “Vì những còn tàu xa khơi”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Nâng bước em tới trường”... tạo được sức lan tỏa lớn trong mọi tầng lớp xã hội. Vì thế, hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh đã thực sự chiếm được tình cảm và sự tin yêu, quý mến của đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới” - Đại tá Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ.

Xây dựng trận thế từ nhân dân, BĐBP tỉnh đã vận động thành lập được 37 tổ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia với 733 thành viên; 171 tổ tự quản an ninh trật tự với 1.718 thành viên và 84 tổ đoàn kết với 4.366 thành viên tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Quân dân một lòng, nhiều chương trình ý nghĩa được hình thành, tạo thêm niềm tin vững chắc, cùng góp sức cho công cuộc xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Phát huy truyền thống

Được thành lập vào ngày 19.5.1961, BĐBP tỉnh là tiền thân của lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng, có tên gọi lúc đầu là Tổ cảnh vệ. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam luôn dựa vào nhân dân, nêu cao ý thức tự lực tự cường, không ngừng lớn mạnh ở cả vùng giải phóng cũng như trên địa bàn địch chiếm đóng, lập nên những chiến công vẻ vang, góp phần cùng cả nước hoàn thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Thượng tá Nguyễn Xuân Bách - Chính ủy BĐBP tỉnh nói, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với nhiệm vụ mới là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã không ngừng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết trên dưới một lòng, làm tốt nhiệm vụ công tác biên phòng và đấu tranh phòng chống hiệu quả các loại tội phạm trên 2 tuyến biên giới. Đến nay, bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông với 60 cột mốc, lực lượng biên phòng còn làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng và đối ngoại biên phòng. Đồng thời tăng cường gặp gỡ, hội đàm, trao đổi với chính quyền, lực lượng chức năng của nước bạn Lào để giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ, hợp tác kinh tế - du lịch - thương mại và tích cực phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết các vấn đề xảy ra trên biên giới, cũng như ngăn chặn di cư tự do và xuất nhập cảnh trái phép… “BĐBP tỉnh cũng đã giúp đỡ bạn trong huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ biên giới và triển khai có hiệu quả phong trào kết nghĩa giữa cặp thôn - bản hai bên biên giới Việt - Lào” - Thượng tá Nguyễn Xuân Bách nói.

Với những chiến công, thành tích đạt được trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP tỉnh được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: BĐBP tỉnh và 8 đơn vị trực thuộc, 9 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; 1 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới. BĐBP tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; cùng nhiều Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành trung ương; Cờ thi đua và Bằng khen của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh... BĐBP Quảng Nam cũng đã được tặng Huân chương hữu nghị nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.

Ngoài ra, qua 30 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” đã có hơn 500 tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng; 2.130 cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

ALĂNG NGƯỚC

TỪ PHÊN DẬU BIÊN CƯƠNG

Nơi biên thùy xanh thẳm, những người lính biên phòng vẫn miệt mài với nhiệm vụ tuần tra cột mốc, giữ cánh rừng già và đầu nguồn sông suối. Đồng hành với họ, là đồng bào vùng cao, bất kể ngày đêm, mưa nắng, chuyến đi cứ nối tiếp không ngừng.

Đồng bào vùng cao tham gia làm đường nông thôn với chiến sĩ biên phòng. Ảnh: Đ.N
Đồng bào vùng cao tham gia làm đường nông thôn với chiến sĩ biên phòng. Ảnh: Đ.N

“Tai mắt” biên phòng

Zơrâm Thiên, người làng Đắc Ngol (xã La Êê, Nam Giang) chỉ tay về phía bên kia dãy núi trước làng, nói đó là đường ranh giới giữa mình với bạn. Cột mốc cũng dọc theo dãy núi ấy, phân chia địa giới. Bên kia, là vùng đất của dân bản Đắc Rú, thuộc huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Nhiều năm qua, tuần nào Thiên cùng nhóm người trong Tổ tự quản đường biên, mốc giới cũng đều đặn phối hợp tuần tra, phát dọn tuyến đường biên giới. Khi có chút khả nghi nào được phát hiện, ngay lập tức được báo về xã, về đồn biên phòng. Vì thế, họ luôn là “tai mắt”, là những “cộng sự” đáng tin cậy của biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Là Bí thư Chi bộ, Zơrâm Thiên nói, đi tuần tra ngoài để làm gương, còn là dịp để anh nâng cao hiểu biết bản thân. Cột mốc ở vị trí nào, đường biên dài bao nhiêu,… Thiên gom hết để làm tư liệu, rồi về tuyên truyền cho bà con dân bản. Cuộc họp thôn lần nào, Thiên cũng lồng ghép, có khi chỉ là câu chuyện về chương trình kết nghĩa, về điều kiện thăm thân giữa đồng bào hai bên biên giới, nhưng lại mang ý nghĩa vun đầy.

Thượng tá Quách Thiện Dư - Chính trị viên Đồn Biên phòng La Êê cho hay, đã có 6 Tổ tự quản đường biên, mốc giới được thành lập và duy trì với 75 thành viên tham gia. Vai trò cộng đồng được phát huy, hàng chục cuộc tuần tra được phối hợp giữa lực lượng biên phòng, công an, dân quân và người dân ở hai bên biên giới. Biên phòng gần dân, dân gần biên phòng. Sau mỗi chuyến đi, tình quân dân càng thêm thắm thiết.

Theo tiếng nói của già làng

Với đồng bào vùng cao, tiếng nói già làng được xem như “phát ngôn chung” của cả làng, từ đứng ra giải quyết mâu thuẫn nội bộ, tổ chức cúng tế, cho đến nói chuyện cưới vợ, gả chồng,… Vì thế, già làng là những “tuyên truyền viên” tích cực, giúp bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ hiềm khích - mê tín dị đoan, vận động con em đến trường học tập, nâng cao dân trí. Như các già Bh’riu Pố, Alăng Đàn (huyện Tây Giang); Blúp Dứ, Alăng Nhứch (huyện Nam Giang),… nhiều năm qua luôn trở thành những người bạn đồng hành của chiến sĩ biên phòng trong công tác giữ vững an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới. Bằng tiếng nói của mình, các già làng đã vận động người dân địa phương cùng tham gia các đợt tuần tra đường biên, cột mốc; xây dựng gia đình văn hóa kiểu mẫu, cùng nhiều chương trình, mục tiêu khác mang lợi ích cho cộng đồng.

Ông Zơrâm Nhưng - Chủ tịch UBND xã Ga Ry (Tây Giang) chia sẻ, với sự góp sức vận động tuyên truyền của già làng, những cánh rừng nguyên sinh tại địa phương được gìn giữ nguyên vẹn, nạn săn bắt thú rừng dần vơi đi theo ngày tháng và cả việc đốt nương, làm rẫy cũng dần chìm trong quên lãng. Điều còn mãi với người dân vùng biên là niềm tin vào Đảng, là những nỗ lực trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, là cùng chung sức xây dựng, bảo vệ vành đai biên giới êm ấm, yên bình.

ĐĂNG NGUYÊN

NEO GIỮ BÌNH YÊN PHÍA ĐẢO

Mùa lặng sóng. Cù Lao Chàm (TP.Hội An) như xanh hơn, mê mải giữa biển trời. Phía đảo, dấu chân lặng lẽ của người lính biên phòng vẫn miệt mài theo những vòng tuần tra. Bốn mươi hai năm, nghĩa tình dày thêm bằng lòng nhiệt thành, bằng niềm tin yêu mà người dân đảo dành lại cho đứa “con nuôi” của mình…

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm trên đường tuần tra. Ảnh: N.C
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm trên đường tuần tra. Ảnh: N.C

Mắt của đảo

Đêm rất yên. Trái với những lao xao của buổi ngày, chỉ còn tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá, vọng lên từ phía cảng. Đang phiên trực gác, Thượng úy Nguyễn Bá Sơn - Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm (Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm) đảo qua phòng trực, lật giở cuốn sổ ghi chép, kiểm tra những thông tin tiếp nhận trong ngày. Đã thành thói quen, dù công việc cứ lặp lại, không khí ca trực vẫn luôn được duy trì nghiêm như thế. “Có thể cả tuần, cả tháng không xảy ra một sự vụ nào nghiêm trọng. Nhưng cũng có khi, nửa đêm, rạng sáng, anh em phải lao ngay ra biển, khi phát hiện có đối tượng đánh bắt trái phép trong khu vực bảo tồn. Mọi người luôn phải trong tâm thế sẵn sàng” - Thượng úy Nguyễn Bá Sơn mở đầu câu chuyện về công việc của những người lính ở đồn.

Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm thành lập vào ngày 10.6.1977 trên cơ sở thay đổi phiên hiệu từ Đồn Công an nhân dân Vũ trang 115, Đồn Biên phòng 552 và Đồn Biên phòng 276. Nhiều năm qua, đơn vị luôn đạt danh hiệu quyết thắng, dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh và BĐBP tỉnh. Từ năm 1993 tới nay, Chi bộ, Đảng bộ đơn vị luôn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh; 2 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; 3 cá nhân được UBND tỉnh tặng huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam” và hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ được các ban, ngành trung ương và địa phương tặng bằng khen, giấy khen…

Những chuyện mà anh đề cập không phải chưa từng xảy ra. Tháng 7.2017, cũng trong một ca trực đêm, đơn vị nhận thông tin có tàu cá xâm nhập khu vực bảo tồn, dùng xung điện đánh bắt hải sản trái phép. Đã quen với việc phải cơ động trong đêm, anh em nhanh chóng tìm cách tiếp cận tàu vi phạm. Thấy bóng canô tuần tra hỗn hợp của biên phòng và cán bộ bảo tồn biển, tàu cá lập tức tắt đèn, tăng ga, quay đầu hướng biển bỏ chạy. Cuộc rượt đuổi diễn ra ngay trên những con sóng, giữa màn đêm. Nhận thấy tàu cá đã ra khỏi khu vực bảo tồn, việc tiếp tục truy đuổi có thể gây nguy hiểm, anh em đội tuần tra hỗn hợp buộc phải cho tàu quay về. Những cuộc truy đuổi như vậy không còn lạ. Mùa hè năm 2018, trong lúc tuần tra, kiểm soát, tổ tuần tra hỗn hợp của biên phòng và lực lượng bảo tồn phát hiện có đến 7 tàu cá đang “hành quân” vào vùng bảo tồn, mang theo dụng cụ xung kích điện công suất lớn. Toàn bộ số kích điện bị thu giữ, tàu cá bị xử phạt hành chính, đồng thời nhắc nhở yêu cầu các chủ tàu cá không tái phạm.

Thầm lặng giữ đảo, Thượng úy Nguyễn Bá Sơn cùng các chiến sĩ ở đồn đã trải qua hàng chục chuyến đi như thế. Lính biên phòng… giữ biển, các anh đã không ít lần đối mặt với “ngư tặc”, chấp nhận những hiểm nguy khi bị hăm dọa, sử dụng cả súng bắn điện để chống trả. Giữa mênh mông sóng biển, ẩn chứa bao bất trắc mà ngay cả các anh vẫn không thể lường hết được. Nhưng, như một mệnh lệnh từ trái tim, tất cả đều sẵn sàng đương đầu. Những mệt nhoài của đêm trắng tuần tra, đổi lại, là yên bình của biển, của cù lao, như một món quà dành lại. Thượng tá Nguyễn Hữu Quyết - Chính trị viên của đồn tâm sự, trong quyết tâm của lực lượng biên phòng, có thêm sự đồng hành của bà con ngư dân, vốn là dân đảo. Họ, như “trăm tay, nghìn mắt” giữa biển trời, luôn là người báo tin nhanh nhất cho đồn khi phát hiện sự việc bất thường trên biển. “Nhờ có bà con, đồn làm tốt hơn nhiệm vụ giữ gìn đảo, biển, kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm. Điều đáng nói, những vụ mà chúng tôi đã phát hiện, đa số là do ngư dân ở vùng khác đến. Hầu như không có trường hợp người địa phương đánh bắt trái phép, sử dụng kích điện trong khu bảo tồn” - Thượng tá Nguyễn Hữu Quyết nói.

Những ân tình chưa kể

Bên chân sóng, không chỉ có những giờ tuần tra và phiên gác trực. Người lính Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm hòa vào đời sống của làng biển, trong chan chứa tình cảm người ở cù lao. Như bà Phạm Thị Ngọc Liễu (thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, TP.Hội An), nhiều năm nay luôn có những “đứa con nuôi” đặc biệt, là chiến sĩ của đồn. Trong số đó, có Thiếu úy Nguyễn Thanh Châu. “Ba Năm, má Liễu” là danh xưng thân mật mà các anh gọi bà Liễu và chồng, căn nhà cũng thành nơi ghé chân quen thuộc của lính đảo. Con cái ở xa, những chuyến biển trở về, có con cá, con mực tươi, là dứt khoát mang đi chiêu đãi mấy đứa con nuôi. Bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đến và đi, bà cứ thế có thêm nhiều “đứa con” đặc biệt, mà với ai cũng đầy ắp nghĩa tình. Thiếu úy Nguyễn Thanh Châu kể, gần tết, bà dúi cho mấy anh em vài ba thức biển khô về làm quà, đến lúc ra lại đảo trực thì có ngay lì xì của ba má. “Là lính mới, xa nhà quanh năm, nhưng ở với đảo, chúng tôi luôn được mọi người coi như trong gia đình. Cứ hễ có chút gì ngon, dịp gì vui là kéo anh em ghé nhà” - Thiếu úy Nguyễn Thanh Châu tâm sự.

Cho đi và nhận lại, từ những thương yêu giản dị mà ăm ắp nghĩa tình, lính biên phòng trở thành một phần không thể tách rời, với dân đảo. Bà Liễu nói, giữa những lúc nguy cấp nhất, gian khó nhất, là dân tìm đến biên phòng. Gặp nạn giữa biển, hay ngày trời nổi gió mà cần kíp phải vào bờ, là màu áo xanh biên phòng xuất hiện. Cứ có việc cần, dân không ngại gõ cửa biên phòng, nhờ các anh giúp đỡ. Xây dựng một căn nhà tình nghĩa, dọn rác bẩn ở bến tàu, giúp đỡ các gia đình neo đơn, hay đỡ đầu cho học sinh nghèo hiếu học..., vô vàn những câu chuyện đẹp của người lính trong lòng dân đang hiện hữu ở nơi này. Chỉ có điều, họ ít khi kể về mình, dù mồ hôi luôn sẵn sàng đổ xuống, vì một cù lao xanh…

Lính biên phòng ở đó, như một chỉ dấu của niềm tin. Chị Ngô Ái Linh, chủ một homestay trên đảo vẫn chưa quên chuyến đi định mệnh của hai mẹ con giữa mùa biển động năm 2017. Con trai chị, cháu Trần Hữu Phúc, khi chỉ mới vừa 7 tháng bị nhiễm trùng ruột nặng, vượt quá khả năng điều trị của trạm quân dân y. Cơn sốt cao giữa lúc biển đang gầm gào sóng gió cấp 6, cấp 7, chị liên lạc với đồn biên phòng nhờ cứu giúp. Những cuộc gọi gấp gáp giữa đồn và các đơn vị cứu hộ, chị không được biết, nhưng không lâu sau tin báo, tàu cứu hộ SAR-274 xuất hiện, đưa hai mẹ con đến Đà Nẵng để cấp cứu. Giữa chừng của lo lắng và tuyệt vọng, sự nhanh nhạy của đồn biên phòng và lực lượng cứu hộ như một chiếc phao cứu sinh cho chị. “Khi phải đối mặt với tình huống đó, tôi thấy mình thật may mắn, vì mình không đơn độc. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc những bàn tay chìa ra, cứu giúp cho gia đình mình, không bao giờ quên ơn lực lượng cứu hộ và anh em biên phòng” - chị Linh chia sẻ.

Phía mênh mông trời nước, chúng tôi đã thấy một màu xanh khác dưới sắc nắng cù lao: màu áo lính. Ở đó, phía mặt trời, có sự hiện diện của các anh, neo giữ bình yên cho nơi này, sau bao sóng gió.

Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC