Lai rai chữ nghĩa: "Cứu cánh" và "tang thương"
Đọc báo chí, ngay cả những tờ báo thuộc loại nghiêm túc, thậm chí trong cả sách vở, ta vẫn thường gặp những từ được sử dụng rất phổ biến, mà nội dung được truyền đạt lại sai lệch hẳn với nguyên nghĩa của nó. Đây là một hiện tượng rất phổ biến đối với các từ gốc Hán Việt, do người viết đôi khi chỉ biết từ đó qua âm đọc và tiện tay sử dụng như một thói quen, chứ không chịu khó tra cứu từ nguyên.
Có người dịch nhầm “noãn sào” (buồng trứng) là “tổ ấm”, vì “noãn” ngoài nghĩa là “cái trứng”, còn có nghĩa là “ấm”(!). Có lần tôi tình cờ đọc thấy, trong một bài phê bình về thơ, người viết đã dùng câu “Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh” (có lúc lên thẳng đỉnh núi chơi vơi) của thiền sư Không Lộ đời Lý để ca ngợi câu thơ như “ngọn gió cô đơn” (!), vì cứ ngỡ “phong” là “gió”, chứ không hề biết rằng “phong” trong câu thơ của thiền sư Không Lộ là “đỉnh núi”, với cách viết hoàn toàn khác nhau trong chữ Hán. Có lẽ do ý nghĩa của từ “phong” là “gió” đã quá phổ biến trong dân gian.
Còn có hai từ dùng sai mà vẫn cứ phổ biến, đó là “cứu cánh” với “tang thương”.
Cứu cánh
Lâu nay trên báo chí, ta vẫn gặp nhiều câu văn đại loại như: “Cầu thủ X. xuất hiện trên sân cỏ như một cứu cánh cho đội bóng”, “Chính sách Y. là một cứu cánh cho nền kinh tế”... Nhiều người cứ dùng từ “cứu cánh” theo nghĩa sai lệch như là “giải pháp” hoặc “lối thoát” cho một tình hình bế tắc, có lẽ do thói quen đọc thấy có chữ “cứu” và hiểu là “cứu giúp” (!), theo nghĩa “cứu viện”, “cứu trợ”, “cứu hộ”, mà không hiểu rằng chữ “cứu” trong “cứu viện”, “cứu trợ”, “cứu hộ” được viết hoàn toàn khác với chữ “cứu” trong “cứu cánh”.
Trong các trường hợp này, dễ dàng thấy đây là sự lẫn lộn giữa “cứu cánh” với “cứu tinh”. Chính chữ “cứu” trong “cứu tinh” mới có nghĩa là “cứu giúp”. “Cứu tinh” mới có nghĩa là “ngôi sao cứu mệnh”, và được dùng để chỉ đến giải pháp hoặc lối thoát cho tình hình bế tắc.
Riêng đối với từ “cứu cánh”, tôi có một ấn tượng rất sâu sắc. Khi còn nhỏ, vào ngày rằm và mùng một, tôi thường được má tôi dẫn lên chùa lễ Phật. Trong buổi lễ, luôn có tụng bài Bát Nhã tâm kinh. Dĩ nhiên tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng cứ tụng theo má tôi và mọi người khác, vì thấy âm điệu bài tụng hay hay. Như một điệu nhạc. Cứ đến đoạn cuối với câu “viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn”, tôi lại tò mò vì hai chữ “Niết Bàn”. Có lẽ vì trong đầu óc trẻ thơ, Niết Bàn là cõi Phật linh thiêng, hẳn nó còn kỳ diệu gấp vạn lần cảnh tượng trên thiên giới trong Tây du ký, mà tôi đọc qua những tập truyện tranh. Về sau, đọc sách mới hiểu câu đó có nghĩa là “xa rời điên đảo, mộng tưởng; rốt cuộc đến được Niết Bàn”.
Tang thương
Từ “tang thương” cũng nằm trong trường hợp hiểu sai nghĩa theo âm đọc. Thỉnh thoảng, ta vẫn gặp những tiêu đề báo như: “Bầu không khí tang thương đang bao trùm một vùng quê”, “Cảnh tượng tang thương sau lũ”... với nội dung tả cảnh tiêu điều, đổ nát gây nên mối thương tâm. Mỗi khi có một bài báo viết về một tai nạn thảm khốc, hay cảnh thiên tai bão lụt... là hầu như ta lại thấy từ “tang thương” xuất hiện. Hiển nhiên người viết muốn diễn đạt nội dung từ “tang thương” theo nghĩa “tang tóc, đau thương”. Lẽ ra trong những trường hợp này, ta nên dùng từ “tang tóc” hay một từ nào đó có nội dung diễn đạt cảnh “tang tóc, đau thương”.
Bất kỳ ai đã từng học qua văn học Việt Nam thời cổ đều hiểu rõ từ “tang thương” mang một ý nghĩa hoàn toàn khác - đầy gợi cảm và mênh mang sâu lắng.
Chửa đầy một cuộc tang thương,
Non đồng đã lở, núi vàng cũng nghiêng.
(Bích Câu kỳ ngộ)
Tang ở đây là “cây dâu”, chứ chẳng dính dáng gì đến “tang tóc”; còn thương là “màu xanh”, cũng chẳng có quan hệ gì với cách hiểu “đau thương, thương tâm, thương cảm” gì cả. Tang thương là từ viết tắt của câu “Thương hải biến vi tang điền”, có nghĩa là “biển xanh biến thành nương dâu”. Người phương Đông xưa quan niệm rằng cứ ba mươi năm thì vũ trụ lại biến chuyển một lần; biển cả biến thành nương dâu, nương dâu hóa thành biển cả, ý muốn nói đến sự phù du và biến đổi vô thường của cõi thế. “Tang thương” được dịch thành “bể dâu” rất hay trong tiếng Việt. Người Việt Nam ai lại chẳng nhớ câu thơ của cụ Tố Như:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Đau đớn lòng là vì cảnh tượng biến đổi vô thường, vì “cảnh tượng bể dâu” hay “cảnh đời dâu bể”, khiến lòng người thấy xót xa cho kiếp nhân sinh phù ảo mà đâm ra cảm thán, chứ có phải vì cảnh tượng đau thương hay tang tóc nào đâu?
Bên cạnh các từ “cứu cánh”, “tang thương”, còn có không ít những trường hợp dùng nhầm như vậy. Với các từ có gốc Hán Việt, nếu cứ dựa âm đọc để hiểu nghĩa, mà không chịu tra cứu từ nguyên thì khi sử dụng dễ dẫn đến tình trạng “sai một li, đi một dặm” lắm.