Thăng Bình nỗ lực khống chế bệnh lở mồm long móng
Mặc dù bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã xuất hiện trên địa bàn huyện Thăng Bình vào trước Tết Nguyên đán và đã được khống chế, tuy nhiên giữa tuần qua bệnh này lại tái phát tại xã Bình Giang. Các ngành chức năng của huyện Thăng Bình đang tiếp tục nỗ lực khống chế để bệnh không lây lan diện rộng và tránh thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.
Trước Tết Kỷ Hợi, bệnh LMLM đã xuất hiện trên đàn vật nuôi gồm 5 con của gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh (tổ 12 thị trấn Hà Lam). Khi 1 con heo trong chuồng chết, gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh đã báo với chính quyền địa phương. Ngay sau đó, các ngành chức năng của huyện Thăng Bình vào cuộc để tiến hành lấy mẫu, xác định bệnh và tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh. Tính đến thời điểm xuất hiện bệnh đến nay hơn 1 tháng, gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh vẫn phải dùng bình phun thuốc cỡ lớn để phun hóa chất quanh chuồng trại chăn nuôi sát trùng 2 lần/ngày. Chị Nguyễn Thị Cảnh cho hay, nuôi heo, gà là sinh kế chính của gia đình. Vì vậy, dù bệnh LMLM đã xuất hiện trên đàn vật nuôi và phải tiêu hủy toàn bộ nhưng việc tái đàn sẽ phải tiếp tục.
Bệnh LMLM cũng đã xuất hiện trước tết trên đàn vật nuôi tại xã Bình Giang và thị trấn Hà Lam với số lượng 8 con. Ngay sau khi phát hiện bệnh, ngành chức năng của huyện đã kịp thời có mặt để tiêu hủy và triển khai nhiều biện pháp khống chế bệnh. Tuy nhiên mới đây nhất vào ngày 19.2, bệnh tái xuất hiện tại xã Bình Giang trên đàn vật nuôi gồm 1 lợn nái và 9 lợn con. Cơ quan chuyên môn của huyện đã báo cáo tỉnh và tiến hành lấy mẫu để xét bệnh LMLM theo chủng mới hay cũ. Đồng thời xem xét bệnh heo tai xanh hay dịch tả heo châu Phi có xâm nhập địa bàn huyện hay không.
Theo ông Bùi Thanh Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, nguyên nhân xuất hiện bệnh do hoạt động mua bán động vật nhộn nhịp trong dịp trước tết. Thời điểm tết, nhu cầu sử dụng thịt tăng cao. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh LMLM của các huyện lân cận rất nhiều, phức tạp, sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn khó chặt chẽ. Các ngành chức năng đã vào cuộc để khống chế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan và thiệt hại kinh tế cho nông dân nhưng hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Bùi Thanh Việt cho biết thêm, việc kiểm tra, giám sát động vật nhập vào địa phương cũng như việc quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm động vật như trâu, bò, heo vẫn còn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân, khó khăn của các ngành chức năng trong việc kiểm soát dịch bệnh. “Giải pháp tốt nhất khi phát hiện bệnh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện vận động người dân tiêu hủy ngay không để điều trị như những bệnh trên trâu, bò khác. Bởi vì bệnh đối với heo nguy cơ phát tán rất cao, do đó tốt nhất là tiêu hủy. Tổ chức tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng ở các địa phương, chú trọng đối với những vùng đã xảy ra bệnh. Trung tâm phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện phân công cán bộ, theo dõi giám sát ở tận các thôn, tổ để phát hiện và xử lý kịp thời khi có bệnh xảy ra” - ông Bùi Thanh Việt nói thêm.