Chuyện người con đất Quảng tham gia đoàn bảo vệ Chủ tịch Kim Nhật Thành

PHƯƠNG NAM 27/02/2019 13:34

(QNO) - Sự kiện nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sang thăm Việt Nam những ngày này khiến chúng tôi nhớ lại câu chuyện về người con đất Quảng đã từng tham gia đoàn bảo vệ ông Kim Il-sung - Kim Nhật Thành (ông nội của Kim Jong-un), khi ông Kim đến thăm Việt Nam vào năm 1964.

Ông Phạm Ngọc Toản mặc vest đen, đứng ngay sau lưng ông Kim Il Sung (ảnh gia đình cung cấp)
Ông Phạm Ngọc Toản (hàng sau, bên trái) đứng ngay sau lưng ông Kim Il-sung. Ảnh gia đình cung cấp

Đó là ông Phạm Ngọc Toản (SN 1925, thôn Thanh Trà, xã Tam Nghĩa, Núi Thành). Ông Toản là người cha quá cố của chị Phạm Ngọc Hoa - đồng nghiệp của chúng tôi. Cũng từ mối quan hệ này, chúng tôi được nhiều lần tiếp xúc và nghe ông Toản kể về những năm tháng hào hùng của mình.

Năm 1949, khi đang công tác ở địa phương, ông Toản được tỉnh Quảng Nam điều động bổ sung cho chiến trường miền Nam. Năm 1953, ông tập kết ra Bắc. Không bao lâu sau đó, ông được cơ quan cử đi đào tạo nghiệp vụ an ninh. Kết thúc khóa học, ông được điều động về Cục Cảnh vệ.

Với phẩm chất, năng lực vượt trội, ông Toản được chọn vào đội ngũ 40 cảnh vệ bảo vệ Hồ Chủ tịch và lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. Công việc chính của ông là bảo vệ vòng ngoài, lo chuẩn bị những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và tháp tùng Người khi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia đến thăm Việt Nam. Ông còn là một trong 15 cảnh vệ chuyên bảo vệ yếu nhân trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao của đất nước.

Ngày 10.11.1964, ông Kim Il-sung có chuyến thăm Việt Nam trong sự đón tiếp nồng nhiệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trong chuyến thăm này, ông Kim đã tham quan nhiều nơi, có sự hộ tống của ông Toản, như Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo ở Hà Nội, Hợp tác xã Việt - Triều hữu nghị (huyện Từ Liêm, Hà Nội), vịnh Hạ Long... 

Theo một số thông tin, Triều Tiên là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam từ năm 1950 và được vun đắp qua nhiều năm sau đó. Vào giai đoạn ác liệt những năm 1964 - 1969, Triều Tiên đã có các hỗ trợ quân sự và cử phi công đến Việt Nam học tập, chiến đấu; Triều Tiên cũng giúp đào tạo nhiều sinh viên, cán bộ Việt Nam trong thời chiến. Trong suy nghĩ của ông Toản lúc còn sống, chuyến thăm của ông Kim Il-sung năm ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng thể hiện được sự quan tâm của nhà lãnh đạo Triều Tiên đối với công cuộc kháng chiến của ta, quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

Mười lăm năm bảo vệ Bác Hồ và các yếu nhân, ông Toản luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1973, ông một mực xin được trở về Nam, trực tiếp tham gia giải phóng quê hương, công tác ở Ban An ninh Khu ủy khu 5. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông làm việc tại Trường Trung cấp Công an 5, đóng tại quê nhà, giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng.

Cuối năm 1983, ông về hưu với quân hàm đại tá, tuy nhiên ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Sau khi về hưu, ông Toản viết hồi ký ghi lại quá trình hoạt động của mình. Hiện gia đình còn lưu giữ rất nhiều ảnh của ông, trong đó có bức ảnh ông hộ tống ông Kim Il-sung vào năm 1964.

Khi còn sống, ông Toản từng chia sẻ với chúng tôi, 15 năm bảo vệ Bác Hồ và các yếu nhân khác là quãng thời gian ông tự hào nhất trong cuộc đời mình. Năm 2012, ông Toản qua đời. Nhưng những câu chuyện mà ông kể cho chúng tôi nghe về Bác Hồ, về công việc của ông thì còn mãi với thời gian.

PHƯƠNG NAM

PHƯƠNG NAM